Nóng tuần qua: Nguy cơ từ việc vốn Trung Quốc đổ vào Việt Nam vượt Nhật Bản, Hàn Quốc
Hiện lượng vốn Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan đã chiếm gần 40% tổng lượng vốn ngoại đầu tư vào Việt Nam.
Lượng lớn vốn đầu tư tại Việt Nam đang đến từ Trung Quốc
Theo số liệu Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đưa ra hết tháng 11/2019, lượng vốn ngoại đổ vào Việt Nam đạt hơn 31 tỷ USD, trong đó vốn Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan đã chiếm gần 40%, tăng rất mạnh vào Việt Nam, vượt qua nhiều dòng vốn từ các nước khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore.
Cụ thể, các nhà đầu tư đến từ Hồng Kông vẫn đổ lượng lớn vốn vào việc săn mua cổ phần, cổ phiếu doanh nghiệp Việt, các dự án cấp mới chỉ chiếm 1/4 lượng vốn của họ.
Mỗi dự án đầu tư cổ phần, góp vốn và mua cổ phiếu, nhà đầu tư Hồng Kông chi số tiền trung bình khoảng 24,4 triệu USD, con số khá lớn so với mặt bằng chung.
Các nhà đầu tư Trung Quốc đăng ký trên 60% số vốn vào các dự án đầu tư mới, với 2,2 tỷ USD cho hơn 615 dự án cấp mới. Tuy nhiên, điều đáng lo là các dự án của nhà đầu tư Trung Quốc đều có số vốn bình quân/dự án khá nhỏ chỉ 3,5 triệu USD/dự án.
Số vốn/lượt dự án góp mua cổ phần, cổ phiếu thậm chí còn ở dưới 500.000 USD/lượt dự án.
Việc nhà đầu tư bỏ vốn ít, phân mảnh vẫn tăng cường đầu tư vào Việt Nam cho thấy việc kêu gọi sàng lọc dự án theo tiêu chuẩn chất lượng, vốn lớn chưa thực sự hiệu quả. Bên cạnh đó, vốn nhỏ, phân mảnh của nhà đầu tư Hàn Quốc tăng vào Việt Nam cho thấy họ không đầu tư nhiều, đang thăm dò thị trường. Đây là cuộc chơi của các doanh nghiệp cỡ nhỏ, vừa của Trung Quốc tại Việt Nam.
Tương tự với lượng vốn của các nhà đầu tư Hồng Kông, Trung Quốc đại lục, các nhà đầu tư đến từ Đài Loan cũng đổ lượng vốn khá nhỏ, phân mảnh ở Việt Nam. Trong hơn 1,5 tỷ USD được các nhà tư bản Đài Loan bỏ vào Việt Nam, có hơn 720 triệu USD là bỏ vào các dự án cấp mới, hơn 500 triệu USD bỏ vào các dự án lượt vốn góp mua cổ phần, cổ phiếu.
Trung Quốc đang đầu tư nhiều dự án lớn tại Việt Nam.
Trái ngược với xu hướng tăng đầu tư của Trung Quốc và các vùng lãnh thổ liên quan của nước này vào Việt Nam, các nhà đầu tư từ Nhật, Hàn, Singapore có xu hướng chững lại hoặc giảm ở Việt Nam.
Các nhà đầu tư phương tây như Mỹ, Đức, Pháp hay Úc cũng có số vốn khá ít, tăng chậm ở Việt Nam, bất chấp Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng vào sân chơi thương mại tự do với EU, nơi hàng Việt được miễn thuế ngay khi Hiệp định được Quốc hội thông qua (dự kiến cuối năm nay).
Hà Nội sắp chi 2.500 tỷ xây cầu Vĩnh Tuy mớiBộ KH&ĐT và các bộ ngành liên quan vừa thẩm định xong báo cáo tiền khả thi dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 của UBND TP Hà Nội.
Cầu Vĩnh Tuy mới sẽ được đầu tư công với tổng vốn 2.561 tỷ đồng, đặt kế bên cầu cũ, biến tổng chiều rộng mặt cầu từ 19 m lên 38 m. Thời gian xây dựng từ năm 2020 đến 2022.
Qua đánh giá, Bộ KH&ĐT tán thành với mục tiêu xây dựng công trình nhằm hoàn thiện toàn bộ đường vành đai 2 và tăng cường kết nối 2 bên bờ sông Hồng, tạo tiền đề hình thành chuỗi đô thị phía bắc Hà Nội.
Bộ KH&ĐT yêu cầu Hà Nội tính toán kỹ, đảm bảo tính khả thi về vốn. HĐND TP cần cam kết và chịu trách nhiệm về việc cân đối ngân sách địa phương để bố trí cho dự án.
