Ông chủ chuỗi nhà hàng Thái chuyển hướng đi bán gà, thu lợi nhuận "khủng" sau 1 tháng
Khởi động 2 – 3 nhân sự, ngày đầu tiên mở bán được 4 con gà ủ muối, ngày thứ 2 bán được 9 con, đến ngày thứ 3 số lượng tăng vọt lên 150 con gà ủ muối/ngày.
Xuất thân là đầu bếp và là ông chủ một chuỗi nhà hàng Thái ở Hà Nội, anh Nguyễn Văn Hùng (SN 1987, tên thường gọi là Hùng Râu) bất ngờ chuyển hướng sang kinh doanh online món gà ủ muối tiêu sau thời gian dài hoạt động của 7 cửa hàng phải tạm đóng cửa do ảnh hưởng của Covid-19.
Đầu bếp Hùng Râu còn được người trong giới biết tới với biệt danh “vua gà”. Trước món gà ủ muối, anh đã nghiên cứu và cho “lên mâm” nhiều món ăn độc lạ liên quan tới gà. (Ảnh: NVCC)
Từ ý tưởng ban đầu, anh Hùng tạo ra món gà ủ muối hoa tiêu theo công thức của riêng mình. Đây cũng là món ăn được anh ấp ủ từ lâu song chưa có dịp để tung ra thị trường.
Anh Hùng chia sẻ: “Giai đoạn này có lẽ sẽ là thời điểm thích hợp nhất. Gà ủ muối tiêu không phải một sản phẩm mới trên thị trường nhưng là một món ăn dễ thưởng thức, chỉ xoay quanh những nguyên liệu phổ thông, lành tính và rất phù hợp để bán online trong dịch”.
Đầu tháng 9/2021, những con gà ủ muối tiêu đầu tiên được “mở bán” trên trang facebook cá nhân của anh. Khởi động với 2 – 3 nhân sự, ngày đầu tiên bán được 4 con gà ủ muối, ngày thứ 2 bán được 9 con, đến ngày thứ 3 số lượng tăng vọt lên 150 con gà ủ muối/ngày.
Giá thành trung bình của một con gà ủ thảo mộc khoảng 290.000 đồng. Ngoài ra anh còn phát triển thêm 7 sản phẩm khác liên quan như tai lợn, móng giò, chân gà, chân giò rút xương, lưỡi lợn…
Nguyên liệu được lựa chọn là loại gà mái dầu, đã đẻ vài lứa. Loại gà này được nuôi thả đồi, thịt gà phải chắc, dai, da gà phải giòn. Toàn bộ gà anh nhập từ một trang trại uy tín tại Hòa Bình.
Gà được tẩm ướp với 25 loại thảo mộc khác nhau, áp dụng phương pháp thủ công kết hợp hiện đại với mục đích cuối cùng là giữ cho món ăn được tròn vị nhất.
Anh Hùng cho biết, đây là những con số hoàn toàn nằm ngoài dự tính. Anh không nghĩ món ăn này lại được nhiều người ủng hộ đến vậy. Những ngày sau đó, thay vì chỉ bán số lượng ít như dự kiến bán đầu, anh nhanh chóng chuyển hướng đầu tư mạnh tay hơn cho sản phẩm mới.
“Chỉ trong khoảng 10 ngày đầu tiên số lượng đơn hàng đã bùng nổ, điều này buộc tôi phải tính đến việc mở rộng kinh doanh ngay lập tức. Bức tốc vừa sản xuất, vừa xây dựng hệ thống đồng thời hoàn thiện các giấy tờ pháp lý liên quan… mọi thứ chỉ diễn ra trong vỏn vẹn khoảng 1 tháng và rất nhiều việc nảy sinh ngoài kế hoạch buộc tôi phải đưa ra những quyết định nhanh chóng và chính xác”, anh Hùng chia sẻ.
Công xưởng nhỏ nhưng đầy đủ máy móc, đảm bảo quy trình sản xuất một chiều. Xưởng được phân khu rõ ràng gồm khu nhập hàng, khu sơ chế, khu khử trùng bằng nước muối, khu tẩm ướp, sau đó tới khu vực ủ gia vị, làm chín, phòng tiệt trùng: điều hòa, quạt hệ thống hút, đông gói, bảo quản. Theo anh Hùng: quá trình sản xuất sống – chín phải tách biệt.
Công xưởng nhỏ nhưng đầy đủ máy móc, đảm bảo quy trình sản xuất một chiều.
Tính đến nay, tổng chi phí anh Hùng đã đầu tư cho hệ thống máy móc dao động khoảng 1,3 tỷ đồng. Số máy móc này được anh bằng mọi giá đưa về ngay trong đợt dịch, dù chi phí bị đội lên khá nhiều. Đây cũng là khó khăn lớn nhất của anh khi kinh doanh trong mùa dịch.
Từ 2 – 3 nhân viên, đến nay, xưởng của anh Hùng có khoảng 20 nhân sự được phân bố đều cho các khâu kết hợp với hơn 40 công tác viên ngoài. Nhiều ngày cao điểm bán được 500 con gà ủ muối, chưa kể các món ăn vặt liên quan. Điều đáng nói, mọi đơn hàng phần lớn đến từ các cộng tác viên và đặt hàng trên trang facebook cá nhân mà không cần tốn thêm chi phí quảng cáo ngoài.
Theo đầu bếp Hùng, bản thân anh khi theo đuổi nguyên tắc kinh doanh riêng đã phải chấp nhận đánh đổi lộ trình phủ sóng trên thị trường sẽ cần nhiều thời gian hơn, chi phí nguyên liệu đắt đỏ hơn nhưng anh thà đi chậm mà chắc còn hơn nhanh mà không bền vững. Đối với anh, chất lượng món ăn vẫn là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành bại của một thương hiệu.
Từ 2 – 3 nhân sự, đến nay xưởng của anh Hùng có khoảng gần 20 người đảm nhiệm các khâu khác nhau.
Từ khi Hà Nội kết thúc giãn cách xã hội, số lượng đơn hàng giảm nhẹ do mọi người đổ xô đi ăn hàng quán, tuy nhiên mức tiêu thụ trung bình vẫn duy trì tư 150 – 250 con gà/ngày.
Trong tương lai, anh Hùng mong muốn tiếp tục mở rộng không gian sản xuất để gia tăng sản lượng cung cấp ra thị trường. “Tôi nghĩ người làm kinh doanh cần nhạy bén trước những thay đổi chung của xã hội để nhanh chóng tìm ra hướng đi mới. Cái quan trọng vẫn là sản phẩm của bạn phải tốt, phải chinh phục được người tiêu dùng thì dù ở đâu và trong hoàn cảnh nào, bạn vẫn sẽ giữ chân được những khách hàng trung thành của riêng mình”, đầu Bếp Hùng Râu chia sẻ.
Nguồn: [Link nguồn]