Nóng tuần qua: Lộ diện tân Tổng giám đốc Nhà máy In tiền Quốc gia
Nhà máy In tiền quốc gia là công ty do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Bổ nhiệm Tổng giám đốc Nhà máy In tiền Quốc gia
Ông Nguyễn Văn Long - Phó tổng giám đốc phụ trách ban điều hành Nhà máy In tiền Quốc gia vừa được giao đảm nhiệm vị trí thành viên HĐTV kiêm Tổng giám đốc kể từ ngày 10/1.
Theo giới thiệu, ông Long có trình độ chuyên môn Thạc sĩ máy và thiết bị; Kỹ sư chế tạo máy và có nhiều năm công tác quản lý kỹ thuật. Ông Long từng giữ vị trí Phó xưởng trưởng xương Cơ điện lạnh Nhà máy in tiền quốc gia. Trước đó, ông Long cũng là lãnh đạo phụ trách điều hành nhà máy in tiền quốc gia từ năm 2019 đến nay.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú trao Quyết định bổ nhiệm cho ông Nguyễn Văn Long - Ảnh NHNN
Nhà máy In tiền quốc gia là công ty do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 8 vào tháng 11/2019, Nhà máy in tiền quốc gia có vốn điều lệ là hơn 1.578 tỷ đồng. Nhà máy phụ trách in, đúc tiền, sản xuất vàng miếng, vật phẩm, lưu niệm bằng vàng và các loại giấy tờ có giá theo kế hoạch được giao của thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Nhà máy là doanh nghiệp sản xuất đặc biệt, hoạt động không vì lợi nhuận. Nhà máy không công bố báo cáo tài chính từ ngày 21/12/2020.
Nhà đầu tư bất động sản sợ lãi suất
Lãi suất tăng cao khiến nhiều nhà đầu tư còng lưng gánh lãi vay ngân hàng vì sử dụng đòn bẩy tài chính để đầu tư thời điểm giá đất cao ngất ngưởng.
Giới chuyên gia cho rằng, hiện nay với các giao dịch sang nhượng ở thị trường thứ cấp, sẽ xuất hiện nhiều tình trạng giảm giá bán. Giá bất động sản sẽ hạ nhiệt khi áp lực vốn vay của nhà đầu tư và giới đầu cơ đang gia tăng.
Có rất nhiều nhà đầu tư đang phải gồng mình ôm hàng trong giai đoạn này cũng có thể sẽ không chịu đựng được thêm gánh nặng tài chính, thời gian tới buộc phải tính đến chuyện giảm giá sâu hoặc bán cắt lỗ. Giá nhà đất thứ cấp sẽ có xu hướng đi xuống, nhưng biên độ xuống không nhiều vì nguồn cung đang khá hạn chế.
Lãi suất cho vay tăng cao đã khiến nhiều nhà đầu tư bất động sản sử dụng đòn bẩy tài chính gánh lãi còng lưng (Ảnh: Phan Chính)
Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch câu lạc bộ bất động sản Hà Nội cho rằng, nguyên nhân dẫn đến xu hướng giảm giá bán trên thị trường thứ cấp là vì do một số dự án hết chương trình ân hạn nợ gốc, tài trợ lãi của chủ đầu tư hoặc tại các thị trường, phân khúc sản phẩm có tính thanh khoản thấp, hay sản phẩm mang tính chất đầu cơ.
Bên cạnh đó, áp lực từ lạm phát và lãi suất tăng ngày một cao đang ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng chi trả của nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính. Trước những áp lực lớn về lãi vay, một số khách hàng chấp nhận giảm một phần lợi nhuận để bán bất động sản với mức giá thấp hơn kỳ vọng, thậm chí bán lỗ để thu hồi vốn.
Lập kỷ lục, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam lãi vượt 3 ngân hàng quốc doanh cộng lại
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết trong năm 2022, tập đoàn đạt tăng trưởng 3-26% tuỳ lĩnh vực so với 2021, nhiều kỷ lục mới được xác lập sau 61 năm phát triển.
Theo đó, doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn này đạt kỷ lục trong 61 năm phát triển ngành dầu khí, lần lượt 931.200 tỷ đồng (gần 40 tỷ USD) và 82.200 tỷ đồng (khoảng 3,5 tỷ USD).
Không chỉ lập kỷ lục về doanh thu và lợi nhuận trong 61 năm phát triển, lợi nhuận của PVN trong năm 2022 thậm chí còn lớn hơn tổng lợi nhuận 3 ngân hàng quốc doanh là VietinBank, Vietcombank và BIDV cộng lại.
Trước đó, lãnh đạo Ngân hàng BIDV cho biết lợi nhuận trước thuế của riêng ngân hàng mