Ông lớn ngoại tháo chạy trước "miếng bánh" 180 tỉ USD: Vì sao?

Hành vi mua sắm và xu hướng tiêu dùng của người Việt rất đặc thù và thay đổi nhanh chóng...

Thời gian qua, nhiều tập đoàn bán lẻ của nước ngoài lần lượt rời khỏi thị trường Việt Nam. Vì sao? Thị trường bán lẻ Việt Nam có còn hấp dẫn, cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt trong tương lai?...

Pháp Luật TP.HCM trao đổi cùng ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc thương mại của Worldpanel thuộc Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Việt Nam về vấn đề này.

DN này rút khỏi thị trường sẽ có DN khác đến

Vừa qua các tập đoàn bán lẻ nước ngoài ra đi. Nhiều ý kiến cho rằng thị trường Việt Nam không còn hấp dẫn các nhà đầu tư, ông có cùng quan điểm này?

+ Ông Nguyễn Huy Hoàng: Thị trường bán lẻ hiện đại của Việt Nam vẫn còn khá nhỏ, chiếm 20% so với kênh bán lẻ truyền thống gồm cửa hàng tạp hóa, chợ… chiếm 80%. Với hơn 90 triệu dân nên thị trường Việt Nam vẫn hấp dẫn, còn nhiều tiềm năng đặc biệt đối với mảng bán lẻ.

Ông có thể dẫn chứng cụ thể hơn về điều này?

+ Việc một số tập đoàn bán lẻ nước ngoài rút lui khỏi thị trường Việt Nam là chuyện bình thường. Đó có thể chỉ là phương án tạm thời khi họ chưa tìm được mô hình và chiến lược phù hợp dẫn đến tình hình kinh doanh gặp khó khăn, chưa thu hồi vốn hay có lợi nhuận.

Ngoài Auchan, một ví dụ điển vào năm 2013, khi chuỗi Family Mart của Nhật tại thị trường Việt Nam về tay tỉ phú Thái sau đó đồng loạt đổi tên thành B’s mart. Nhưng chỉ khoảng hai năm sau đó, chuỗi cửa hàng tiện lợi Family Mart đã quay trở lại Việt Nam và nhanh chóng mở rộng hệ thống cửa hàng.

Điều này cho thấy rõ ràng, Việt Nam là thị trường có sức hấp dẫn và nhiều tiềm năng phát triển đối với các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và ngành bán lẻ nói riêng.

Vậy theo ông cuộc cạnh tranh của thị trường bán lẻ sẽ vẫn khốc liệt?

+ Thị trường Việt Nam vẫn đang có sự cạnh tranh rất gay gắt từ phía các nhà bán lẻ nội như Saigon Co.op (Co.opMart), Vincommerce (Vinmart), Bách Hóa Xanh… và các nhà bản lẻ ngoại khác như Central Group (Big C), Lotte Mart, Aeon Group Japan…

Bên cạnh đó, sự am hiểu về thị hiếu, thói quen tiêu dùng và hành vi mua sắm thay đổi rất nhanh chóng của người tiêu dùng Việt Nam là thách thức cho các nhà bán lẻ. Hay xu hướng mua sắm đa kênh của người tiêu dùng Việt Nam đòi hỏi các nhà bán lẻ phải có các mô hình bán lẻ khác nhau để đáp ứng nhu cầu của họ.

Ông lớn ngoại tháo chạy trước "miếng bánh" 180 tỉ USD: Vì sao? - 1

Người tiêu dùng ngồi nhà có thể mua sắm qua cẩm nang mua sắm thông minh của Vinmart.

Ông có thể chia sẻ xu hướng mua sắm đa kênh cụ thể như thế nào?

+ Cụ thể là người tiêu dùng có thể tìm kiếm thông tin sản phẩm trên mạng rồi ra cửa hàng thực để mua hàng, hoặc ngược lai. Mỗi phân phúc người mua sắm cũng sẽ lựa chọn một số loại hình mô hình khác nhau để có trải nghiệm mua sắm tốt hơn, tiện lợi hơn.

Các nhà bán lẻ nhanh chóng chuyển mình, nắm bắt xu hướng này để thích ứng và đáp ứng kịp thời những nhu cầu thay đổi liên tục của người tiêu dùng Việt. Ngoài ra, còn đòi hỏi các nhà đầu tư phải có chiến lược trong dài hạn phù hợp, đa dạng hóa chuỗi mô hình bán lẻ để tiếp cận càng nhiều người tiêu dùng càng tốt.

Theo ông DN Việt đã có sự “chuyển mình” trước xu hướng mua sắm đa kênh thế nào?

+ Thời gian qua chúng tôi nhận thấy cũng đã có một số nhà bán lẻ rục rịch thay đổi có thể kể đến gần nhất là Vinmart ra mắt mô hình siêu thị ảo, Scan&Go. Trước đó Co.op mart cũng ra mắt thử nghiệm Scan&Go nhưng hiện tại tạm ngưng. Tiki ra mắt mô hình “subscription model” hay còn gọi là “Tự động giao hàng định kỳ”. Bách Hóa Xanh triển khai mô hình giữ xe tự động, nhưng sau quá trình vận hành, còn nhiều hạn chế nên cũng tạm ngưng.

