Nóng tuần qua: Nguyên nhân gì dẫn đến việc thẻ từ ATM bị "khai tử" sau ngày 31/12?
Thẻ từ ATM đến nay đã bộc lộ nhiều hạn chế khiến mất an toàn trong bảo mật.
Sang năm 2022 bắt buộc chuyển đổi sang thẻ chip
Thông tư 41 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành ngày 28/12/2018 quy định, từ sau ngày 31/12 năm nay, 100% thẻ ATM đang hoạt động tại Việt Nam phải là dạng thẻ chip. Loại thẻ từ vốn được sử dụng phổ biến trước đây chính thức bị "khai tử" và không còn được chấp nhận sử dụng tại các ATM rút tiền và các điểm/thiết bị thanh toán khác.
Thẻ chip ATM có tính bảo mật cao hơn.
Ngoài việc tuân theo quy định từ Ngân hàng Nhà nước, việc chuyển đổi toàn bộ thẻ ATM bằng công nghệ từ sang công nghệ chip có độ bảo mật cao hơn nhằm hạn chế tối đa rủi ro mất tiền đang được các ngân hàng thương mại gấp rút triển khai.
Bởi ngoài các tính năng giao dịch thông thường, thẻ ATM gắn chip của các ngân hàng hiện còn được bổ sung tính năng thanh toán không tiếp xúc (contactless) với nhận diện bằng biểu tượng cột sóng trên mặt trước thẻ.
Hiện có khá nhiều ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng cổ phần tư nhân, thông báo tới khách hàng về việc các thẻ từ ATM sẽ chính thức bị ngừng hỗ trợ và không được chấp nhận trên các điểm giao dịch trên toàn quốc từ sau ngày 31/12.
Chính thức giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô lắp ráp trong nước từ đầu tháng 12
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 103/2021/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước hôm nay (ngày 26/11).
Theo đó, từ ngày 1/12 năm nay đến hết ngày 31/5/2022, mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 20/2019 ngày 21/2/2019 (Nghị định 20) của Chính phủ.
Chính thức giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô lắp ráp trong nước từ đầu tháng 12.
Từ ngày 1/6/2022 trở đi, mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 20 của Chính phủ. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố và các tổ chức cá nhân có trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Nợ xấu quay trở lại ngang mức năm 2017
Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong giai đoạn triển khai Đề án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu 2016-2020, sự ra đời của Nghị quyết 42 đóng góp nhiều kết quả trong xử lý nợ xấu. Nợ xấu giảm từ 1,99% cuối năm 2017 xuống 1,91% năm 2018, 1,63% năm 2019.
Tuy nhiên đến năm 2020, con số này tăng trở lại lên 1,69%, và cuối tháng 9 năm nay là 1,9%, gần như trở lại ban đầu của năm 2017 - trước khi có Nghị quyết 42.
đại dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, dẫn đến nợ xấu tăng đột biến mà bản thân các tổ chức tín dụng không thể tự xử lý trên cơ sở các quy định hiện hành, cần phải có chính sách, cơ chế đặc thù của Nhà nước mới xử lý được.
Kiều hối về Việt Nam tiếp tục tăng
Lượng kiều hối về Việt Nam trong năm nay ước tính ở mức 18,1 tỷ USD, tiếp tục tăng so với năm 2020. Với con số này, Việt Nam sẽ đứng thứ 8 thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương về lượng kiều hối trong năm nay. Trong năm 2020, lượng kiều hối về Việt Nam là 17,2 tỷ USD, đứng thứ 11 thế giới.
Tổng kiều hối về các quốc gia thu nhập thấp và trung bình tăng 7,3%, lên mức 589 tỷ USD trong năm nay. Sự phục hồi này cao hơn mức ước tính trước đó và duy trì xu thế vững chắc của năm 2020, khi kiều hối chỉ giảm 1,7% dù đại dịch COVID-19 đã kéo nền kinh tế thế giới vào suy thoái.
Kiều hối về các nước thu nhập thấp và trung bình (trừ Trung Quốc) được kỳ vọng sẽ vượt tổng giá trị của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và viện trợ phát triển chính thức (ODA) cộng lại trong năm thứ hai liên tiếp.
Một cá nhân nộp ngân sách 11 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử
Theo Cục Thuế Hà Nội, đến tháng 9/2021 có một trường hợp hoạt động cung cấp các dịch vụ qua Google, Facebook, sau nhiều lần tuyên truyền, hỗ trợ, một cá nhân đã kê khai và nộp số tiền 11 tỷ đồng. Số thuế này được cộng dồn nhiều năm, nên số tiền chậm nộp mà cá nhân này phải thực hiện là trên 4 tỷ đồng.
9 tháng đầu năm 2021, cơ quan này đã thu được khoảng 110 tỷ đồng từ các cá nhân có hoạt động TMĐT. Số thu này tương đương với số thu của năm 2020. Tuy nhiên, số cá nhân đưa vào diện quản lý thuế tăng so với trước đó.
Theo báo cáo của Cục Thuế TP. Hà Nội, năm 2020 cục thuế đã tiến hành thanh tra đối với 14 cá nhân có thu nhập từ hoạt động kinh doanh TMĐT, với số tiền phải nộp là 25 tỷ đồng, kiểm tra 104 cá nhân, truy thu và phạt 3,5 tỷ đồng.
Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, vì TMĐT là hoạt động mới, nên cơ quan thuế phải tuyên truyền, hỗ trợ để người nộp thuế hiểu về các quy định của pháp luật về nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên, về phía cơ quan thuế cũng có những dữ liệu để kiểm soát và thực hiện các biện pháp khác nếu người nộp thuế không tự giác kê khai và nộp thuế.
Tiếp đà lao dốc, ngày 28/11, giá bitcoin vẫn giảm.
Nguồn: [Link nguồn]