Theo báo cáo tiền khả thi của Hà Nội, dự án được đầu tư toàn bộ bằng vốn ngân sách thành phố với tổng mức đầu tư 2.561 tỷ đồng, trong đó dự kiến bắt đầu cấp vốn từ năm 2020 với khoảng 300 tỷ đồng. Hơn 2.200 tỷ còn lại sẽ được lấy từ nguồn tăng thu kết dư ngân sách giai đoạn 2016-2020 hoặc từ nguồn vay ngân quỹ nhàn rỗi, phát hành trái phiếu nếu cần thiết.
Tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh than, cung cấp than cho sản xuất điện
Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than và cung cấp than cho sản xuất điện.
Chỉ thị nêu rõ, trong thời gian qua, việc khai thác và kinh doanh than trái phép vẫn còn diễn ra và tiềm ẩn nguy cơ tái diễn; tình trạng vi phạm quy định về an toàn lao động và bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh than còn tồn tại; hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hoạt động sản xuất, kinh doanh than còn hạn chế; công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh than có địa phương còn chưa được quan tâm đúng mức; sự phối hợp giữa chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than với các doanh nghiệp cung cấp than còn chưa chặt chẽ, kịp thời; khối lượng, chủng loại than cung cấp cho một số nhà máy nhiệt điện than còn chưa được đáp ứng kịp thời theo yêu cầu của nhà máy.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than và đáp ứng đủ, ổn định dài hạn than cho các nhà máy nhiệt điện than phục vụ thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi khai thác, vận chuyển, kinh doanh than trái phép; xử lý nghiêm theo quy định đối với các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức có hành vi tiếp tay, bao che cho hoạt động sản xuất, kinh doanh than trái phép.
Doanh nghiệp vận tải không được tùy tiện tăng giá cước dịp Tết Canh Tý 2020
Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị vận tải trên địa bàn khẩn trương xây dựng kế hoạch phục vụ hành khách đi lại trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân Canh Tý năm 2020.
Theo đó, Sở này yêu cầu các bến xe dự phòng phương tiện phục vụ và tăng cường để kịp thời đáp ứng yêu cầu vận chuyển hành khách khi cần thiết.
Các bến xe tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng các phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải; xây dựng kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa các phương tiện hư hỏng, chưa đảm bảo chất lượng; kiểm tra, giám sát lái xe và phương tiện qua hệ thống giám sát hành trình (GPS) để kịp thời chấn chỉnh, xử lý các lái xe cố tình vi phạm Luật Giao thông đường bộ và các quy định về hoạt động kinh doanh vận tải.
Hình ảnh tại bến xe Nước Ngầm
Bên cạnh đó, chủ động ký hợp đồng với các trường đại học, cao đẳng, các khu công nghiệp, khu chế xuất và các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang trên địa bàn thành phố có nhu cầu vận chuyển khách đi các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, Sở Giao thông vận tải Hà Nội nêu rõ.
Sở này cũng yêu cầu từ chối phục vụ phương tiện và chủ phương tiện đưa xe không bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định. Kiên quyết không cho xe chở quá tải, không bảo đảm các điều kiện xuất bến, lập biên bản đối với các đơn vị và báo cáo về Sở Giao thông vận tải Hà Nội để xử lý theo quy định.
"Các đơn vị kinh doanh vận tải không được tùy tiện tăng giá cước, phụ thu giá cước khi chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt", Sở Giao thông vận tải Hà Nội chỉ đạo.
Đề xuất chi gần 11.000 tỷ xây nhà ga T3 Tân Sơn Nhất trong 3 nămBộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Chính phủ kết quả thẩm định chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ga T3 tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình, TP.HCM.
Dự án do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) làm chủ đầu tư, xây dựng trên diện tích khoảng 110.000 m2. ACV đề xuất chi gần 11.000 tỷ đồng xây nhà ga T3 và hoàn thành trong 37 tháng.
Khi đưa vào sử dụng, nhà ga T3 phục vụ 20 triệu khách/năm, đáp ứng các chuyến bay trong nước. ACV cho biết dự án sẽ giảm tải nhà ga T1, phù hợp quy hoạch và phân chia sản lượng khai thác giữa sân bay Long Thành và sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ACV là doanh nghiệp do Nhà nước nắm 95,4% cổ phần. ACV phải chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp khi đầu tư; số tiền gần 11.000 tỷ xây nhà ga và sử dụng không quá 50 năm là phù hợp.
Sau khi ACV hoàn thành thu hồi vốn ở giai đoạn khai thác, nhà ga T3 sẽ tiếp tục hoạt động phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách, tạo nguồn thu để nâng cấp hệ thống 22 cảng hàng không khác trên cả nước.
Lãnh đạo Bộ Công thương đã lên tiếng chính thức về thông tin này.
Nguồn: [Link nguồn]