Ông Trump hoãn áp thuế, 3h sáng khách Mỹ gọi gấp doanh nghiệp Việt

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

"3h sáng nay, tôi nhận được điện thoại từ các đối tác Mỹ báo tin Tổng thống Donald Trump quyết định tạm hoãn thuế nhập khẩu đối ứng 90 ngày. Họ yêu cầu khôi phục đơn hàng đã ký và xuất đi bình thường", đại diện doanh nghiệp chia sẻ.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Vina T&T - với VietNamNet sáng 10/4 khi nhận tin Tổng thống Donald Trump bất ngờ tuyên bố tạm thời hoãn áp thuế nhập khẩu cao trong 90 ngày đối với 75 nước, trong đó có Việt Nam.

Nối lại hoạt động xuất khẩu

“Nhận tin, chúng tôi vui và phấn khởi lắm”, ông Tùng bày tỏ. Vina T&T là doanh nghiệp chuyên về sản xuất và chế biến rau quả. Thị trường Mỹ là chủ lực, chiếm tới 58% tổng kim ngạch xuất khẩu của công ty. Năm 2024, xuất khẩu rau quả sang thị trường này đạt 96 triệu USD.

Thế nên, khi Mỹ muốn áp thuế 46% với hàng Việt Nam, ông xác định doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng lớn vì trước đó rau quả Việt xuất khẩu sang thị trường này chỉ bị áp mức thuế từ 0-5%. 

Thực tế, những ngày vừa qua, đối tác bên Mỹ đã giảm khoảng 40% đơn hàng để cầm chừng, thăm dò thị trường. Họ lo sợ giá bán cao, người tiêu dùng chưa thể chấp nhận. Một số lô hàng được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ để đưa xuống tàu xuất sang Mỹ trước ngày 5/4.

“Nay không chỉ chúng tôi mà phía đối tác Mỹ cũng thở phào nhẹ nhõm. Hoạt động xuất khẩu được nối lại và đúng theo các hợp đồng đã ký từ trước”, Tổng giám đốc Vina T&T chia sẻ.

Theo ông Tùng, 90 ngày tạm hoãn thuế đối ứng của Mỹ là thời gian quý báu để doanh nghiệp xuất khẩu có thêm thời gian đàm phán với đối tác. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đang tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu, mục tiêu là thị trường Trung Quốc, Nhật, Hàn, Canada, thị trường Halal... 

Hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ được hoãn áp thuế đối ứng 46% trong 90 ngày. Ảnh: Hoàng Hà

Hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ được hoãn áp thuế đối ứng 46% trong 90 ngày. Ảnh: Hoàng Hà

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Mạnh Cầm - Phó chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Mỹ hoãn đánh thuế đối ứng 46% nhưng vẫn áp mức 10% gia tăng với các mức thuế hiện tại.

Ví dụ, thuế tối huệ quốc (MFN) với hàng may mặc Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ hiện khoảng 18% nay cộng thêm 10% là 28%. Các quốc gia khác cũng bị áp tương tự. 

Khi thuế tăng thêm 10%, xu hướng chung của các đối tác Mỹ là tìm cách đàm phán, chia sẻ một phần thuế tăng thêm với nhà sản xuất tại Việt Nam, Ấn Độ, Bangladesh... Nhà sản xuất sẽ phải giảm một phần giá bán, ảnh hưởng biên lợi nhuận trong ngành.

Dù không nặng nề như mức thuế 46%, song ông Cầm cho rằng mức 10% bị áp thêm này sẽ làm cho xuất khẩu dệt may nói chung sang Mỹ thời gian tới sụt giảm. 

Do đó, 90 ngày tạm hoãn áp thuế đối ứng của Mỹ là cơ hội để kéo dài thời gian đàm phán cũng như thúc đẩy xuất khẩu nhanh các đơn hàng vì thời hạn áp thuế 9/4 mà đối tác tạm dừng nhập khẩu, tránh trường hợp để hàng tồn quá lâu. 

Hơn nữa, các doanh nghiệp cần đàm phán chặt chẽ với khách hàng, tính toán để chia sẻ rủi ro về mức thuế 10% hiện tại và các vấn đề có thể xảy ra liên quan đến thuế sau thời hạn 90 ngày. Từ đó, tính toán điều tiết chi phí sản xuất sao cho hiệu quả nhất. 

Doanh nghiệp cũng nên tích cực khai thác, tìm kiếm thị trường mới thay thế, bù đắp sự sụt giảm từ thị trường Mỹ. Theo quan sát từ nhóm nghiên cứu của tập đoàn, Canada, ASEAN... là những thị trường rất tiềm năng.

Thời gian "vàng" để đàm phán, lên phương án ngừa rủi ro

Trước quyết định hoãn áp thuế đối ứng trong khoảng thời gian 90 ngày, TS Nguyễn Thường Lạng - giảng viên cao cấp tại Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế (Đại học Kinh tế Quốc dân) - cho rằng, đây là bước đi rất thiện chí của Mỹ, mở ra không gian đàm phán. Quyết định phù hợp, đúng thời điểm này được doanh nghiệp mong chờ như “trời hạn gặp mưa”.

Việc hoãn áp thuế 46% còn giải quyết vấn đề tắc nghẽn và ùn ứ hàng hoá của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ.

“Hơn nữa, chúng ta có khoảng thời gian vàng để đàm phán gia hạn, đồng thời có thể đàm phán chấm dứt việc đánh thuế của Mỹ với hàng Việt Nam trên cơ sở là thuế đối ứng của Việt Nam không áp với hàng hoá Mỹ, tức giảm về 0”, ông bày tỏ.

Chuyên gia Nguyễn Thường Lạng cho rằng, trong 90 ngày, các doanh nghiệp Việt Nam phải cấp tốc sản xuất hoàn thành đơn hàng đã ký trước đó rồi đưa sang Mỹ, thậm chí có thể làm những đơn hàng gối đầu. 

Đồng thời, cần tranh thủ tìm kiếm thị trường mới, đối tác mới. Một chiến lược dự phòng rủi ro đủ lớn, có khả năng chống chịu trong thời gian dài, cần được chuẩn bị gấp.

Ông Lạng cũng nhấn mạnh, thị trường nội địa 100 triệu dân rất lớn. Doanh nghiệp Việt cần xây dựng chuỗi cung ứng nội địa vững chắc, tạo sức chống chịu cao nhất với những “cú sốc” nằm ngoài dự kiến.

“90 ngày là rất quý báu, thời gian vàng nên doanh nghiệp cần tận dụng để có những bước đi dài, thích nghi”, vị chuyên gia lưu ý.

Cũng theo ông Lạng, thời gian qua, Chính phủ và các bộ ngành đã có những động thái rất chủ động, làm rất nhanh. Song tới đây, chúng ta cần có những ứng xử thoả đáng với Mỹ. Tiếp tục xem xét đẩy mạnh nhập khẩu các mặt hàng Mỹ, ưu đãi thuế và khuyến khích doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam, nhất là ở lĩnh vực khoa học công nghệ cao.

Cùng với giảm thuế và tăng nhập khẩu hàng Mỹ, trong chuỗi cung ứng hàng hoá, cần minh bạch nguồn gốc xuất xứ hàng hoá, minh bạch hoá các nguyên phụ liệu; tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Thị trường tài chính Mỹ bật tăng mạnh sau tuyên bố tạm hoãn áp thuế trong 90 ngày của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Động thái này mang lại luồng gió mới...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tâm An ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN