Nóng tuần qua: Ngân hàng nhà nước nâng lãi suất, tiền đồng Việt Nam sẽ mất giá bao nhiêu?
Việc điều chỉnh tăng lãi suất điều hành của Việt Nam diễn ra sau động thái mới từ Fed.
Ngân hàng nhà nước nâng lãi suất
Chiều ngày 22/9/2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành các quyết định điều chỉnh một số mức lãi suất điều hành, trong đó có trần lãi suất huy động. Các quyết định có hiệu lực từ ngày 23/9/2022.
Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu tăng thêm 1 điểm % lên mức lần lượt là 5%/năm và 3,5%/năm. Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng tăng từ 5%/năm lên 6%/năm.
Về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND, mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng tăng từ 0,2%/năm lên 0,5%/năm.
Theo CTCK VNDirect, với động thái của NHNN, dự báo lãi suất tiền gửi có thể tăng thêm 30-50 điểm cơ bản từ mức hiện tại vào cuối năm 2022.
Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng thêm 1 điểm % lên 5%/năm. Riêng Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,5%/năm.
Việc điều chỉnh tăng lãi suất điều hành của Việt Nam diễn ra sau động thái mới từ Fed.
Theo VNDirect, áp lực lên tỷ giá sẽ gia tăng, và nâng dự báo đồng VND có thể mất giá 3,5-4,0% so với đồng USD trong năm 2022.
Lao động xuất khẩu Nhật Bản bị ảnh hưởng bởi đồng Yên giảm giá
Hiện có khoảng nửa triệu người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, trong đó có khoảng 370.000 thực tập sinh. Nhiều người trong số đó đã gom góp cả trăm triệu, thậm chí đi vay mượn để sang Nhật với giấc mơ đổi đời.
Với nhiều lao động xuất khẩu Việt Nam đang làm việc ở Nhật Bản, thời gian qua họ có cảm giác như nhìn tiền trôi mỗi ngày. Tiến thoái lưỡng nan, không biết nên gửi tiền về luôn hay chờ đồng Yên tăng giá lại để gửi thì tỷ lệ quy đổi sẽ có lợi hơn, tuy nhiên càng chờ thì đồng tiền này lại càng giảm sâu.
Tính với mức lương chính thức, không làm thêm là khoảng 150 ngàn Yên một tháng, từ đầu năm tới nay, đồng tiền Nhật Bản mất giá gần 25% thì thu nhập của mỗi lao động cũng giảm khoảng 8 triệu. Nếu trừ đi cả phí môi giới, sinh hoạt thì tiền để dành gửi về Việt Nam không còn lại bao nhiêu. Trao đổi với một số lao động xuất khẩu, họ cho biết cảm thấy “lỗ” nặng. Lúc trước cố gắng để sang Nhật nhưng giờ tiền gửi về không đủ để trả lãi tiền vay lúc đi.
Cuộc sống lại càng khó khăn hơn vì giá cả sinh hoạt tại Nhật cũng đang leo thang. Các lao động phải cùng nhau chia sẻ để tiết kiệm chi phí sinh hoạt như chịu khó ở ghép đông hơn hay cùng nhau nấu nướng cho bớt tiền gas, điện, nước…Bên cạnh đó, với các du học sinh vừa học vừa làm, ảnh hưởng có thể được giảm bớt nhờ học phí giảm theo tỷ giá.
Đất biệt thự ven Hồ Tây được ngân hàng rao bán chỉ gần 300 triệu/m2
Thông qua Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản Agribank (Agribank AMC), ngân hàng Agribank đang rao bán đấu giá tài sản là toàn bộ quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Thửa đất số D3A-04 ô số 27, Khu đấu giá 18,6 ha, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội, đứng tên ông Lưu Văn Toàn và bà Trần Thị Minh Tuyết.
Theo Agribank AMC, thửa đất đấu giá có diện tích 333m2, là đất ở đô thị, sử dụng riêng, lâu dài. Diện tích xây dựng không được vượt quá 116,6m2.
