Phú Quốc sẽ là thành phố biển đảo sau khi dừng lên đặc khu

Tỉnh Kiên Giang vừa xin chủ trương thành lập thành phố Phú Quốc trên cơ sở huyện đảo Phú Quốc. Nếu được thông qua, Phú Quốc sẽ là thành phố biển đảo đầu tiên của cả nước với diện tích tự nhiên hơn 589,2 km2, dân số 127.709 người.

Ông Phạm Vũ Hồng - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang vừa ký tờ trình Chính phủ xin chủ trương thành lập thành phố Phú Quốc và các phường thuộc thành phố Phú Quốc trên cơ sở huyện đảo Phú Quốc với hơn 40 hòn đảo lớn nhỏ.

Theo đó, trong phương án trình Chính phủ, tỉnh Kiên Giang dự kiến thành lập thành phố Phú Quốc gồm 8 phường, một xã trực thuộc gồm: phường Dương Đông, An Thới, Dương Tơ, Hàm Ninh, Cửa Cạn, Cửa Dương, Gành Bầu, Bãi Thơm và xã Thổ Châu.

Sau khi thành lập, thành phố Phú Quốc có diện tích tự nhiên hơn 589,2 km2, với dân số 127.709 người và nằm cách thành phố Rạch Giá – trung tâm hành chính tỉnh Kiên Giang 120 km về phía Tây Nam.

Như vậy, nếu chủ trương được thông qua thì Phú Quốc sẽ là thành phố biển đảo đầu tiên của cả nước.

Phú Quốc sẽ là thành phố biển đảo sau khi dừng lên đặc khu - 1

Tỉnh Kiên Giang vừa trình Chính phủ xin chủ trương thành lập thành phố Phú Quốc. Ảnh: Đình Phong.

Lý giải về việc xin chủ trương thành lập thành phố Phú Quốc và các phường thuộc thành phố Phú Quốc, UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng, mô hình chính quyền nông thôn (huyện) hiện nay không còn khả năng đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới, với nhiều khó khăn, bất cập. Đó là quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, hộ tịch, quản lý xây dựng, trật tự xây dựng, cấp phép đầu tư, vấn đề môi trường sinh thái…

"Vì vậy, việc thành lập thành phố Phú Quốc và các phường thuộc thành phố Phú Quốc là cần thiết để thiết lập mô hình quản lý theo chính quyền đô thị cho phù hợp và tạo sự cân đối về phát triển đô thị giữa các khu vực, vùng miền trong cả nước... Mặt khác, việc thành lập thành phố Phú Quốc sẽ tạo sức hấp dẫn thu hút dầu tư, khơi dậy tiềm năng du lịch, tạo đà phát triển kinh tế xã hội", tờ trình của UBND tỉnh Kiên Giang nêu rõ.

Tại tờ trình trên, UBND tỉnh Kiên Giang cũng cho biết, huyện đảo Phú Quốc từng được định hướng xây dựng thành đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt của cả nước. Tuy nhiên, đến nay Quốc hội chưa thông qua Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt nên chưa có cơ sở thành lập.

Cho nên, UBND tỉnh Kiên Giang mong muốn thành lập thành phố Phú Quốc và khi Quốc hội thông qua Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt thì tỉnh Kiên Giang sẽ đề xuất thành lập đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Phú Quốc trên cơ sở thành phố Phú Quốc.

Theo UBND tỉnh Kiên Giang, huyện đảo Phú Quốc hiện nay là đơn vị hành chính cấp huyện loại I trực thuộc tỉnh Kiên Giang. Những năm qua Phú Quốc đã trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí quốc gia và quốc tế, đồng thời trung tâm tài chính, đầu mối giao thông vận tải và hàng không quốc tế.

Hiện có 304 dự án đăng ký đầu tư vào Phú Quốc, với nguồn vốn đầu tư đăng ký đạt 361.054 tỉ đồng. Trong số các dự án đầu tư trên địa bàn có 215 dự án phát triển du lịch, 23 dự án dân cư, đô thị, 8 dự án nông nghiệp, 8 dự án dịch vụ công cộng, và 8 dự án thuê môi trường rừng... Ngoài ra, trên địa bàn Phú Quốc có 31 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 293 triệu USD.

Tình trạng loạn ”xẻ thịt” đất đai Phú Quốc: Đã giải quyết tạm ổn?

Chính quyền tỉnh Kiên Giang, huyện đảo Phú Quốc và các ngành chức năng đã làm gì để dẹp “loạn” đất đai, xây dựng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đình Phong ([Tên nguồn])
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN