Ông Dương Ngọc Minh vực HVG thế nào khi mức thuế bán phá giá cá tra Mỹ tăng vọt?

Kỳ rà soát POR14 (mức thuế bán phá giá cá tra Mỹ áp cho các DN thủy sản xuất khẩu vào thị trường nay) đối với Hùng Vương của tăng lên 3,87 USD/kg, cao hơn nhiều so với mức 0 USD/kg khiến mọi toan tính của ông Dương Ngọc Minh sụp đổ. Cùng với đó, gánh nặng vay nợ, lợi nhuận sụt giảm sẽ là bài toán khó với ông vua cá tra khi muốn vực dậy HVG.

Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) mới đây đã công bố kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 14 (POR14) đối với các lô hàng cá tra Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ (giai đoạn từ ngày 1.8.2016 đến 31.7.2017). Mức thuế cuối cùng này tăng cao hơn nhiều so với kết quả sơ bộ đã được công bố hồi tháng 9.2018.

Ông Dương Ngọc Minh vực HVG thế nào khi mức thuế bán phá giá cá tra Mỹ tăng vọt? - 1

Mọi hy vọng về POR14 đã sụp đổ với "vua cá tra" Dương Ngọc Minh (Ảnh: IT)

Càng bất ngờ hơn với Thủy sản Hùng Vương (HoSE: HVG) khi trước đó tại đại hội cổ đông thường niên, “Vua cá tra” Dương Ngọc Minh từng tuyên bố nắm chắc 80% khả năng đạt được mức thuế tốt nhất, 20% còn lại có rủi ro liên quan đến yếu tố chính trị. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng của POR14 đối với Hùng Vương là 3,87 USD/kg (so với mức 0 USD/kg của kết quả sơ bộ). Điều này sẽ làm vỡ hết kế hoạch mà HVG đề ra trước đó và cũng một lần nữa khiến cổ đông thất vọng.

Khi tất cả hy vọng “đặt cùng một rổ” POR14

Ở kỳ công bố kết quả sơ bộ POR14, mức thuế mà Hùng Vương đạt được là 0 USD/kg. Chính kết quả sơ bộ này đã dấy lên niềm hy vọng cho doanh nghiệp và những cổ đông trung thành của mã cổ phiếu HVG.

Cũng vì thế, tại đại hội cổ đông thường niên mới đây, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT HVG, từng mạnh miệng tuyên bố: “Khả năng đạt được mức thuế tốt nhất cho Hùng Vương là 80%, 20% còn lại có rủi ro liên quan đến yếu tố chính trị”, và “Sắp tới, Hùng Vương sẽ không còn chiến lược đối phó từng năm mà sẽ thiết lập một kế hoạch lâu dài”; “Chúng tôi có thể sẽ từ chối vốn vay từ ngân hàng, bởi lúc này dòng tiền đã về từ khách hàng, đối tác”…

Để chuẩn bị cho một kết quả POR14 tốt nhất, HVG thậm chí còn “bạo tay” chi 2 triệu USD để chuẩn bị hồ sơ, bao gồm cả việc mời nhiều luật sư, công ty chuyên phân tích số liệu… để sẵn sàng cho đợt xem xét hành chính lần thứ 14 (POR14) của DOC.

Lạc quan hơn, ông Dương Ngọc Minh còn khẳng định: “Chúng ta sẽ quay lại thời kỳ 2010-2011 và kế hoạch năm 2019 mà chúng tôi đưa ra (với doanh thu 4.400 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 100 tỷ đồng - PV) là kịch bản xấu nhất, không bao gồm kết quả POR14 sẽ được công bố vào ngày 19.4”.

“Nếu kỳ ra soát POR14 của Hùng Vương thành công thì định hướng của chúng tôi là lâu dài, có thể khẳng định đến năm 2020 chúng tôi sẽ quay về mục tiêu 20.000 tỷ doanh số/năm. Chúng tôi có thể mua lại cổ phần VTF (Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng) đã bán cho Vingroup để phát triển lâu dài…”, ông Dương Ngọc Minh hào hứng.

