Nửa cuối năm 2019, cổ phiếu ngành phân bón có hồi sinh từ “đáy”?

Với bối cảnh ngành phân bón bão hòa, thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, cùng tình hình thời tiết đầu năm diễn biến bất lợi làm giảm nhu cầu đầu tư phân bón từ nông dân; nhóm cổ phiếu ngành phân bón vì thế cũng trở về vùng “đáy” trong nửa đầu năm 2019. 6 tháng cuối năm với tình hình không mấy khả quan, cổ phiếu ngành phân bón dự khó khởi sắc.

Tình hình càng thêm khó khăn cho nhóm cổ phiếu ngành phân bón khi kết quả kinh doanh quý 1/2019 của hầu hết các doanh nghiệp (DN) đều sụt giảm mạnh về lợi nhuận. Vì thế, theo một số chuyên gia phân tích chứng khoán, kết quả kinh doanh quý 2/2019 từ các DN phân bón nếu khả quan thì sẽ là động lực để các cổ phiếu này có sự điều chỉnh tăng trong ngắn hạn.

Cổ phiếu về “đáy” trong nửa đầu năm 2019

Là một trong những cổ phiếu dẫn đầu thị trường ngành phân bón, mã chứng khoán BFC của Công ty CP Phân bón Bình Điền (HoSE: BFC) trong 6 tháng đầu năm 2019 đã rơi về vùng đáy 3 năm ở mức 18.000 đồng/CP, hiện chốt phiên giao dịch cuối tuần qua (12/7), cổ phiếu BFC ở mức giá 18.200 đồng/CP. Nguyên nhân khiến cổ phiếu BFC rớt giá mạnh trong 6 tháng đầu năm 2019 đến từ nhiều nguyên nhân: Công ty đặt mục tiêu năm 2019 sản lượng tiêu thụ khoảng 643.000 tấn, giảm 4%; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến đạt 190 tỷ đồng, giảm 7%.

Ông Thào Xuân Sùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam (người đi hàng đầu bên phải) thăm công ty phân bón Bình Điền.

Ông Thào Xuân Sùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam (người đi hàng đầu bên phải) thăm công ty phân bón Bình Điền.

Tình hình càng thêm khó khăn khi quý 1/2019, lợi nhuận trước thuế của “phân bón Đầu Trâu” chỉ đạt 7 tỷ đồng, giảm 86% và chỉ hoàn thành 4% chỉ tiêu năm.

So với mức giá quanh vùng 22.000 đồng/CP hồi đầu năm 2019 của Đạm Phú Mỹ (Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP; HoSE: DPM), thì mức giá thời điểm hiện tại của DPM giảm khá mạnh. Kết phiên giao dịch 12/7, DPM giảm về mức giá 15.450 đồng/CP.

Nguyên nhân khiến cổ phiếu DPM giảm mạnh trong nửa đầu năm 2019 đến từ việc Nhà máy Đạm Phú Mỹ được thực hiện bảo dưỡng trong gần 3 tháng đầu năm 2019, từ đó khiến doanh thu quý 1/2019 của DN chỉ đạt 1.596 tỷ đồng giảm 23,4% so với cùng kỳ; kéo theo đó là lợi nhuận trong quý chỉ đạt 40,7 tỷ đồng, giảm 78% so với cùng kỳ 2018 (đạt 183,2 tỷ đồng).

Cổ phiếu DCM của Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (HoSE: DCM) cũng giảm về vùng “đáy” niêm yết trong nửa đầu năm 2019. Nếu thời điểm đầu năm 2019, cổ phiếu DCM ở mức giá quanh 10.000 đồng/CP thì hiện tại cổ phiếu này chỉ giao dịch quanh mức 8.000 đồng/CP.

Theo đánh giá của giới phân tích, năm 2019 sẽ là năm khó khăn với Đạm Cà Mau khi chính sách điều tiết giá khí kết thúc, chuyển sang quy luật cung cầu. Vì vậy, ngay từ đầu năm 2019, công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu tăng nhẹ lên 6.941 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 63% xuống 241 tỷ đồng.

Riêng quý I, Đạm Cà Mau có lãi 188 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ nhưng lại hoàn thành đến 78% kế hoạch năm đã đề ra.

Còn với SFG của Công ty CP Phân bón Miền Nam (HoSE: SFG), hiện cổ phiếu này cũng chỉ còn ở mức giá 10.700 đồng/CP, giảm mạnh so với thời điểm đầu năm 2019.