Agribank AMC đưa ra mức giá điểm cho thửa đất biệt thự trên là 99,4 tỷ đồng (tương đương 298 triệu đồng/m2), chưa bao gồm các loại thuế, phí và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
Ngân hàng Agribank liên tục rao bán BĐS ở khu vực trung tâm Hà Nội và TP HCM để xử lý nợ xấu
Mức giá được Agribank đưa ra là khá rẻ so với giá thị trường rao bán đất khu vực này hiện nay. Theo đó, khu đất này là nơi tọa lạc của nhiều khu biệt thự, là nơi có giá đất đắt đỏ bậc nhất Hà Nội.
Trên các trang tin rao bán bất động sản, vẫn thường xuyên xuất hiện những tin bán đất nền khu vực này. Giá chào bán dao động từ 320 triệu đồng/m2 đến khoảng 410 triệu đồng/m2.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nóng sau khi Fed tiếp tục nâng lãi suất
Sáng ngày 22/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề, thảo luận về nhiều nội dung quan trọng liên quan tới xây dựng pháp luật và ổn định kinh tế vĩ mô sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục nâng lãi suất
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ. Tăng trưởng có xu hướng giảm, lạm phát có xu hướng tăng cao tại hầu hết các nước.
Ngân hàng Trung ương nhiều nước thời gian qua phải tăng lãi suất làm ảnh hưởng tới nhiều nước khác về nợ công, xuất khẩu, thất nghiệp…
Với Việt Nam, nền kinh tế có quy mô khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu và cạnh tranh có hạn, nên một biến động nhỏ trên thế giới cũng có tác động lớn tới tình hình trong nước. Các thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ, EU… có xu hướng bị thu hẹp. Phản ứng chính sách của các nước cũng tác động tới tỉ giá, lãi suất, tín dụng, giá trị đồng tiền… của Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh: Trong bối cảnh đó, chúng ta dứt khoát không hoang mang, dao động; cũng không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; chủ động nắm bắt tình hình, giữ vững bình tĩnh, tự tin, bản lĩnh, linh hoạt, sáng tạo trong điều hành. Mục tiêu là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, đây là ưu tiên xuyên suốt, vừa trước mắt, vừa lâu dài.
EVN lỗ gần 16.600 tỷ đồng
Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, kết quả lỗ sau thuế hợp nhất là 16.586 tỷ đồng. Đây là lần đầu EVN ghi nhận mức lợi nhuận thua lỗ sau hơn 5 năm qua.
Báo cáo tài chính của EVN cho thấy, mặc dù doanh thu bán hàng đạt 221.231 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 4% so với cùng kỳ, nhưng giá vốn bán hàng của doanh nghiệp này lại tăng hơn 225.440 tỷ đồng, khiến lỗ gộp từ bán hàng, dịch vụ hơn 4.200 tỷ đồng.
Ngoài giá vốn, các loại chi phí khác của EVN thay đổi không đáng kể so với cùng kỳ như chi phí tài chính tăng 2,4%, chi phí quản lý giảm 2,3% và chi phí bán hàng giảm 4,8%.
Theo tính toán của EVN, giá bán lẻ điện bình quân năm 2022 lên mức 1.915,59 đồng một kWh, cao hơn 2,74% so với giá bán lẻ điện bình quân đang áp dụng từ năm 2019, là 1.844,64 đồng một kWh
Giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện (như than, dầu, khí) tăng đột biến từ đầu năm đến nay làm chi phí sản xuất điện của EVN tăng rất cao.
Ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc EVN nói tại một sự kiện hồi tháng 4 rằng, giá than trước đây khoảng 60-70 USD/tấn nhưng nay đã tăng lên hơn 220 USD/tấn. Giá khí LNG cũng thay đổi nhanh chóng, từ 6-8 USD/triệu BTU thì nay khoảng 20 USD/triệu BTU.
Cùng đó, giá sắt thép để xây dựng các dự án nguồn điện và truyền tải điện đều tăng cao.
“Tất cả các yếu tố đó ngành điện nói riêng và nhiều ngành khác đều đang phải chịu áp lực, ở toàn bộ đầu vào xây dựng và sản xuất kinh doanh”, ông Nguyễn Tài Anh đánh giá.
Nguồn: [Link nguồn]
Do chậm đưa đất vào sử dụng, dự án Khu thưởng lãm và trưng bày sản phẩm cà phê Trung Nguyên Legend - Lộc An của Công ty cổ phần Cà phê Trung Nguyên do đại gia Đặng Lê Nguyên...