Phát hiện kho báu 3.000 năm tuổi của triều đại vô danh ở Trung Quốc
Kho báu bằng vàng 3.000 năm tuổi được phát hiện ở Trung Quốc “có thể viết lại lịch sử nhân loại”.
Hôm thứ Bảy (20/3), các nhà khảo cổ Trung Quốc đã công bố một số hiện vật mới được khai quật từ di chỉ Tam Tinh Đôi ở tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc. Lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1929, Tam Tinh Đôi là một trong những di tích cổ đại quan trọng nhất được tìm thấy trong thế kỷ 20.
Một cuộc khai quật lớn bắt đầu vào năm 2019 đã tìm thấy hơn 500 cổ vật được làm từ gốm sứ, vàng, đồng, ngọc bích và ngà voi với niên đại 3.000 năm. Trong đó, ấn tượng nhất phải kể đến chiếc mặt nạ bằng vàng bí ẩn được phát hiện tại một điểm tổ chức nghi lễ hiến tế.
Mặt nạ bằng vàng khổng lồ được tìm thấy ở di chỉ Tam Tinh Đôi.
Theo China.org.cn, điều khiến các nhà khảo cổ ngạc nhiên nhất là kích thước của chiếc mặt nạ: rộng 23 cm và cao 28 cm. Dù chỉ còn lại khoảng một nửa, tính đến thời điểm hiện tại, đây là chiếc mặt nạ lớn nhất được tìm thấy trong giai đoạn sơ khai của nền văn minh Trung Quốc, với trọng lượng 280 gram. Theo Lei Yu, đến từ Viện Nghiên cứu Khảo cổ và Di tích Văn hóa tỉnh Tứ Xuyên, chỉ đạo công việc khai quật ở Tam Tinh Đôi, ước tính toàn bộ chiếc mặt nạ có thể nặng hơn 500 gram.
Chiếc mặt nạ được làm bằng vàng lá, có phần mũi nhô cao với cạnh sắc ở đầu. Về cơ bản, nó có cùng kích thước với các tác phẩm điêu khắc hình đầu người được khai quật từ cùng một địa điểm – hầm tế thần số 1. Do đó, các nhà khảo cổ tin rằng, ban đầu nó được gắn vào mặt của một tác phẩm điêu khắc hình đầu. Theo Bảo tàng Tam Tinh Đôi, mặt nạ vàng tương tự được khai quật tại hầm tế thần số 2 từ trước, nhưng bị hư hại nghiêm trọng. Cụ thể, hai đầu đồng đắp mặt nạ lá vàng được khai quật từ hầm tế thần số 2 vào năm 1986.
Một trong những tác phẩm điêu khắc hình đầu được dát vàng ở mặt.
Các nhà khảo cổ nhận định, đôi mắt và lông mày của chiếc mặt nạ mới phát hiện được khoét rỗng một cách tinh xảo, tạo cảm giác trang trọng và tôn nghiêm. Chúng rất có thể tượng trưng cho chính quyền hoặc những nhân vật cấp cao nhất vào thời kỳ đó.
Một số chuyên gia cho rằng, chiếc mặt nạ thuộc về Cổ Thục - quốc gia có lãnh thổ ở vùng Tứ Xuyên, tồn tại từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế đến nửa cuối thời Chiến Quốc, trước khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc. Từ chiếc mặt nạ cho thấy, người Cổ Thục có thói quen xỏ lỗ tai và tôn thờ vàng.
Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, chiếc mặt nạ cùng các món cổ vật khác đến từ một nền văn minh thịnh vượng nhưng chưa từng xuất hiện trong sử sách. Họ cho rằng, chất lượng và sự khéo kéo của các món cổ vật trên vượt xa những món đồ được làm cùng thời ở các vùng khác của Trung Quốc, bao gồm cả trung tâm của triều đại nhà Thương xung quanh đồng bằng sông Hoàng Hà.
Có nhiều ý kiến về xuất xứ của món cổ vật.
Zhao Congcang, nhà khảo cổ học của Đại học Tây Bắc ở Tây An, cho biết, rất sửng sốt khi nhìn thấy các món cổ vật mới phát hiện. Theo ông, một số món giống với các vật dụng được tìm thấy ở các vùng dọc theo sông Dương Tử và Đông Nam Á. Điều này cho thấy, triều đại vô danh không hề bị cô lập, mà còn giao lưu rộng rãi với nhiều khu vực.
Một số nhà khảo cổ nhận thấy chiếc mặt nạ có nhiều điểm tương đồng với mặt nạ bằng vàng được tìm thấy ở khu khai quật Kim Sa (Thành Đô, Tứ Xuyên). Từ đó, nhiều câu hỏi được đặt ra về mối liên hệ giữa nền văn minh ở Tam Tinh Đôi và Kim Sa.
Kho báu 3 tỷ đồng được tìm thấy bên cạnh một miếng thịt trong chiếc tủ đông cũ tại nhà của người phụ nữ.
Nguồn: [Link nguồn]