Phó thủ tướng yêu cầu siết quy chuẩn an toàn chung cư mini

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Nhà ở nhiều tầng, căn hộ để bán, cho thuê, nhiều người ở phải áp quy chuẩn an toàn như nhà chung cư, theo yêu cầu của Phó thủ tướng.

Tại dự thảo Nghị định về Luật Nhà ở, Bộ Xây dựng tách riêng nhà ở riêng lẻ kết hợp với cho thuê, ở nhiều người thành một chương riêng để quản chặt việc bán, cho thuê.

Nhưng tại cuộc họp về dự thảo Nghị định hướng dẫn một số điều Luật Nhà ở, ngày 13/6, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu loại hình này "phải áp dụng quy chuẩn an toàn như nhà chung cư".

Quy định hiện nay, chung cư phải đảm bảo các quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy, khai thác, sử dụng. Các quy định này nhằm bảo đảm an toàn cho người và tài sản.

Nhà ở nhiều tầng, căn hộ được bán, cho thuê thường được biết tới là chung cư mini. Thời gian qua, nhiều địa phương có tình trạng buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra và không xử lý kịp thời sai phạm với loại hình này. Điều này dẫn tới hệ lụy, gây quá tải về hệ thống hạ tầng đô thị, các tiện ích phục vụ sinh hoạt và tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ. Thực tế đã xảy ra một số vụ hỏa hoạn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Do đó, việc siết lại điều kiện xây loại nhà ở này, theo các chuyên gia, sẽ khắc phục những bất cập hiện nay, đảm bảo nguồn cung cho thị trường khi đây là loại hình giải quyết nhu cầu nhà ở cho hàng triệu người.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc họp, ngày 13/6. Ảnh: VGP

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc họp, ngày 13/6. Ảnh: VGP

Ngoài siết quản lý chung cư mini, Phó thủ tướng cũng giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, đơn giản quy trình phân hạng chung cư. Việc này sẽ khuyến khích doanh nghiệp làm chung cư xanh, thông minh, thay vì chỉ tập trung vào công năng sử dụng. Các quy định mới cũng cần làm rõ trách nhiệm ban quản lý, cách thức thu, quản lý quỹ bảo trì, vận hành nhà chung cư.

Với nhà ở xã hội, ông Hà đề nghị cơ quan soạn thảo thiết kế điều khoản về dành nguồn lực Nhà nước phát triển phân khúc này cho người nghèo, đối tượng chính sách, tương tự nhà công vụ.

Cùng đó, dự thảo nghị định cũng cần bổ sung quy định về lập quỹ phát triển nhà ở xã hội từ nguồn vốn Nhà nước và các nguồn hợp pháp khác.

Hiện cả nước có 503 dự án nhà xã hội đang triển khai, tăng 4 dự án so với cách đây hai tháng. Trong đó, 75 dự án hoàn thành với gần 40.000 căn, tăng ba dự án với hơn 1.700 căn so với hai tháng trước.

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho rằng phát triển nhà ở xã hội tại nhiều địa phương còn hạn chế. Nhiều tỉnh, thành có tỷ lệ triển khai thấp so với mục tiêu đề án có 1 triệu căn nhà ở xã hội đến 2030, như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Long An. Giới chuyên môn đề xuất chuyển nhà tái định cư bỏ hoang thành nhà ở xã hội, tránh lãng phí.

Mặt khác, hiện Luật Nhà ở cho phép chủ đầu tư đặt hàng, mua nhà ở thương mại, nhà ở xã hội phục vụ tái định cư. Theo Phó Thủ tướng, dự thảo Nghị định cần làm rõ trách nhiệm Nhà nước, nhà đầu tư và không để địa phương đặt hàng rồi không mua hoặc doanh nghiệp không làm đúng thời hạn, yêu cầu chất lượng.

Không chỉ vướng lùm xùm liên quan đến khoản phí mua nhà "ngoài hợp đồng", phí dịch vụ cao, dự án khu nhà ở xã hội Dabaco Khắc Niệm (Bắc Ninh) của Tập đoàn Dabaco còn lộ vi phạm, đưa người dân vào ở khi chưa được cơ quan chức năng nghiệm thu công trình vào sử dụng theo quy định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Dung ([Tên nguồn])
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN