Nóng tuần qua: Nộp thuế, tiền vi phạm giao thông sẽ phải thực hiện qua mạng
Việc đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công sẽ tạo dư địa để tăng trưởng, trên cơ sở huy động tốt các nguồn lực xã hội, giảm thua thiệt do dịch bệnh đang gây ra cho nền kinh tế.
Nộp thuế, tiền vi phạm giao thông đều phải qua online
Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với các bộ ngành liên quan cùng các ngân hàng thương mại xây dựng hệ thống thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tích hợp với một số ngân hàng.
Tuy nhiên, vướng mắc khi thực hiện là ngân hàng phải điều chỉnh quy trình liên quan đến biên lai điện tử, đối soát giữa các ngân hàng, trung gian thanh toán với kho bạc nhà nước…
Nộp thuế, tiền vi phạm giao thông đều phải qua online.
Hiện số lượng ngân hàng, trung gian thanh toán hoàn thành việc tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia cũng còn thấp. Việc đối chiếu thực hiện theo quy chế ký giữa các bên nên gây tốn nhiều thời gian, ảnh hưởng đến cơ hội lựa chọn đơn vị có dịch vụ thanh toán tốt nhất để thực hiện.
Cụ thể đối với ngành thuế, báo cáo cho biết trên Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp việc nộp thuế của doanh nghiệp, phấn đấu đến 20-2 sẽ tích hợp việc nộp thuế cá nhân. Vướng mắc là quy định xác thực giao dịch Internet banking, chưa thực sự tạo thuận lợi cho người dân doanh nghiệp. Còn đối với việc thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ, hiện các bên cơ bản thống nhất quy trình nghiệp vụ, nội dung thông tin tích hợp, chia sẻ dữ liệu hai chiều.
Khuyến cáo doanh nghiệp giãn tiến độ đưa hàng hóa lên biên giới
Bộ Công Thương liên tục khuyến cáo các doanh nghiệp theo dõi sát tình hình tại khu vực cửa khẩu biên giới, hạn chế đưa hàng hóa lên biên giới, trừ trường hợp đưa lên để xuất khẩu theo hình thức chính ngạch và phía đối tác Trung Quốc có khả năng nhận hàng.
Bộ Công Thương liên tục khuyến cáo các doanh nghiệp theo dõi sát tình hình tại khu vực cửa khẩu biên giới.
Tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona gây ra (Covid-19) đang diễn biến phức tạp, khó lường và có tác động nhiều mặt tới nền kinh tế nói chung cũng như các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa nói riêng, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, trái cây.
Do đó, các lô hàng nông, lâm, thủy sản và trái cây Việt Nam mặc dù có thể được làm thủ tục thông quan xuất khẩu, nhưng tiến độ sẽ chậm hơn nhiều so với thời gian trước do phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Để tránh tối đa thiệt hại do nghẽn về giao thương, Bộ Công Thương liên tục khuyến cáo các doanh nghiệp theo dõi sát tình hình tại khu vực cửa khẩu biên giới, hạn chế đưa hàng hóa lên biên giới, trừ trường hợp đưa lên để xuất khẩu theo hình thức chính ngạch và phía đối tác Trung Quốc có khả năng nhận hàng.
Xuất nhập khẩu với Trung Quốc chịu tác động lớn của dịch Covid-19
Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc năm 2019 có quy mô lớn thứ hai trong các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, chỉ đứng sau Mỹ, với 41,41 tỷ USD.Trong 45 mặt hàng chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, có 30 mặt hàng đạt trên 100 triệu USD, đặc biệt có 11 mặt hàng đạt trên 11 tỷ USD (máy tính, sản phẩm điện tử, linh kiện; điện thoại và linh kiện; rau quả; xơ sợi; giày dép; dệt may…).
45 mặt hàng chủ yếu trên được chia thành 3 nhóm quan trọng. Đáng quan tâm nhất là nhóm mặt hàng nông, lâm - thủy sản có kim ngạch đạt 8,205 tỷ USD. Do vậy, sự tăng, giảm kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này vào Trung Quốc sẽ tác động lớn đối với tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Covid-19 đã khiến Trung Quốc hạn chế thông thương, khiến các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng lớn.
Với các mặt hàng nông, lâm - thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc, đáng ngại nhất là thủy sản, rau quả… Ngoài việc đây là những mặt hàng có kim ngạch lớn, có một số mặt hàng có tỷ trọng xuất khẩu tiểu ngạch lớn, thì việc bảo quản thường khó khăn, dễ bị hư thối nếu không xuất khẩu kịp thời.
Quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, kiên định mục tiêu ổn định kinh tế
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01/2020 trong đó nêu rõ: Chính phủ thống nhất quan điểm chỉ đạo, điều hành là vừa thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh nCoV, vừa tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nỗ lực phấn đấu cao nhất để đạt được mục tiêu tăng trưởng và các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra.
Chính phủ yêu cầu từng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình, đánh giá và lượng hóa các tác động của dịch bệnh nCoV đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa bàn, nhất là xuất nhập khẩu, nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, vận tải, dịch vụ để cập nhật kịch bản tăng trưởng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 733/VPCP-KTTH ngày 03/02/2020; thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất, kinh doanh, nỗ lực phấn đấu đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội đề ra.
Đồng thời đề xuất giải pháp, đối sách phù hợp để hạn chế các tác động do dịch bệnh nCoV gây ra, trong đó lưu ý các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là nguồn vốn đầu tư công còn lại của năm 2019, thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án công trình lớn như: Dự án đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, đường bộ cao tốc Bắc-Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh...; giải quyết nhanh thủ tục đầu tư các dự án FDI, ODA, các dự án đầu tư trong nước và việc thành lập các doanh nghiệp mới thúc đẩy đầu tư xã hội, phấn đấu đạt mục tiêu một triệu doanh nghiệp trong năm 2020, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Gần 900 doanh nghiệp dừng hoạt động, giảm quy mô vì virus corona
Bộ Lao động - thương binh và xã hội vừa có báo cáo nhanh về tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona liên quan tới lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
Theo báo cáo này, đến ngày 12-2, do ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona, trong tổng số trên 180.000 doanh nghiệp của 30 tỉnh, thành phố thì đã có 322 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, 553 doanh nghiệp giảm quy mô hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh.
Cùng với đó, trong tổng số trên 5.000 hợp tác xã đã có 25 hợp tác xã tạm dừng hoạt động, 5 hợp tác xã giảm quy mô hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh.
Về số lao động bị ảnh hưởng theo ngành kinh tế, báo cáo nhanh của 22/63 tỉnh/thành phố thì có gần 9.000 người lao động bị ảnh hưởng, trong đó có đến trên 3.200 lao động trong lĩnh vực nông, lâm và thủy sản, trên 2.200 lao động thuộc lĩnh vực cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải; lĩnh vực vận tải, kho bãi có trên 1.100 người…
Nguồn: [Link nguồn]
Cựu Tổng giám đốc Grab Financial Group Việt Nam về làm Tổng giám đốc VinID thay cho bà Nguyễn Thị Dịu.