Nóng tuần qua: Tổng cục Thuế "sờ gáy", dân buôn lan đột biến hết cửa lách thuế?
Tổng cục Thuế khẳng định nếu tổ chức, cá nhân tự trồng lan đột biến và bán ra sẽ không phải nộp thuế VAT. Tuy nhiên, vẫn phải nộp thuế TNDN hoặc TNCN theo quy định.
Toàn ngành Thuế theo dõi sát mua bán lan đột biến
Tổng cục Thuế vừa có văn bản gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi quản lý thu đối với kinh doanh lan đột biến.
Về chính sách thuế giá trị gia tăng (VAT), đối với trường hợp lan đột biến do doanh nghiệp, tổ chức tự trồng và bán ra; hoặc do doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế VAT theo phương pháp khấu trừ bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại thì không phải kê khai, tính nộp thuế VAT.
Toàn ngành Thuế theo dõi sát mua bán lan đột biến.
Trong khi đó, nếu lan đột biến do doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế VAT theo phương pháp khấu trừ bán cho hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác ở khâu kinh doanh thương mại thì phải kê khai, tính nộp thuế VAT theo mức thuế suất 5%. Còn do doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác nộp thuế VAT theo phương pháp tính trực tiếp trên VAT bán ở khâu kinh doanh thương mại thì kê khai, tính nộp thuế VAT theo tỷ lệ 1% trên doanh thu.
Về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, nếu tổ chức, doanh nghiệp có thu nhập từ việc bán lan đột biến thì thuộc đối tượng phải nộp thuế theo quy định.
Đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có phát sinh giao dịch mua bán lan đột biến thì thuộc diện điều chỉnh của thuế VAT và thuế thu nhập cá nhân theo quy định về hoạt động kinh doanh với thuế suất thuế VAT 1% và thuế thu nhập cá nhân 0,5%.
Nếu hộ gia đình, cá nhân trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất nông nghiệp (trồng trọt) chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác thì sản phẩm nông nghiệp trong trường hợp này không chịu thuế VAT.
Tổng cục Thuế yêu cầu cục thuế các tỉnh, TP căn cứ quy định pháp luật thuế và pháp luật có liên quan thực hiện công tác quản lý thuế đối với giao dịch mua bán lan đột biến tại địa bàn và các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định pháp luật. Trong quá trình thực hiện, nếu có phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển cơ quan chức năng có liên quan xử lý theo quy định của pháp luật.
Hiện Chính phủ đang vay nợ bao nhiêu?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020.
Theo đó, dự toán bội chi NSNN năm 2020 Quốc hội quyết định đầu năm là 234,8 nghìn tỷ đồng (3,44% GDP), trong đó bội chi ngân sách Trung ương (NSTW) là 217,8 nghìn tỷ đồng, bội chi ngân sách địa phương (NSĐP) là 17 nghìn tỷ đồng.
Đến hết ngày 31/12/2020, dư nợ công bằng khoảng 55,3% GDP.
Tại Nghị quyết số 128/2020/QH14, Quốc hội đã cho phép tăng bội chi NSTW năm 2020 tối đa là 133,5 nghìn tỷ đồng để bảo đảm cân đối chi NSNN năm 2020, thực hiện vay bù đắp bội chi phù hợp với tiến độ thu và dự kiến giải ngân NSTW năm 2020.
Đề cập tới tình hình nợ công, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thông tin: Đến hết ngày 31/12/2020, dư nợ công bằng khoảng 55,3% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 49,1% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 47,3% GDP. Đây là mức thấp hơn trần quy định tại Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 09/11/2016 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 (tương ứng là 65% GDP, 54% GDP và 50% GDP).
World Bank dự báo kinh tế Việt Nam tăng 6,1%
Báo cáo được Ngân hàng Thế giới thực hiện dựa trên khảo sát khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, tập trung vào triển vọng tăng trưởng và tốc độ hồi phục khác nhau của các quốc gia sau ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Về mặt kinh tế, báo cáo cho biết trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam và Trung Quốc là 2 quốc gia ít bị ảnh hưởng nhất bởi đại dịch. Tổ chức này dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt 6,1% trong năm nay. Con số này đối với Trung Quốc là 8,1%.
Ở chiều ngược lại, nhiều nền kinh tế lớn trong khu vực ghi nhận đà giảm 5% so với mức trước khi có dịch Covid-19. Báo cáo chỉ ra rằng các quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu hoặc du lịch sẽ khó có thể đạt được mức tăng trưởng dù chỉ khiêm tốn trong năm nay.
Loạt dự án điện gió vừa rục rịch vận hành đã "vấp" cảnh báo lo ngại!
Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) vừa có báo cáo gửi Bộ Công Thương về tình hình phát triển điện gió tại Việt Nam.
Báo cáo cho biết, đến thời điểm hiện nay, EVN đã ký hợp đồng mua bán điện với 113 dự án điện gió với tổng công suất là 6.038MW.
Theo báo cáo, số dự án đã vào vận hành thương mại là 12 dự án với tổng công suất là 582MW. Số dự án tiếp tục vào vận hành thương mại trước 31/10/2021 là 87 dự án với tổng công suất là 4.432MW. Số dự án không thể vận hành thương mại trước 31/12/2021 là 14 dự án với tổng công suất là 1.024MW.
EVN cho biết, trong thời gian tới, theo yêu cầu cắt điện đường dây 500kV Nho Quan - Hà Tĩnh để đấu nối nhà máy điện Nghi Sơn 2 và tiếp tục cắt điện đường dây 500kV, 220kV nằm trong tổng thể cắt điện đấu nối mạch 3 đường dây 500kV, sẽ tiếp tục phải thực hiện tiết giảm các nguồn năng lượng tái tạo.
Kiểm toán "sờ gáy" vi phạm tài chính, 20 vụ việc chuyển Cảnh sát điều tra
Theo Tổng KTNN Hồ Đức Phớc, trong giai đoạn từ 2016 - 2021, công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán có nhiều đổi mới cả về nội dung và cách thức tổ chức thực hiện, chất lượng ngày càng được nâng cao.
Trong nhiệm kỳ, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 353.733 tỷ đồng; chuyển 20 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật, 2 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra, xử lý.
Tổng kiểm toán cũng cho biết, cơ quan KTNN đã cung cấp 498 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền.
Nổi tiếng thành đạt và được nhiều người biết đến với khối tài sản "khủng" lên đến hàng nghìn tỷ, những...
Nguồn: [Link nguồn]