Hay mới đây là “Tạp Hóa BB” mô hình kết nối gữa các tiệm tạp hóa và người tiêu dùng thông qua app mua hàng. Theo mô hình này, người tiêu dùng có thể mua bất kỳ mặc hàng nào ngay tại tiệm tạp hóa gần nhà có trong mạng lưới tạp Hóa BB.

Lợi thế của DN Việt thách thức cho DN ngoại

 Những trường hợp trên cho thấy có DN thành công; thất bại khi phát triển theo xu hướng mới. Theo ông điều đó cho thấy thị trường Việt Nam có sự khác biệt với các nước phát triển khác ra sao?

+ Hành vi mua sắm và xu hướng tiêu dùng của người Việt rất đặc thù và thay đổi nhanh chóng, phần lớn bị tác động bởi văn hóa đi xe máy và sự phát triển vũ bão của công nghệ và thương mại điện tử.

Do đó thị trường Việt Nam, không chỉ các kênh bán lẻ truyền thống còn chiếm phần lớn, vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định, mà còn phát triển song song các kênh mua sắm hiện đại như cửa hàng tiện lợi hay mua sắm online.

Thị trường bán lẻ Việt bỏ qua giai đoạn phát triển chuỗi cửa hàng siêu thị hay đại siêu thị như các nước phát triển khác, mà nhảy cóc sang giai đoạn phát triển tiếp theo của bán lẻ hiện đại. Đó là mô hình cửa hàng tiện lợi và thương mại điện tử.

Quy mô bán lẻ của thị trường Việt Nam phát triển rất nhanh, rút ngắn giai đoạn và phân mảnh đa dạng theo xu hướng mua sắm đa kênh. Do đó, các dẫn chứng trên chưa thể khẳng định thành công hay thất bại. Dù vậy, đòi hỏi các DN đầu tư lớn về mặt công nghệ cũng như cần thêm thời gian để xem hiệu quả vận hành cũng như phản ứng của người tiêu dùng như thế nào.

Ông lớn ngoại tháo chạy trước "miếng bánh" 180 tỉ USD: Vì sao? - 2

Hành vi mua sắm và xu hướng tiêu dùng của người Việt rất đặc thù và thay đổi nhanh chóng.

DN Việt có những lợi thế nào trong tương lai thưa ông?

+ Lợi thế của các nhà bán lẻ trong nước cũng chính là những thách thức đối với các nhà bản lẻ nước ngoài. Không chỉ nhờ việc am hiểu thị trường và người tiêu dùng nội địa tốt hơn, một số các yếu tố khác có thể được xem là thách thức đối với nhà đầu tư ngoại.

Chẳng hạn như thủ tục pháp lý cho việc thành lập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nước ngoài vẫn còn rườm rà và hạn chế ở một số mô hình, khu vực dù thị trường Việt Nam đang rất mở cửa trong nhiều năm trở lại đây.

Đặc biệt đối với mô hình bán lẻ quy mô lớn như siêu thị hay đại siêu thị vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong vấn đề thành lập và mở rộng chuỗi cửa hàng so với mô hình nhỏ hơn như siêu thị mini hay cửa hàng tiện lợi.

Vì vậy, với số lượng cửa hàng bị hạn chế, chỉ có thể tập trung phát triển trong một vài khu vực dân cư thì khả năng tiếp cận người tiêu dùng và phát triển sẽ khó khăn hơn so với các nhà bán lẻ trong nước.

Tuy nhiên, điều quan trọng đối với bất cứ nhà bán lẻ nào cần phải hiểu được người tiêu dùng Việt Nam sâu sắc. Cung cấp trải nghiệm mua sắm đa kênh hoặc chuyên biệt, đem đến cho người tiêu dùng những trải nghiệm mới mẻ.

Có hàng hóa và dịch vụ đa dạng, nhân viên phục vụ khách hàng thân thiện, tận tâm; mạng lưới phân phối rộng khắp cùng tầm nhìn kinh doanh dài hạn sẽ thành công tại thị trường bán lẻ Việt Nam.

180 tỉ USD

Là quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam đạt được vào năm 2020 theo dự báo của Tổng cục thống kê. Tốc độ thị trường bán lẻ tăng nhanh khi năm 2010 chỉ đạt 88 tỉ USD, năm 2017 tăng lên 130 tỉ USD. Người tiêu dùng ngồi nhà có thể mua sắm qua cẩm nang mua sắm thông minh của Vinmart

Bà Nguyễn Thị Như Loan gặp thử thách 25 năm, QCG nhận án phạt của UBCKNN

Trong bối cảnh kết quả kinh doanh của Quốc Cường Gia Lai đi xuống, Chủ tịch Nguyễn Thị Như Loan thừa nhận với cổ đông:...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tú Uyên ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN