"Ông trùm" chi "bạo tay" tái thiết nhà thờ Đức Bà sau vụ cháy là ai?
Tỷ phú François-Henri Pinault có quyết định "mạnh tay" giữa lúc nhiều người đang buồn bã sau vụ cháy xảy ra ở nhà thờ Đức Bà tại Paris,
Nối nghiệp cha
Vụ cháy nhà thờ Đức Bà Paris thu hút sự quan tâm của dư luận trong những giờ qua. Ngọn lửa đã khiến tháp chuông của nhà thờ đổ sập, may mắn là nhiều vật báu đã được đưa đến nơi an toàn và cấu trúc bên trong không bị hư hại nhiều. Khi ngọn lửa được khống chế, điều người ta nghĩ đến là bao giờ mới có thể khôi phục được vẻ đẹp tráng lệ của nhà thờ Đức Bà nổi tiếng.
Tổng thống Pháp tuyên bố: "Chúng ta sẽ cùng nhau xây lại nhà thờ Đức Bà". Trong khi đó, tỷ phú người Pháp François-Henri Pinault - Chủ tịch kiêm CEO tập đoàn Kering tuyên bố chi số tiền 113 triệu USD thông qua công ty đầu tư Artemis để tái thiết lại hoàn toàn nhà thờ Đức Bà.
Tỷ phú này sinh năm 1962, ở Rennes, Pháp. Ông là con trai của François Pinault - người sáng lập PPR - công ty tiền thân của tập đoàn Kering ngày nay.
Ban đầu, công ty tập trung vào kinh doanh mua bán gỗ, sau đó mới phát triển thành tập đoàn chuyên kinh doanh thời trang xa xỉ.
François-Henri Pinault từng học tại trường quản lý HEC, sau đó thực hiện nghĩa vụ quân sự. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, năm 1987, François-Henri Pinault vào làm việc tại công ty PPR.
Tới năm 1988, François-Henri được thăng chức lên vị trí quản lý bộ phận bán hàng. Việc kinh doanh hàng xa xỉ của PPR bắt đàu từ thời điểm năm 1999 khi cha của François-Henri mua cổ phần kiểm soát của Gucci.
Tỷ phú Tỷ phú François-Henri Pinault
Tháng 5/2003, ông được bầu làm phó chủ tịch hội đồng quản trị và quản lý công ty đầu tư Artemis. Năm 2005 đảm nhận chức chủ tịch và CEO của tập đoàn Kering. Theo thống kê của Forbes, công ty này trị giá 15,3 tỷ USD.
Trong khi cha là người sáng lập thì François-Henri đã hướng công ty PPR tập trung vào lĩnh vực kinh doanh hàng xa xỉ. Ông chính thức đổi tên công ty thành Kering vào năm 2013. Hiện, Kering sở hữu các thương hiệu cao cấp như Gucci, Balenciaga, Yves Saint-Laurent, Alexander McQueen và Stella McCartney...
Ông cũng là thành viên hội đồng quản trị của nhà đấu giá Christie, chủ sở hữu của Stade Rennais - một đội bóng đang thi đấu ở giải Ligue 1 của Pháp.
Tái cấu trúc thành công
Sau khi đảm nhận chức vụ chủ tịch và giám đốc điều hành của tập đoàn Kering (trước đây là PPR), François-Henri Pinault thực hiện một cuộc tái cấu trúc đưa lại thành công, tái định vị tâp đoàn trong lĩnh vực hàng hiệu và thị trường đồ thể thao. Quá trình tái cấu trúc thành công đưa lại doanh thu của tập đoàn đạt 15,4 tỷ Euro trong năm 2017.
Dưới sự điều hành của tỷ phú này, Kering đã mua lại thương hiệu sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ Girard-Perregaux (năm 2011), công ty may thời trang Brioni (năm 2013), thương hiệu kim hoàn Hong Kong Qeelin (2012), thương hiệu đồ kim hoàn Italia Pomellato (2013)... Ngoài ra, Kering cũng phát triển lĩnh vực thể thao và lối sống với việc mua lại thương hiệu Puma (2007) và Volcom (2011). Tuy nhiên, trong năm 2018, hiện Kering chỉ tập trung vào mặt hàng xa xỉ.
Vợ chồng tỷ phú hào phóng.
Vợ của François-Henri là nữ diễn viên Salma Hayek. Theo Sunday Times Rich List, tài sản của cặp vợ chồng này là 6,71 tỷ USD. Cặp đôi này hẹn hò vào năm 2006. Lễ đính hôn diễn ra trong năm 2007. Ngày 21/9/2007, con gái của François-Henri và Salma Hayek chào đời. Trong ngày Valentine năm 2009, 2 người đã kết hôn ở Paris. Tỷ phú này từng trải qua một cuộc hôn nhân từ năm 1996-2004 và có 2 con với vợ đầu.
Theo thống kê của Forbes, hiện cha của tỷ phú François-Henri và gia đình sở hữu tài sản lên đến 35,2 tỷ USD. Ngoài tiền bạc, gia đình này còn sở hữu một bộ sưu tập nghệ thuật đồ sộ gồm 3.000 tác phẩm của nhiều danh họa nổi tiếng. Gia đình Pinault dự định mở bảo tàng vào năm 2020.
Người đứng đầu gia tộc này là tỷ phú đã vượt Jack Ma, trở thành người giàu nhất châu Á hồi tháng 7/2018.