Một loạt các cổ phiếu ngành phân bón khác cũng giảm về vùng "đáy" trong 6 tháng đầu năm 2019 như LAS của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (HNX: LAS), giảm về mức đáy 6.000 - 7.000 đồng/CP; QBS của Công ty CP Xuất nhập khẩu Quảng Bình (HoSE: QBS) giảm về mức đáy 3.000 đồng/CP…

Theo ghi nhận của Dân Việt, hầu hết các mã cổ phiếu ngành phân bón đều có kết quả kinh doanh thụt lùi trong quý 1/2019 về cả doanh thu lẫn lợi nhuận so với cùng kỳ; có thể kể như: BFC (-24% doanh thu và 87% lợi nhuận); LAS (-31% doanh thu và 87% về lợi nhuận); DPM (-36% doanh thu và -78% lợi nhuận); QBS (-21% doanh thu và 55% lợi nhuận); SFG (-44% doanh thu và 92% lợi nhuận)… cá biệt có DCM trong quý 1/2019 lại tăng thêm 13% về doanh thu so với cùng kỳ, lợi nhuận cũng chỉ giảm khoảng 28% so với cùng kỳ, tỷ trọng thấp nhất trong nhóm cổ phiếu ngành phân bón đang niêm yết.

6 tháng cuối năm, cổ phiếu ngành phân bón có hồi phục?

Đánh giá về triển vọng cổ phiếu ngành phân bón nửa cuối năm 2019, nhiều chuyên gia phân tích của các công ty chứng khoán đều có cái nhìn kém tích cực, nguyên nhân là do triển vọng ngành chậm lại bởi ảnh hưởng của yếu tố thời tiết khi hiện tượng El Nino được duy trì trong nửa đầu năm, giá nông sản cũng giảm, nhập khẩu phân bón đặc biệt là từ Trung Quốc gia tăng, chính sách thuế chưa rõ ràng,... Tất nhiên, cũng có yếu tố tích cực hỗ trợ việc tăng giá cho nhóm cổ phiếu này là những thông tin về thoái vốn của cổ đông lớn nhất là các Tập đoàn Nhà nước.

Thực tế, các DN phân bón lớn đang niêm yết trên thị trường phần lớn là các đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Hóa chất (Vinachem) và Tập đoàn Dầu khí (PVN). Hai tập đoàn này đang có kế hoạch thoái vốn tại nhiều công ty con.

Công nhân kiểm tra thành phẩm.

Công nhân kiểm tra thành phẩm.

Chẳng hạn, Vinachem dự kiến sẽ giảm tỷ lệ sở hữu xuống 51% tại LAS (hiện nắm 69,8%) và VAF (hiện nắm 67,1%). Tập đoàn cũng giảm tỷ lệ sở hữu xuống 36% tại BFC (hiện nắm 65%) và SFG (hiện nắm 65%). Trong khi đó, PVN cũng lên kế hoạch sẽ thoái vốn tại Đạm Cà Mau (DCM) và Đạm Phú Mỹ (DPM), với tỷ lệ nắm giữ dự kiến không cao hơn 51%.

Một phương án khác đang được đưa ra là sẽ hợp nhất 2 đơn vị này (gồm DCM và DPM) nhưng cũng chưa có kết luận cuối cùng.

Một yếu tố cũng không kém phần quan trọng khác là Luật 71/2014/QH13 vẫn chưa được chấp thuận điều chỉnh nên thuế giá trị gia tăng (GTGT) vẫn còn ảnh hưởng lớn tới chi phí sản xuất phân bón và hiệu quả kinh doanh của nhiều DN phân bón. Đây cũng là vấn đề mà nhà đầu tư đã rất cân nhắc với nhóm cổ phiếu ngành phân bón.

Tất nhiên, trong bối cảnh gặp khó khăn về thị trường, các DN phân bón đang tích cực đổi mới, cải tiến kỹ thuật, thực hành tiết kiệm, tiết giảm chi phí… để từ đó tăng hiệu quả kinh doanh và lợi nhuận.

Chẳng hạn, tại BFC, doanh nghiệp phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu như giảm chi phí sản xuất bình quân 0,15%/tấn sản phẩm so với bình quân của năm 2018; giảm chi phí quản lý khoảng 2% so với năm 2018... Đặc biệt, BFC chuẩn bị đưa ra thị trường dòng sản phẩm phân bón đầu trâu chứa vi lượng thông minh cho cây ăn trái trong quý 3/2019. Đây sẽ là sản phẩm đột phá của NPK Bình Điền cho dòng cây ăn trái khu vực phía Nam. Theo chia sẻ của BFC, sản phẩm mới này là loại phân NPK được sản xuất theo phương pháp đặc biệt dưới áp suất và nhiệt độ cao, nên các vi lượng và P được tạo thành một dạng polymer không tan trong nước nhưng tan trong axit yếu. Nhờ vậy khi rễ cây thực hiện quá trình trao đổi ion, liền tiết ra axit yếu thì đồng thời hòa tan được chất polymer chứa vi lượng này, nên cây có thể hút được vi lượng cần thiết, không gây thất thoát như các loại NPK thông thường.

“Sản phẩm mới này sẽ đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng cho cây, không còn phụ thuộc vào biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt đối với sinh trưởng của các loại cây trồng”, ông Nguyễn Thành Danh, Phó trưởng phòng Marketing Công ty CP Phân bón Bình Điền, nói.

Cổ phiếu hàng không ”nóng”, đại gia đua nhau giành giật thị phần

Thị trường chứng khoán phiên giao dịch hôm nay ghi nhận diễn biến tích cực khi nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào các cổ phiếu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quốc Hải ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN