Ông Trịnh Văn Quyết nói có 5.000 tỷ để bồi thường, tài sản là những gì?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cho rằng, tài sản cá nhân bị kê biên trị giá khoảng 5.000 tỷ đồng. Đại gia quê Vĩnh Phúc có cổ phần tại doanh nghiệp nào, bất động sản ở những đâu khi từng là người giàu nhất sàn?

Ngày 23/7, trả lời về phương án bồi thường cho thiệt hại 4.300 tỷ đồng, ông Trịnh Văn Quyết cho rằng, số tài sản cá nhân bị kê biên tích lũy sau hơn 20 năm có giá trị khoảng 4.800-5.000 tỷ đồng và mong được tạo điều kiện khắc phục.

Ông Quyết từng có lúc là tỷ phú giàu nhất trên sàn chứng khoán. Thời điểm đó, tài sản của ông Quyết gần 1,5 tỷ USD, vượt qua tỷ phú Phạm Nhật Vượng, tính theo giá trị cổ phiếu trên sàn chứng khoán.

Hiện tài sản của ông Trịnh Văn Quyết gồm những gì và giá trị còn bao nhiêu?

Bị cáo Trịnh Văn Quyết tại tòa. Ảnh: CTV

Bị cáo Trịnh Văn Quyết tại tòa. Ảnh: CTV

Loạt tài sản "khủng" của ông Trịnh Văn Quyết trước đây, giờ còn gì?

Theo khai báo tại tòa, cựu chủ tịch FLC cho rằng, tài sản của bị cáo tích lũy sau hơn 20 năm có giá trị khoảng 4.800-5.000 tỷ đồng và có tài sản không thế chấp, có tài sản đang thế chấp cho các khoản vay và đang bị cơ quan tố tụng ra lệnh phong tỏa.

Trong thời gian gần đây, các doanh nghiệp trong “hệ sinh thái FLC” không có báo cáo tài chính kiểm toán đầy đủ.

Tính tới cuối năm 2023, ông Quyết sở hữu hơn 215,4 triệu cổ phiếu FLC, tương ứng tỷ lệ 30,34% vốn điều lệ công ty. Cổ phiếu FLC đang trong tình trạng bị đình chỉ giao dịch. Toàn bộ 710 triệu cổ phiếu FLC bị hủy niêm yết từ ngày 20/2/2023 nhưng chưa được giao dịch trên Upcom. 

Tuy nhiên, trả lời trước tòa sáng 25/7, bị cáo Quyết cho rằng, giá trị hơn 30% cổ phần tại FLC rất lớn vì FLC đang sở hữu nhiều tài sản trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng, với 5.000-6.000 phòng khách sạn 5 sao. Hiện, số cổ phần này "đóng băng".

Trước đó, ông Quyết cho biết đã bán hãng hàng không Bamboo Airways với giá 700 tỷ đồng. Người mua đã trả khoảng 200 tỷ đồng, còn 500 tỷ đồng chưa thanh toán.

Trong vụ án, cơ quan điều tra đã kê biên tài sản bất động sản của ông Quyết, gồm: 2 nhà đất (799,6m2 và 199,9m2) tại Khu đô thị Mỹ Đình 2; 199,9m2 nhà đất ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội).

Ngoài hơn 215 triệu cổ phiếu FLC, trước đó, ông Quyết còn hơn 218 triệu cổ phần tại Đầu tư kinh doanh phát triển bất động sản FLCHomes… Ban đầu, FLCHomes chủ yếu vận hành hệ thống sân golf mang thương hiệu FLC. Từ 2019, công ty này tuyên bố mở rộng quy mô, lấy bất động sản làm lĩnh vực cốt lõi với kế hoạch triển khai nhiều dự án trên toàn quốc. 

Cuối năm 2019, ông Quyết từng cho biết sẽ đưa cổ phiếu niêm yết trên HOSE với giá chào sàn 35.000 đồng/cp và đưa cổ phiếu lên "3 chữ số" trong năm 2020. Một kịch bản được xem là giống GAB. Đầu năm 2020, HOSE nhận hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu FLC Homes. Tuy nhiên, doanh nghiệp gặp khó sau khi ông Quyết bị bắt.

Còn với ROS, tới giữa năm 2020, ông Quyết còn nắm giữ hơn 23,7 triệu cổ phần. Cổ phiếu này trước khi rời sàn có giá rất thấp 2.510 đồng/cp. Hiện tại cổ phiếu này không được giao dịch chính thức ở sàn nào. Vấn đề cơ bản là tài sản của ROS có gì, sau khi bị vạch trần thủ đoạn nâng khống để lừa đảo nhà đầu tư. 

Theo những lời khai của ông Quyết, có thể thấy tài sản của bị cáo chủ yếu nằm ở 30% cổ phần FLC, với ước tính cho rằng tập đoàn này đang sở hữu nhiều tài sản trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng. Các tài sản còn lại khá nhỏ bé.

