Nóng tuần qua: Sân bay thứ hai của Hà Nội sẽ nằm ở đâu?
Việc xây dựng sân bay thứ hai tại Hà Nội thuộc Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, với mục tiêu giảm tải cho sân bay Nội Bài.
Hà Nội đề xuất vị trí xây dựng sân bay thứ hai
Đề án quy hoạch mạng cảng hàng không-sân bay cấp quốc gia đang được Hội đồng thẩm định Nhà nước trình Chính phủ phê duyệt. Quy hoạch sân bay thứ hai tại Hà Nội được đề cập trong đề án chung sân bay cả nước.
Theo đó, sân bay thứ 2 bước đầu được xác định ở phía đông nam của thủ đô, tuy nhiên chưa có vị trí cụ thể.
Hà Nội đề xuất vị trí xây dựng sân bay thứ hai.
Vị trí này có thể tránh được núi ở khu vực phía tây, ít ảnh hưởng tới việc tiếp cận của máy bay khi về sân bay Nội Bài, đồng thời có thể nghiên cứu hướng đường cất - hạ cánh song song với đường cất hạ cánh của sân bay Nội Bài. Tuy nhiên, vị trí xây dựng chi tiết sẽ chỉ được xác định khi có quy hoạch cụ thể.
Hồi cuối tháng 12/2021, trao đổi với báo chí, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết trước đây thành phố đề xuất vị trí sân bay thứ hai tại huyện Ứng Hòa. Đây là một trong 4 địa điểm sân bay được xác định trong quy hoạch Vùng thủ đô, song qua nghiên cứu, thành phố xác định sơ bộ khu vực Ứng Hòa là không phù hợp do điều kiện vùng trời không đảm bảo hoạt động bay.
Thay cho Ứng Hòa, Hà Nội đang nghiên cứu vị trí tại các huyện phía đông và đông nam như Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Oai,... Nhiều nguồn tin cho rằng vị trí của sân bay này sẽ nằm ở THường Tín vì vị trí địa lý thuận lợi hơn.
Ngân sách tăng thu nhờ giá xăng dầu tăng cao
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, riêng tháng 4 vừa qua, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 160.200 tỷ đồng, tăng 3.200 tỷ so với tháng trước. Trong đó, đóng góp lớn nhất vào số thu ngân sách tháng vẫn là các khoản thu nội địa với 129.500 tỷ đồng, tăng 9.000 tỷ so với tháng trước, tương đương mức tăng 7,5%.
Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân giúp nguồn thu này tăng trong tháng 4 là do một số khoản thu phát sinh trong quý I đã được kê khai nộp ngân sách vào đầu quý II theo quy định, dẫn tới tăng số thu trong tháng.
Ngân sách tăng thu nhờ giá xăng dầu tăng cao.
Cũng trong tháng 4, tiền thu từ dầu thô đóng góp về ngân sách ước đạt 6.600 tỷ đồng, giảm gần 25% so với tháng trước. Trong đó, giá dầu thanh toán bình quân trong tháng đạt khoảng 122,7 USD/thùng, tăng 62,7 USD/thùng so với dự toán, tuy nhiên sản lượng trong tháng lại giảm còn 700.000 tấn.
Ngoài ra, số thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng ước đạt 24.100 tỷ đồng, cũng giảm 20% so với tháng trước. Số thu này ghi nhận dựa trên cơ sở tổng thu thuế xuất nhập khẩu đạt 35.800 tỷ đồng và hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ khoảng 11.700 tỷ.
Metro Nhổn - Ga Hà Nội xin lùi thời gian vận hành tới năm 2027
Theo báo cáo của Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), tính đến thời điểm hiện nay, dự án đang triển khai 10/10 gói thầu chính; tiến độ tổng thể chung của dự án đạt khoảng 74,63% (trong đó tiến độ thi công đoạn trên cao đạt 95,2%; tiến độ thi công đoạn ngầm đạt 33%), theo TTXVN.
Lãnh đạo MRB Hà Nội thừa nhận dự án hiện đang gặp các vấn đề khó khăn gây ảnh hưởng đến tiến độ. Để tháo gỡ, MRB đã kiến nghị UBND TP Hà Nội báo cáo Chính phủ xin điều chỉnh thời gian hoàn thành và bổ sung nguồn vốn cho dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội.
Cụ thể, MRB Hà Nội đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ giai đoạn 2009-2022 thành 2009-2029, trong đó đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao trong năm 2022; vận hành toàn tuyến vào năm 2027 và hoàn thành bảo hành, quyết toán vào năm 2029.
MRB cũng đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án là 34.532 tỷ đồng, tăng khoảng 4.905,24 tỷ đồng (tương đương khoảng 202,81 triệu Euro).
Đề xuất mức lương tối thiểu theo giờ từ ngày 1/7
Mới đây, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội bắt đầu lấy ý kiến 29 bộ ngành, cơ quan, hiệp hội về dự thảo nghị định quy định mức lương tối thiểu, áp dụng với lao động làm việc theo hợp đồng trong doanh nghiệp.
Dự thảo đề xuất lương tối thiểu tháng tăng thêm 6% từ ngày 1/7, tương ứng 180.000-260.000 đồng so với hiện hành. Nếu được thông qua, lương tối thiểu lần lượt vùng I là 4,68 triệu; vùng II 4,16 triệu, vùng III là 3,64 triệu và vùng IV là 3,25 triệu đồng. Mức hiện hành dao động 3,07-4,42 triệu đồng, giữ nguyên từ đầu năm 2020 đến nay.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng mức điều chỉnh này có sự chia sẻ, hài hòa lợi ích của người lao động và doanh nghiệp. Thông thường, lương tối thiểu vùng được điều chỉnh sau một năm thực hiện, song từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch tác động tiêu cực khiến việc tăng lương tối thiểu vùng bị trì hoãn tới hai năm. Lương tối thiểu hiện tại không còn đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình, thấp hơn khoảng 1,3% vào năm 2022, theo tính toán của Bộ phận kỹ thuật, Hội đồng Tiền lương quốc gia.
Trên cơ sở này, lương tối thiểu theo giờ được đề xuất áp dụng tương ứng với vùng I là 22.500 đồng; vùng II là 20.000 đồng, vùng III là 17.500 đồng và vùng IV là 15.600 đồng. Lần đầu tiên, dự thảo đưa loại hình lương mới này vào, nhằm triển khai quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực từ tháng 1/2021.
Đề xuất gần 113 dự án dùng vốn từ gói phục hồi kinh tế
113 dự án, nhiệm vụ (không gồm các dự án trong lĩnh vực y tế như y tế dự phòng, y tế cơ sở tại các địa phương), thuộc chương trình phục hồi kinh tế vừa được Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề nghị các địa phương, bộ, ngành rà soát, chuẩn xác số liệu để trình cấp có thẩm quyền.
Theo cơ quan ngành kế hoạch, các dự án được đề xuất có sự thay đổi so với danh mục Chính phủ đã báo cáo Quốc hội trước đó, do một số có trùng lặp, điều chỉnh tổng mức đầu tư hoặc chưa phê duyệt thủ tục.
Tổng số vốn từ gói phục hồi kinh tế dự tính rót cho các dự án, nhiệm vụ trên gần 150.000 tỷ đồng. Phần lớn số vốn này dành cho 9 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông, với 91.330 tỷ đồng; hỗ trợ lãi suất cho vay từ ngân sách với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh 40.000 tỷ đồng; cấp bù lãi suất 5.000 tỷ đồng; chuyển đổi số, công nghệ thông tin trên 4.400 tỷ đồng.
Số tiền còn lại, gần 27.000 tỷ đồng sẽ dành cho lĩnh vực y tế, các dự án cao tốc và thông báo bổ sung sau khi đủ điều kiện.
Riêng số tiền khoảng 965 tỷ đồng không đủ điều kiện do các đơn vị đã được bố trí vốn trước đó, hoặc không kịp hoàn thiện thủ tục đầu tư, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề xuất rót cho 2 dự án đầu tư công trình thiết yếu trên địa bàn huyện Thuận Nam, Ninh Hải (tỉnh Ninh Thuận) và dự án đường gom vào cầu Rạch Miễu 2 (tỉnh Bến Tre).
Về thời hạn hoàn thiện thủ tục đầu tư cho các dự án này, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề nghị các đơn vị phải phê duyệt chủ trương đầu tư trong vòng một tháng từ ngày nhận được thông báo tổng mức vốn.
Nguồn: [Link nguồn]
Nếu giành HCV môn bóng đá nam, U23 Thái Lan có thể nhận được tổng tiền thưởng lên đến 15 triệu bath (10,1 tỷ đồng).