Nóng tuần qua: Mua ô tô nhiều kỉ lục, phải chăng người Việt ngày càng giàu?
Dự báo từ nay đến hết năm thị trường ô tô Việt Nam có thể đạt doanh số gần 400.000 xe các loại và xác lập kỷ lục mới. Giá xe giảm mạnh trong khi thu nhập tăng đã biến giấc mơ của nhiều người Việt trở thành hiện thực.
Sản lượng bán ô tô tăng kỉ lục
Theo số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, doanh số bán hàng của các doanh nghiệp thành viên trong 9 tháng đầu năm 2019 đạt 219.205 xe ô tô các loại, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, con số trên chưa bao gồm doanh số bán của các doanh nghiệp ngoài VAMA như TC Motor, Audi, Jaguar, Land Rover, Subaru, Volkswagen, Volvo, VinFast,... hoặc là thành viên như Mercedes-Benz nhưng không công bố.
Chỉ riêng TC Motor (Hyundai Thành Công) trong 9 tháng qua, tổng cộng có 55.473 xe các loại được bán ra, tính chung toàn thị trường đã đạt gần 300.000 xe các loại. Dự báo từ nay đến hết năm thị trường ô tô Việt Nam có thể đạt doanh số gần 400.000 xe và xác lập kỷ lục mới.
Thị trường ô tô Việt Nam có thể đạt doanh số gần 400.000 xe các loại.
Trong đó, riêng phân khúc xe cá nhân có sự tăng trưởng cao, đạt 30% so với cùng kỳ 2018. Nhiều thương hiệu có doanh số bán tăng trưởng rất ấn tượng.
Có thể nói, thị trường ô tô phân khúc xe cá nhân đang tăng trưởng ấn tượng. Nhu cầu về ô tô của người Việt đang tăng và quy mô thị trường đang mở ra. Quan trọng hơn là doanh số bán tăng nhưng không hề thiếu xe. Ngược lại, nguồn cung khá dồi dào và giá xe liên tiếp giảm từ đầu năm tới nay.
Cung cấp nước nhiễm dầu, Nước sạch Sông Đà miễn phí một tháng tiền nước
Công ty Cổ phần Nước sạch Sông Đà (Viwasupco) vừa phát thông cáo liên quan đến sự cố tràn dầu thải vào nguồn nước sản xuất của Nhà máy nước Sông Đà. Viwasupco cho biết đến nay đã hoàn tất khắc phục để đủ điều kiện cung cấp nước sạch trở lại cho khách hàng, đồng thời đã xác định được nguyên nhân, bản chất vụ việc qua đó đánh giá thiếu sót và nhìn nhận trách nhiệm.
Về chất lượng nước, căn cứ trên các mẫu xét nghiệm nước ngày 14, 16, 18/10 do Viện sức khỏe Nghề nghiệp & Môi trường và các mẫu xét nghiệm nội kiểm ngày 16/10 của Quatest, Trung tâm kiểm soát bệnh tật thuộc Sở Y tế Hà Nội đã công bố rằng nguồn nước Sông Đà đảm bảo các tiêu chí theo qui chuẩn chất lượng QCVN01:2009/BYT do Bộ Y tế ban hành, an toàn để người dân sử dụng mục đích sinh hoạt, ăn uống.
Viwasupco cũng cho biết sẽ không thu tiền nước trong kỳ xảy ra sự cố (tương đương một tháng tiền nước).
Căng thẳng tình hình điện những tháng cuối năm
Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho đến hết tháng 9, thời tiết khô hạn vẫn tiếp tục xảy ra ở nhiều hồ thủy điện trên cả nước, lượng nước về vẫn ở mức rất thấp so với trung bình nhiều năm. Tính đến hết đầu tháng 10, mức nước của 26/37 hồ chứa thủy điện của EVN ở mức thấp hơn cùng kỳ năm 2018. Tổng dung tích hữu ích hiện có ở các hồ chứa thủy điện khoảng 19,67 tỷ m3, thấp hơn cùng kỳ năm 2018 khoảng 7,67 tỷ m3 (tương đương gần 2 tỷ kWh điện).
Nước về các hồ thủy điện thiếu hụt khiến điện sản xuất tại các nhà máy thủy điện trong các tháng đầu năm giảm mạnh. Lũy kế 9 tháng đầu năm, điện sản xuất của các nhà máy thủy điện đạt 51,98 tỷ kWh, giảm 18,3% (tương đương mức giảm 11,7 tỷ kWh) so cùng kỳ năm 2018. Trong khi đó, điện sản xuất từ các nhà máy nhiệt điện than tăng 35% so cùng kỳ năm 2018.
EVN sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn 3 tháng cuối năm.
