Nóng tuần qua: Tỉnh miền núi 7 năm trong top địa phương đắt đỏ nhất cả nước
Đặc biệt, dù mức giá sinh hoạt khá cao, thu nhập của người dân ở đây lại không cao.
Lào Cai liên tục nằm trong top đắt đỏ nhất
Từ năm 2017, mức giá sinh hoạt tại Lào Cai có xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn nằm trong top 10 địa phương có chi phí sinh hoạt đắt nhất cả nước. Cụ thể, năm 2017 và 2018, Lào Cai đều xếp thứ 5/63 tỉnh, thành với chỉ số SCOLI lần lượt là 96,05% và 96,25%.
Năm 2020, Lào Cai đứng thứ 5 về mức độ “đắt đỏ” trong tiêu dùng, bằng 96,52% so với Hà Nội. Lào Cai là tỉnh đắt nhất trong 14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc (rẻ nhất là Phú Thọ, bằng 91,07% so với Hà Nội, xếp hạng 56 toàn quốc). Như vậy, Lào Cai đã trở lại vị trí thứ 5 như xếp hạng năm 2018 sau chỉ một năm 2019 tăng lên hạng 8.
Đến năm 2021, chỉ số SCOLI của Lào Cai giảm xuống còn 94,75%, mức thấp nhất của địa phương kể từ năm 2015 đến nay. Với chỉ số này, Lào Cai xếp thứ 6 trên cả nước về mức độ đắt đỏ của chi phí sinh hoạt.
Đặc biệt, dù mức giá sinh hoạt khá cao, thu nhập của người dân ở Lào Cai lại không cao. Thu nhập bình quân của người dân tại địa phương này chỉ đạt 1,8 triệu đồng/người/tháng vào năm 2016 và xếp thứ 53 trên cả nước.
Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người một tháng của Lào Cai đã tăng lên hơn 2,5 triệu đồng, tuy nhiên vẫn xếp thứ 55/63 tỉnh, thành.
Giá biệt thự, nhà liền kề Hà Nội tăng gấp đôi
Báo cáo mới đây của Savills Việt Nam chỉ ra, trong Quý II/2022, Hà Nội chỉ có 146 căn biệt thự, nhà liền kề mới, giảm 82% theo quý và 84% theo năm.
Nguồn cung sơ cấp toàn thị trường ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm vừa qua, ở mức 993 căn, giảm 34% theo quý và 49% theo năm.
Tuy nhiên, nửa đầu năm 2022 đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh ở giá bán thứ cấp. Trong đó, giá biệt thự tăng 37%, giá shophouse tăng 22% và giá liền kề tăng 20%.
So với năm 2018, giá bán biệt thự Hà Nội đã tăng gấp đôi, giá liền kề cũng ghi nhận tăng 67%
Đáng chú ý, so với năm 2018, giá bán biệt thự Hà Nội đã tăng gấp đôi, giá liền kề cũng ghi nhận tăng 67%.
Mặc dù giá bán tăng cao, nhưng Savills chỉ ra, lượng giao dịch phân khúc biệt thự giảm 55% theo quý và 72% theo năm khi chỉ có 302 giao dịch được ghi nhận tính đến Quý II.
Tỷ lệ hấp thụ theo quý chỉ ở mức 30%, giảm 14% theo quý và 25% theo năm. Tỷ lệ hấp thụ cho nguồn cung mới chỉ có 14%.
Mặc dù vậy, lãnh đạo cấp cao của Savills tin tưởng rằng, khi nguồn cung có giá bán hợp lý hơn trở lại thị trường, thanh khoản cùng tình hình hoạt động sẽ được cải thiện.
Chính thức rút ngắn thời gian giao dịch T+2 từ ngày 29/8
Tổng Giám đốc Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) vừa ký Quyết định số 109 ban hành Quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán tại VSD thay thế Quy chế hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán ban hành kèm theo Quyết định số 211/QĐ-VSD ngày 18/12/2015; Quyết định số 110/QĐ-VSD ban hành quy chế Thành viên lưu ký tại VSD thay thế Quy chế Thành viên lưu ký ban hành kèm theo Quyết định số 112/QĐ-VSD ngày 23/8/2021.
Theo đó, hai Quy chế mới được ban hành để đáp ứng việc rút ngắn thời gian thanh toán giao dịch chứng khoán (cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm), qua đó mang lại lợi ích tốt hơn cho nhà đầu tư và thị trường khi nhà đầu tư có thể bán chứng khoán mua ngày T+0 ngay trong phiên giao dịch chiều ngày T+2 thay vì chờ đến ngày T+3 như trước đây.
Quy chế có một số nội dung đổi mới gồm: Thời gian ngân hàng thanh toán hoàn tất thanh toán tiền và VSD hoàn tất thanh toán chứng khoán được điều chỉnh từ 15h30-16h00 lên 11h00-11h30 ngày T+2 (trường hợp có phát sinh thành viên lưu ký mất khả năng thanh toán tiền thì thời gian hoàn tất thanh toán chậm nhất là 12h00).
Thành viên lưu ký phải thực hiện phân bổ tiền và chứng khoán cho khách hàng ngay sau khi NHTT hoàn tất thanh toán tiền và VSD hoàn tất thanh toán chứng khoán, đảm bảo hoàn tất trước 13h ngày thanh toán; đồng thời thông báo cho VSD về kết quả thực hiện chậm nhất 16h30 cùng ngày.
FLC công bố loạt giải pháp cứu cổ phiếu trước nguy cơ đình chỉ giao dịch
Sau cảnh báo có thể đình chỉ giao dịch cổ phiếu được Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) công bố, Tập đoàn FLC (FLC) đã công bố loạt giải pháp nhằm cứu cổ phiếu của doanh nghiệp.
Theo đó, FLC đã có công văn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) trình bày về lộ trình tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 cũng như lựa chọn đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm.
Cùng với đó, Tổng giám đốc FLC Bùi Hải Huyền cũng nhấn mạnh ngay sau khi báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 được phát hành, HĐQT FLC sẽ triệu tập cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, dự kiến tổ chức vào tháng 11.
Tổng giám đốc FLC, Bùi Hải Huyền ký văn bản công bố loạt thông tin tích cực nhằm khắc phục nguy cơ bị đình chỉ giao dịch cổ phiếu
Tại cuộc họp này, HĐQT sẽ trình cổ đông thông qua việc lựa chọn đơn vị kiểm toán năm 2022 và dự kiến phát hành, công bố thông tin các báo cáo tài chính bán niên 2022 soát xét vào tháng 12.
Hậu Covid-19, "ông lớn" bia rượu thu tiền đều tay
Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn Sabeco đã công bố kết quả quý 2/2022 với doanh thu thuần 9,008 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ròng đạt 1,668 tỷ đồng, tăng 67%. Như vậy sau 6 tháng đầu năm, Công ty đã đạt lần lượt 47% kế hoạch doanh thu và 61% kế hoạch lợi nhuận năm. Sabeco đã ghi nhận quý có kết quả doanh thu cao nhất kể từ năm 2020 đến nay.
Lợi nhuận tăng trưởng tốt của công ty là do ngành bia Việt Nam tiếp tục đà hồi phục theo số liệu sản xuất của GSO và thống kê của Google Mobility Report. Sau 2 năm chịu nhiều tác động của dịch Covid-19, ngành bia đã ghi nhận tăng trưởng trở lại trong nửa đầu năm nay, đặc biệt là quý II với lợi nhuận các doanh nghiệp tăng vọt.
Ngoài ra, biên lợi nhuận gộp tăng mạnh nhờ tăng giá bán và chốt trước chi phí, cộng thêm quản lý chi phí bán hàng và quản lý/doanh thu tốt giúp biên lợi nhuận ròng cải thiện mạnh mẽ.
Nguồn: [Link nguồn]
Thậm chí bạn có thể in hình mặt mình trên tờ tiền của quốc gia này.