Ông lớn đầu tư hơn 8.400 tỷ đồng vào công ty chứng khoán, đặt mục tiêu lãi 105 lần
Với quyết định trở lại mảng kinh doanh chứng khoán sau 6 năm, ngân hàng VPBank gây bất ngờ khi rót trực tiếp hơn 8.400 tỷ đồng vào VPBank Securities và đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 105 lần trong năm 2022.
Theo đó, vào tháng 1/2022 ngân hàng Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã quyết định đầu tư mua lại đến 97,42% vốn công ty Chứng khoán ASC để trở thành công ty mẹ chi phối mọi hoạt động của doanh nghiệp. Chứng khoán ASC thời điểm được VPBank thâu tóm có vốn điều lệ 268,8 tỷ đồng, tương đương 26,8 triệu cổ phần phổ thông.
Gần đây, nhiều tổ chức tín dụng Việt Nam đang đẩy mạnh mảng ngân hàng đầu tư. Việc mua bán, thâu tóm các công ty chứng khoán được xem là một bước để các đại gia tiến vào lĩnh vực đầu tư, trong đó có đầu tư chứng khoán.
Tuy nhiên, điều gây bất ngờ nhất với giới đầu tư là tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của ASC mới được tổ chức đã thông qua việc đổi tên thành Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBank Securities).
Cũng trong đại hội, các cổ đông chính đã thống nhất việc cho phép doanh nghiệp được tăng vốn kỷ lục thông qua phương án phát hành 865,1 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu, thực hiện ngay trong năm 2022.
Ngân hàng VPBank bơm hơn 8.400 tỷ đồng vào công ty chứng khoán
Vốn điều lệ theo đó tăng đột biến từ 269 tỷ lên 8.920 tỷ đồng, đưa VPBank Securities từ một đơn vị ít được biết đến trở thành công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn thứ hai trong toàn ngành chứng khoán sau Chứng khoán SSI (với gần 9.848 tỷ đồng vốn điều lệ).
Hiện công ty có 3 cổ đông chính nắm giữ 100% vốn và VPBank là ngân hàng mẹ sở hữu 97,42% cổ phần. Điều đó đồng nghĩa rằng ngân hàng sẽ bơm thêm 8.427 tỷ đồng cho đơn vị thành viên này.
Động thái tăng vốn thêm 33 lần của VPBank Securities rất được chú ý khi là mức tăng vốn kỷ lục toàn ngành và tiếp tục xáo trộn nhiều vị thế - các công ty chứng khoán nội đang lấy lại top đầu về quy mô vốn. Thậm chí với 8.920 tỷ đồng, VPBank Securities có quy mô tương đương một ngân hàng tầm trung tại Việt Nam hiện nay.
Ngoài VPBank Securities, trước đây, VPBank cũng từng sở hữu Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (nay là Công ty Chứng khoán VPS). Tuy nhiên, VPBank đã thoái vốn khỏi công ty này để tập trung vào các mảng kinh doanh khác, trong đó có tín dụng tiêu dùng.
Cùng với kế hoạch tăng vốn khủng, VPBank Securities cũng đưa ra kế hoạch đầy tham vọng cho giai đoạn mới. Mục tiêu doanh thu năm 2022 là 1.509 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 632 tỷ đồng. Các con số này lần lượt gấp 131 lần và 105 lần so với thực hiện năm 2021.
Trong cơ cấu doanh thu, mảng chứng khoán niêm yết dự kiến đem về nguồn thu lớn nhất với giá trị 737 tỷ đồng, doanh thu từ trái phiếu và hoạt động tài chính lần lượt là 307 tỷ đồng và 462 tỷ đồng.
VPBank trở lại với mảng kinh doanh chứng khoán trong bối cảnh sân chơi nóng liên tục lập những kỷ lục mới. Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), trong tháng 01/2022, số lượng tài khoản mở mới là 194.835 tài khoản, nâng tổng số tài khoản hiện nay vượt mức 4,5 triệu tài khoản, thanh khoản thị trường lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng/phiên.
Về phía VPBank, trong năm 2021, ngân hàng mẹ VPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế kỷ lục 38.000 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần so với năm 2020. Trong đó, hoạt động đầu tư và thoái vốn tại công con đóng góp gần 24.000 tỷ đồng lợi nhuận. Đáng chú ý nhất là ghi nhận từ thương vụ M&A lớn nhất lịch sử lĩnh vực tài chính Việt Nam với gần 20.400 nghìn tỷ đồng từ thương vụ chuyển nhượng vốn tại FE Credit.
Lợi nhận trước thuế từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của "ngân hàng mẹ" ghi nhận hơn 14.000 tỷ đồng, tăng hơn 50% so với cùng kỳ và chiếm hơn 90% lợi nhuận trước thuế hợp nhất. Mặt khác, với nỗ lực đa dạng hóa nguồn thu nhằm gia tăng thu nhập ngoài lãi, "ngân hàng mẹ" đã ghi nhận lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt hơn 3.650 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 19% so với cùng kỳ.
Tổng tài sản của VPBank đạt gần 548.000 tỷ đồng, tăng 30,7% so với năm 2020. Dư nợ cấp tín dụng hợp nhất đạt hơn 384.000 tỷ đồng, tăng 18,9%. Ngân hàng đã giảm tỷ trọng cho vay tín chấp và thúc đẩy tích cực xử lý nợ. Các hoạt động này giúp kiểm soát tỷ lệ nợ xấu hợp nhất ở mức 3,58% và tỷ lệ nợ xấu ngân hàng riêng lẻ chỉ ở mức 1,51%, tính theo Thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước. Thu nhập từ nợ đã xử lý rủi ro hợp nhất trong cả năm qua đạt hơn 3.200 tỷ, tăng 54,5% so với 2020.
Ngay những ngày đầu năm mới âm lịch Nhâm Dần 2022, giới đầu tư BĐS đã ồ ạt ôm tiền tìm mua đất nền ở nhiều địa phương trên cả nước.
Nguồn: [Link nguồn]