Các nguồn điện từ nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) vẫn chiếm tỷ lệ khiêm tốn trong tổng sản lượng điện, chỉ đạt 3,51 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng khoảng 1,54%, trong đó, sản lượng điện mặt trời là 2,78 tỷ kWh.
Cùng với thiếu nước, việc cung ứng than cho phát điện hết sức khó khăn trong bối cảnh các nhà máy nhiệt điện đã phải huy động cao trong 9 tháng đầu năm.
Đặc biệt, tại hồ thủy điện Hòa Bình, năm nay thời tiết khô hạn cực đoan khiến mực nước vẫn thấp hơn 10 mét so với cùng kỳ hàng năm, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch phát điện và tích nước hồ chứa.
EVN nêu rõ, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ kế hoạch vận hành hệ thống điện trong 3 tháng cuối năm 2019 của EVN sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Cụ thể, nhu cầu điện dự báo tiếp tục tăng trưởng cao, trong khi hệ thống điện hầu như không có dự phòng nguồn điện. Bên cạnh đó, mực nước các hồ thủy điện đang ở mức rất thấp, đặc biệt các hồ thủy điện lớn trên dòng sông Đà đang ở gần mức nước chết.
Ngoài ra, việc cung ứng than cho phát điện hết sức khó khăn. Các nhà máy nhiệt điện đã phải huy động cao trong 9 tháng đầu năm. Các nguồn điện dầu dự kiến sẽ phải huy động cao trong 3 tháng cuối năm sẽ là thách thức lớn đối với tình hình tài chính của EVN.
Hà Nội duyệt chủ trương đầu tư một loạt dự án phục vụ SEA Games 31
Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, từ đầu năm 2019 đến nay, HĐND thành phố đã phê duyệt 2 đợt điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách thành phố năm 2019. Theo đó, tổng mức kế hoạch vốn ngân sách thành phố năm 2019 sau điều chỉnh, bổ sung là 31.490,203 tỷ đồng, tăng 2.470,7 tỷ đồng so với kế hoạch vốn giao đầu năm.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số dự án tiếp tục vướng mắc nên không có khả năng giải ngân hết số vốn theo kế hoạch đã giao; một số dự án có khả năng thực hiện, cần bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ, Trên cơ sở đó, UBND thành phố đề xuất phương án điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn năm 2019 với tổng kinh phí tăng thêm 24 tỷ đồng để chi đầu tư xây dựng cơ bản tập trung cấp thành phố và chi hỗ trợ có mục tiêu cho các huyện, thị xã.
Như vậy, sau khi điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn, tổng vốn đầu tư năm 2019 sẽ tăng từ 31.490 tỷ đồng lên thành 31.514 tỷ đồng, tăng thêm 24 tỷ đồng; số dự án được bố trí vốn tăng từ 546 dự án lên thành 558 dự án, tăng thêm 12 dự án.
HĐND thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020. Trong đó, phê duyệt chủ trương đầu tư 20 dự án (bao gồm 16 dự án nhóm B và 4 dự án trọng điểm nhóm C), tổng mức đầu tư dự kiến 4.704 tỷ đồng.
Trong số 20 dự án nhóm B và nhóm C, có 11 dự án thuộc danh mục dự án tiếp tục hoàn thiện thủ tục để cập nhật, bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn. Đáng chú ý, trong số này có 6 dự án được chia tách từ dự án Nâng cấp các công trình phục vụ SEA Games 31 và Xây dựng hoàn chỉnh Trung tâm vận động viên cấp cao Hà Nội.
Tập đoàn TH “mở đường” xuất khẩu sữa sang Trung Quốc
Công ty Cổ phần sữa TH vừa ký hợp đồng xuất khẩu lô sản phẩm sữa đầu tiên với đối tác là Công ty thương mại Kim Kiều (Vô Tích, Trung Quốc). Theo đó, lô sữa xuất khẩu chính ngạch đầu tiên của Việt Nam sang Trung Quốc được mang thương hiệu TH true MILK với các sản phẩm sữa tươi tiệt trùng nguyên chất và sữa tươi tiệt trùng bổ sung các hương liệu tự nhiên.
Việc Trung Quốc chính thức cho phép nhập khẩu sản phẩm sữa từ Việt Nam cho thấy ngành sữa của Việt Nam ngày càng phát triển, hội nhập với thế giới.
Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc sớm xem xét, đánh giá và cho biết kết quả về hồ sơ đăng ký xuất khẩu sữa đối với 4 doanh nghiệp của Việt Nam đã hoàn thiện Hồ sơ giữa cơ quan quản lý Trung Quốc.
Thông tin ban đầu về những đối tượng thực hiện hành vi này đã được tiết lộ.