Pi Network giảm tốc độ khai thác, dân đào Pi đổ xô làm một điều
Trước tình hình đồng Pi bị giảm tốc độ khai thác, trong các hội nhóm đầu tư Pi Network, mọi người đang tích cực kêu gọi nhau làm một điều.
“Pi thủ” chỉ nhau cách tăng tốc độ khai thác
Thời gian qua, nhiều Pi thủ cho biết số Pi đào được một ngày của họ đang có xu hướng giảm mạnh.
Theo anh H.H – một người đào Pi Network, tốc độ đào đồng Pi của anh đã bị giảm đến 38% chỉ trong 1 tháng, từ 0,0047 Pi/giờ xuống còn 0,0029 Pi/giờ.
Anh H. cho biết việc Pi siết lại tốc độ khai thác để tạo cho cộng đồng cảm giác ít dần, khan hiếm, tất cả không nằm ngoài mục đích điều tiết giá.
Bởi với số lượng Pi đào miễn phí lâu nay đang được mở khoá dần, bên cạnh đó số lượng Pi đội ngũ phát triển đang nắm giữ cũng rất lớn, nếu không có động thái điều tiết giá, đồng tiền ảo này sẽ bị giảm, thậm chí là thành “rác”.
Trước tình hình đồng Pi bị giảm tốc độ khai thác, trong các hội nhóm đầu tư Pi Network, mọi người đang tích cực kêu gọi nhau follow (theo dõi) chéo tài khoản nhau.
Theo lý giải của một số người dùng, việc theo dõi tài khoản nhau trên nền tảng Pi Network sẽ giúp gia tăng tốc độ khai thác Pi do sử dụng tiện ích. Trong cơ chế của Pi Network, người dùng có thể tăng tốc độ đào Pi bằng cách mời thêm thành viên mới hoặc xây dựng "vòng tròn bảo mật" (security circle) với những người dùng đáng tin cậy.
Mặc dù follow chéo không trực tiếp tăng mining rate, nhưng nó có thể là bước đầu để tìm kiếm và thêm những người dùng khác vào mạng lưới cá nhân, từ đó gián tiếp hỗ trợ việc này.
Ngoài ra, việc tăng cường theo dõi lẫn nhau được cho rằng sẽ giúp mở rộng hệ sinh thái, phục vụ cho những người đang thực hiện hoạt động kinh doanh trên hệ sinh thái của Pi. Họ tin rằng, hệ sinh thái có thể tích hợp các tính năng xã hội hoặc giao dịch dựa trên mối quan hệ giữa các người dùng. Follow chéo có thể là cách để người dùng xây dựng sẵn mối quan hệ, chuẩn bị cho việc sử dụng các ứng dụng hoặc dịch vụ trong tương lai.
“Nếu bạn có sản phẩm hoặc dịch vụ muốn bán trên nền tảng Pi, việc có nhiều người theo dõi sẽ giúp bạn quảng bá dễ dàng hơn và tiếp cận khách hàng tiềm năng. Việc chia sẻ thông tin sản phẩm/dịch vụ trên profile cá nhân sẽ dễ dàng được nhìn thấy bởi những người follow bạn”, một người dùng Pi giải thích.
Trong khi đó, không ít người dùng lại cho rằng việc theo dõi chéo nhau không mang lại tác dụng tăng tốc độ khai thác Pi. Nhiều người cũng thừa nhận chưa rõ tác dụng thật sự của việc theo dõi chéo tài khoản nhưng vẫn thực hiện theo phong trào.
Cảnh báo đầu tư Pi Network
Về diễn biến giá, rạng sáng 10/4, Pi có tăng nhẹ lên 0,64 USD rồi lại giảm về 0,59 trong sáng cùng ngày, giảm hơn 80% so với mức giá đỉnh gần 3 USD. Với mức giá hiện tại, vốn hóa thị trường đạt 4,07 tỷ USD. Tuy nhiên, không ít người vẫn miệt mài gom vào với hy vọng “sắp hồi lại”.
Nhà đầu tư vẫn nuôi hy vọng giá Pi sẽ hồi lại mốc 3 USD.
Nhận định về đầu tư tiền ảo Pi hiện nay, ông Nguyễn Anh Dũng, chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại Công ty CP Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT cho rằng việc quan trọng nhất của đầu tư là phải hiểu mình đang đầu tư vào cái gì, như thế nào?
“Tiền ảo là cả một thị trường rộng lớn với rất nhiều loại tiền khác nhau. Tuy nhiên đầu tư vào đó giống như một loại niềm tin, hy vọng hơn là một phương án đầu tư tài chính rõ ràng”, ông Dũng nêu quan điểm.
Theo ông Dũng, nhà đầu tư cần phải cẩn trọng khi “đổ tiền” gom Pi trong bối cảnh thị trường chưa rõ ràng xu hướng và đầy rủi ro như hiện tại.
Ngoài ra, Pi đang được tạo ra một cách miễn phí nên rất khó để thấy được giá trị của đồng tiền này ở đâu để có căn cứ tin rằng nó sẽ tăng giá trị.
“Nếu bạn muốn thử sức – cứ thử. Nhưng hãy thử bằng cái đầu tỉnh táo và một phần tiền bạn sẵn sàng mất. Còn nếu mang cả tương lai tài chính của mình đặt vào một trò chơi bạn chưa hiểu luật… thì bạn đang tự đặt mình vào vai con mồi”, ông Dũng khuyến cáo.
Bên cạnh rủi ro về giá, người đầu tư Pi tại Việt Nam còn phải đối mặt với rủi ro pháp lý. Thông tin từ Công an Thành phố Hà Nội, theo quy định của pháp luật tại Việt Nam, hiện nay tiền ảo nói chung và đồng tiền ảo Pi nói riêng chưa được coi là tài sản.
Những vụ việc, vấn đề phát sinh, tranh chấp liên quan đến các hoạt động giao dịch đồng tiền ảo, tiền số Pi rất rủi ro, khó được pháp luật bảo vệ, xử lý. Đồng thời theo quy định của Ngân hàng nhà nước, tiền ảo không phải là phương tiện thanh toán.
Do đó, bất kỳ cá nhân, tổ chức nào sử dụng tiền ảo nói chung, đồng tiền ảo Pi nói riêng vào hoạt động thanh toán thì sẽ bị xử phạt theo khoản 6 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, được sửa đổi tại điểm d khoản 15 Điều 1 Nghị định 143/2021/NĐ-CP (mức phạt từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng) hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 206 Bộ luật Hình sự về “Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.
Cơ quan chức năng nhấn mạnh tiền số Pi hiện nay chưa có tính ứng dụng thực tế, giá trị hiện nay là tự định giá và làm nhiều người bị hiểu lầm về giá trị thật của đồng tiền ảo này.
Thông tin sự xuất hiện của đồng Pi trong ví điện tử Telegram đã mang lại sự lạc quan cho cộng đồng Pi.
Nguồn: [Link nguồn]
-12/04/2025 05:52 AM (GMT+7)