Thế nhưng, mọi dự định và toan tính của ông Dương Ngọc Minh đã sụp đổ sau kết quả công bố POR 14 của Bộ Thương mại Hoa Kỳ; hướng đi sắp tới của Hùng Vương sẽ ra sao vẫn là một dấu hỏi lớn khi kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận trước thuế hợp nhất 100 tỷ đồng đã được cổ đông thông qua và tin tưởng.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HVG có tổng cộng 5 phiên liên tiếp giảm sàn, từ mức giá 7.420 đồng/CP về mức 5.570 đồng/CP.

Đường về xa xăm

Còn nhớ năm 2009, Hùng Vương bắt đầu được chú ý khi lần đầu đạt doanh thu 3.100 tỷ đồng và trở thành một trong những doanh nghiệp lớn ngành thủy sản và là doanh nghiệp đứng đầu với riêng dòng sản phẩm cá tra. Những năm sau đó, doanh thu HVG liên tục tăng và đạt “đỉnh” tới hơn 18.000 tỷ đồng vào năm 2016.

Để vươn lên dẫn đầu, Thủy sản Hùng Vương đã thực hiện hàng loạt thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A). Song để M&A, chiến lược mà “vua cá tra” Dương Ngọc Minh lựa chọn là việc sử dụng đòn bẩy tài chính. Đây cũng là nguyên nhân kéo "Vua cá tra" vào vòng xoáy nợ nần. Bằng chứng là từ con số lãi sau thuế hơn 400 tỷ năm 2014, hai năm sau lợi nhuận của "Vua cá tra" đã về con số âm. Và “đỉnh điểm” là cuối năm 2016, nợ vay của HVG đã tăng lên gần… 9.000 tỷ đồng.

Giữa năm 2017, Hùng Vương công bố quyết định thoái vốn và giải thể Công ty CP Địa ốc An Lạc, đồng thời tiến hành thanh lý 4 khu đất với tổng diện tích trên 20.000m2 thuộc sở hữu của doanh nghiệp địa ốc này. Năm 2018, HVG tiếp tục mở đầu bằng kế hoạch thoái vốn tại hai công ty con là Thực phẩm Sao Ta và Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng, đồng thời đóng cửa một số nhà máy chế biến thủy sản hoạt động không hiệu quả.

Nhờ việc “bán con” này, dư nợ vay ngân hàng của Hùng Vương liên tục giảm, xuống còn 7.700 tỷ cuối năm 2017 và chỉ còn 3.200 tỷ đồng cuối năm 2018.

Trước đó, tại báo cáo tài chính niên độ 2017-2018 được công bố: Khoản nợ phải trả của HVG là 6.440 tỷ đồng; trong đó, riêng vay ngân hàng vẫn chiếm hơn phân nửa trong cơ cấu nợ phải trả, tương ứng 3.358 tỷ đồng. Chủ nợ lớn nhất của "vua cá tra" là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) khi tổng số dư bằng đôla Mỹ và đồng Việt Nam lên đến 2.146 tỷ đồng.

Kế đến, HVG của ông Dương Ngọc Minh còn vay ngắn hạn 620 tỷ đồng từ Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) với lãi suất 5,3-7% một năm. Và một loạt các khoản vay khác đến từ Vietinbank, HDBank, Agribank...

Rõ ràng, với các khoản nợ vẫn còn trên 3.000 tỷ đồng, những phương án và chiến lược của “vua cá tra” để trở về “thời hoàng kim” như những năm 2010 - 2011 là rất khó…

Nhận tin “sốc” từ Mỹ, thủy sản Hùng Vương của ”vua cá tra” Dương Ngọc Minh ra sao?

Bộ thương mại Mỹ công bố kết quả về thuế chống bán phá giá POR14 đối với lô hàng cá tra Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quốc Hải ([Tên nguồn])
Doanh nhân và 1001 cách làm giàu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN