Ông Trump hay bà Harris thắng cử sẽ tốt hơn cho kinh tế thế giới?
Do Mỹ đóng vai trò then chốt trong định hình nền kinh tế thế giới nên việc ông Donald Trump hay bà Kamala Harris đắc cử tổng thống sẽ có tác động lan tỏa đáng kể.
Giới quan sát nhận định, những gì cựu Tổng thống Mỹ Trump nhiều khả năng sẽ làm khi quay trở lại Nhà Trắng là tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc lên 60% và áp thuế 10% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các nước khác.
Theo trang Project Syndicate, chính sách này sẽ ảnh hưởng lớn nhất đến xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ, nhưng cũng làm giảm xuất khẩu của nhiều nước khác sang xứ sở cờ hoa, dù một vài nước cung cấp sản phẩm thay thế hàng hóa từ đại lục có thể được hưởng lợi.
Ông Trump (phải) và đối thủ Harris. Ảnh: BBC
Các nền kinh tế phụ thuộc vào chuỗi cung ứng bao gồm cả Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nhiều công ty Hàn Quốc và Nhật Bản xuất khẩu các bộ phận và linh kiện sang Trung Quốc để lắp ráp với các thành phần sản xuất tại đây thành sản phẩm cuối cùng nhằm xuất khẩu sang Mỹ và những nơi khác. Điều này ám chỉ, bất kỳ sự sụt giảm xuất khẩu nào của Trung Quốc sang Mỹ sẽ dẫn đến giảm xuất khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia tương tự. Những nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề bằng cách chuyển chuỗi cung ứng sang các nước khác có thể phần nào bù đắp được tác động này, nhưng các giải pháp đó có thể vừa tốn kém vừa không đầy đủ.
Ảnh hưởng của “cú sốc thương mại Trump” sẽ không dừng lại ở đó. Nếu thuế quan cản trở tăng trưởng ở Trung Quốc, nhu cầu nhập khẩu của đất nước có thể giảm, tác động thêm tới các nền kinh tế mà Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á.
Các mức thuế đề xuất của ông Trump còn có 2 tác động ít rõ ràng hơn và đều nằm ngoài mong muốn của Mỹ. Trước hết, chúng sẽ đóng vai trò lực cản đối với hàng xuất khẩu của Mỹ sang nhiều nước, vì thâm hụt thương mại tổng thể của Mỹ ít chịu tác động của chính sách thương mại hơn sự thiếu hụt tiết kiệm quốc gia so với đầu tư.
Do các mức thuế đề xuất của ông Trump khó có thể làm tăng đáng kể khoản tiết kiệm của Mỹ nên việc giảm nhập khẩu của nước này sẽ tương ứng với việc giảm xuất khẩu của chính mình. Ngoài ra, tầm quan trọng tương đối của Mỹ với tư cách là đối tác thương mại đối với nhiều quốc gia sẽ giảm sút.
Thứ hai, hàng rào thuế quan của ông Trump sẽ làm suy yếu trật tự kinh tế thế giới do Mỹ khởi xướng. Các biện pháp của ông có thể vi phạm nghĩa vụ pháp lý của Mỹ theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tuy nhiên, do Mỹ đã có nhiều năm làm suy yếu cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO nên cơ quan này khó có thể kiểm duyệt chủ nghĩa bảo hộ của ông Trump. Điều này có thể dẫn tới cáo buộc Mỹ “không chơi theo luật”, đồng thời khuyến khích các nước khác áp thuế trả đũa hoặc các chính sách bảo hộ khác.
Trong khi đó, đường nét chính sách thương mại của bà Harris hiện chưa rõ ràng. Bà có thể sẽ duy trì cách tiếp cận tương tự Tổng thống Joe Biden, được đánh giá ít thất thường hơn so với ông Trump nhưng vẫn là một điểm yếu đối với di sản chính sách kinh tế của ông Biden. Giới phân tích nhấn mạnh, việc tiếp tục các chính sách của ông Biden vẫn sẽ thúc đẩy sự suy giảm thương mại tương đối của Mỹ trên thực tế, chỉ là không nhanh như chính sách áp thuế quan của ông Trump.
Tuy nhiên, vẫn có một khả năng khác. Lấy cảm hứng từ 2 tổng thống khác gần đây của đảng Dân chủ là Barack Obama và Bill Clinton, bà Harris có thể tìm cách khôi phục vị thế lãnh đạo của Mỹ trong thương mại toàn cầu, đặc biệt bằng cách tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Ngoài việc mở rộng khả năng tiếp cận thị trường giữa các nước thành viên, CPTPP còn áp đặt các yêu cầu về thể chế ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước (SOE), mua sắm của chính phủ và các quy tắc trợ cấp. Với khả năng thúc đẩy cải cách thể chế ở các nước thành viên hiện tại và tương lai, CPTPP có thể được coi là một hình thức “WTO cộng”. Trung Quốc đã nộp đơn xin tham gia hiệp định.
Chính quyền bà Harris cũng có thể đảo ngược thuế quan của chính quyền trước đây đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, vốn làm đội chi phí của người tiêu dùng Mỹ, đặc biệt là các hộ gia đình trung lưu và thu nhập thấp. Bà Harris phải có khả năng giải thích cho công chúng Mỹ rằng, áp thuế cao là tự hủy hoại, vì chính sách đó làm tăng chi phí sinh hoạt mà không tạo ra việc làm mới cho người lao động Mỹ.
Hiện chưa có gì đảm bảo bà Harris sẽ chọn được cố vấn thương mại phù hợp hoặc vượt qua áp lực đòi bảo hộ trong đảng của mình nếu thắng cử. Tuy nhiên, nếu có thể kết hợp chính sách thương mại tương đối cởi mở với việc tái phân phối trong nước, bà có thể tạo nên sự hồi sinh thương mại toàn cầu, qua đó thúc đẩy nền kinh tế Mỹ và nâng cao vai trò lãnh đạo thế giới của đất nước.
Chiến dịch tranh cử của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cho biết, bà sẽ bỏ phiếu qua thư trước ngày tổng tuyển cử 5/11 để “làm mẫu” về các phương thức...
Nguồn: [Link nguồn]