Tuy nhiên, việc định giá FLC trị giá bao nhiêu là rất khó bởi gần đây doanh nghiệp này không có báo cáo tài chính và báo cáo tài chính kiểm toán. 

Theo báo cáo gần nhất được công bố, trong quý III/2022, FLC có doanh thu 430 tỷ đồng và lỗ hơn 785 tỷ đồng. FLC giải thích rằng, do ảnh hưởng của thị trường bất động sản, chính sách tín dụng và sự thay đổi lãnh đạo.

Tới cuối quý III/2022, FLC ghi nhận tổng tài sản đạt hơn 36.200 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn lên tới hơn 15.700 tỷ đồng. Chi phí xây dựng dở dang hơn 8.700 tỷ đồng. Nợ phải trả gần 28.300 tỷ đồng, trong đó có khoảng 5.000 tỷ vay và nợ thuê tài chính (ngắn hạn là gần 3.200 tỷ đồng). Vốn chủ sở hữu là hơn 7.900 tỷ đồng. 

Giả sử tính theo vốn chủ sở hữu, khối tài sản của ông Quyết tại FLC đạt gần 2.400 tỷ đồng. Dù vậy, gần đây FLC không có báo cáo. Nếu FLC tiếp tục lỗ nặng, vốn chủ sở hữu sẽ tụt giảm nhanh.

Trước đó, trong các quý I, II, III năm 2022, FLC đều lỗ khoảng 500-800 tỷ đồng/quý.

Từng giàu nhất trên TTCK Việt Nam nhờ cổ phiếu "lạ thường"

Ông Quyết từng là một doanh nhân nổi lên nhanh chóng trên thị trường chứng khoán, gắn với Tập đoàn FLC (FLC) và một số dự án tại Sầm Sơn (Thanh Hóa), Quy Nhơn (Bình Định) và Hạ Long (Quảng Ninh).

Tuy nhiên, cái tên Trịnh Văn Quyết được nhắc đến nhiều nhất vào giai đoạn khoảng năm 2016-2017 khi mà đại gia gốc Vĩnh Phúc này bất ngờ trở thành người giàu nhất trên sàn chứng khoán nhờ cổ phiếu ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros tăng chóng mặt và được xem là cổ phiếu "lạ thường" nhất trên thị trường.

Ông Quyết không chỉ được nhắc tới trên báo chí mà trên khắp các diễn đàn, với loạt cổ phiếu “họ FLC” gồm: FLC, ROS (Xây dựng Faros), GAB (Đầu tư Khai khoáng và Quản lý tài sản FLC), HAI (Nông dược), ART (Chứng khoán BOS), AMD (Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone), KLF (Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS). Trong đó nổi bật là ROS và GAB.

Vào cuối năm 2016 và sang năm 2017, sự bứt phá của cổ phiếu ROS đã giúp ông Quyết chớp nhoáng trở thành người giàu nhất trên sàn, vượt qua tỷ phú Phạm Nhật Vượng, nếu tính tài sản dựa trên số lượng và giá các cổ phiếu nắm giữ khi đó. Cổ phiếu ROS tăng từ 10.500 đồng (1/9/2016) lên 100.000 đồng/cp sau vài tháng và đạt 215.000 đồng/cp vào đầu tháng 11/2017.

Với tỷ lệ nắm giữ lớn, vào khoảng giữa tháng 11/2016, ông Quyết có khối tài sản đạt khoảng 33.000 tỷ đồng, chủ yếu nhờ sở hữu gần 290 triệu cổ phiếu ROS. Khi đó, tài sản của ông Vượng ở mức 32.300 tỷ đồng (khoảng 1,44 tỷ USD).

Bà Lê Thị Ngọc Diệp (vợ ông Quyết) cũng lọt top 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán.

Ông Trịnh Văn Quyết từng là người giàu nhất trên sàn chứng khoán tính theo thị giá cổ phiếu ROS. Ảnh: Hoàng Hà

Ông Trịnh Văn Quyết từng là người giàu nhất trên sàn chứng khoán tính theo thị giá cổ phiếu ROS. Ảnh: Hoàng Hà

Sau đó, nhóm ông Quyết bán 391 triệu cổ phiếu ROS cho hơn 30.400 nhà đầu tư, và bị cáo buộc chiếm đoạt 3.620 tỷ đồng. Đây là hành vi khiến ông Quyết bị truy tố tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC Doãn Văn Phương là một trợ thủ đắc lực giúp Trịnh Văn Quyết trong các vụ lừa đảo chứng khoán. Bị can đại gia gốc Thanh Hóa, từng gây chú ý vì đám cưới với hoa hậu kém 19 tuổi, giờ vẫn biệt tăm

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mạnh Hà ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN