Nóng tuần qua: Người Việt kiếm hơn 1.000 tỷ đồng từ Facebook, YouTube
Trong năm 2020 và 3 tháng đầu 2021, 4 ngân hàng đưa cho cơ quan thuế danh sách 4.800 tổ chức, cá nhân có thu nhập phát sinh từ Google, Facebook, YouTube, Netflix... từ nước ngoài hơn 1.000 tỷ đồng.
Nhiều cá nhân, tổ chức thu nhập khủng từ Google, Facebook, YouTube
Theo thông tin mới nhất từ Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, chỉ trong năm 2020 và 3 tháng đầu năm nay, 4 ngân hàng thương mại cung cấp cho cơ quan thuế danh sách gần 4.800 tổ chức, cá nhân có thu nhập phát sinh từ Google, Facebook, YouTube, Netflix, Apple với tổng số tiền từ nước ngoài lên tới 48 triệu USD (hơn 1.000 tỷ đồng).
Nhiều cá nhân, tổ chức thu nhập khung từ Google, Facebook, YouTube
Đáng chú ý, tại 2 đơn vị ứng dụng đặt món ăn ghi nhận có 5.247 cá nhân, tổ chức có địa chỉ trên địa bàn Quận 1 trong năm 2020 có phát sinh doanh thu 663 tỷ đồng; trong năm 2021 có 4.635 cá nhân, tổ chức phát sinh doanh thu 515 tỷ đồng.
Cục Thuế TPHCM đã làm việc với các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố để nắm thông tin dòng tiền từ nước ngoài chi trả cho các tổ chức, cá nhân, phối hợp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn đề nghị cung cấp dữ liệu dòng tiền giao dịch chuyển từ nước ngoài về cho các tổ chức, cá nhân trong nước có nhận thu nhập từ hoạt động cung cấp nội dung, dịch vụ cho các đơn vị như Google, Apple, Netflix.
Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới vừa ký hiệp định tín dụng trị giá 221,5 triệu USD để hỗ trợ Việt Nam phục hồi sau đại dịch Covid-19
Khoản tín dụng trị giá 221,5 triệu USD sẽ được giải ngân trực tiếp vào ngân sách, với các điều khoản ưu đãi trong thời hạn 30 năm cùng thời gian ân hạn là 5 năm. Khoản tín dụng này nhằm khuyến khích cải cách chính sách theo hai trụ cột.
Trụ cột thứ nhất hỗ trợ sự phục hồi kinh tế mang tính bao trùm thông qua giảm gánh nặng thuế cho các doanh nghiệp, cải thiện khả năng tiếp cận hỗ trợ tài chính của các nhóm dễ bị tổn thương, thu hẹp khoảng cách giới tại nơi làm việc và thúc đẩy tài chính toàn diện.
Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới vừa ký hiệp định tín dụng trị giá 221,5 triệu USD để hỗ trợ Việt Nam phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Trụ cột thứ hai góp phần vào việc xanh hóa các chính sách thương mại, thúc đẩy chính phủ điện tử và tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo.
Theo WB, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều động thái nhanh chóng trong những tháng gần đây để thực hiện các cải cách này. Việc phê duyệt giấy phép triển khai mobile money và mở rộng phạm vi áp dụng hệ thống hóa đơn điện tử ở các tỉnh thành lớn nhất cả nước là những ví dụ điển hình. Tốc độ cải cách dự kiến được đẩy nhanh, đây là một phần trong gói phục hồi kinh tế dự kiến sẽ được Quốc hội thảo luận trong tuần tới.
Khoản tín dụng được cung cấp thông qua Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) của Ngân hàng Thế giới, chuyên cung cấp các khoản vay ưu đãi dành cho các quốc gia có thu nhập thấp.
Đề xuất chở hàng sang Trung Quốc bằng tàu hỏa
Liên quan đến tình hình ùn ứ xe nông sản tại cửa khẩu trong khoảng 1 tháng qua, ông Nguyễn Hữu Vượng, Phó cục trưởng Hải quan Lạng Sơn, nhìn nhận khó có thể giải phóng hết lượng hàng hóa cho đến Tết Nguyên đán.
Cụ thể, năng lực thông quan hiện tối đa khoảng 90 xe một ngày, trong khi vẫn còn khoảng 2.100 xe. Hơn nữa, dự kiến Trung Quốc tiếp tục siết chặt quản lý người và hàng hóa qua biên giới đến giữa tháng 3 năm sau.
Ông Vượng đề xuất phương án chở hàng sang Trung Quốc bằng đường sắt để giải quyết tình trạng ùn tắc. Với phương án này, cả đoàn tàu chỉ cần tổ vận hành, đáp ứng được chính sách Zero Covid từ phía Trung Quốc.
Đại diện Hải quan Lạng Sơn cũng kiến nghị Chính phủ sớm tổ chức hội đàm cấp cao với Trung Quốc để tạo điều kiện thông quan hàng hóa, bởi các hội đàm cấp thấp đã diễn ra nhưng chưa hiệu quả. Trước mắt, Hải quan Nam Ninh (Trung Quốc) sẽ hội đàm với Hải quan Lạng Sơn, Cao Bằng.
Quảng Trị công bố dự án sân bay hơn 5.800 tỷ đồng
UBND tỉnh Quảng Trị có thông báo về việc công bố thông tin dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Dự án đầu tư xây dựng CHK Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị đã được Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư theo phương thức PPP tại ngày 20/12.
Địa điểm thực hiện dự án tại các xã Gio Quang, Gio Hải và Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Quy mô dự án theo quy hoạch là sân bay cấp 4C (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp II. Công suất theo quy hoạch 1 triệu hành khách/năm và 3.100 tấn hàng hóa/năm.
Loại tàu bay khai thác là code C hoặc tương đương. Tổng số vị trí đỗ tàu bay là 5 vị trí code C (có khả năng đỗ tàu bay code E).
Kiều hối về Việt Nam năm 2021 đạt 12,5 tỷ USD
Theo số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước công bố, dòng kiều hối gửi về Việt Nam năm 2021 đạt khoảng 12,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2020.
Đa số dòng tiền kiều hối gửi về Việt Nam hiện nay được thực hiện thông qua các tổ chức tín dụng với khoảng 70% lượng tiền gửi về. Bên cạnh đó, khoảng 28% lượng tiền được gửi qua các công ty kiều hối và 2% còn lại gửi qua kênh bưu điện.
So với ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), lượng kiều hối năm 2021 thấp hơn khoảng 5,6 tỷ USD.
Cụ thể, báo cáo của WB và tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư KNOMAD cho rằng Việt Nam đứng thứ tám thế giới và đứng thứ ba trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về lượng kiều hối năm 2021, đạt 18,1 tỷ USD, cao hơn mức 17,2 tỷ USD năm 2020.
Về số liệu chênh lệch này, đại diện Vụ Quản lý Ngoại hối (NHNN) cho biết các số liệu do cơ quan quản lý tiền tệ trong nước thống kê và các tổ chức quốc tế ước tính về lượng kiều hối hàng năm đều có chênh lệch. Nguyên nhân do các yếu tố vĩ mô ảnh hưởng tới nguồn tiền, thặng dư từ các quốc gia khác, nguồn chuyển tiền về…
Nguồn: [Link nguồn]
Năm 2021 đã khép lại với rất nhiều dấu ấn đáng ghi nhớ của nền kinh tế, trong đó không thể không nhắc tới những “dấu...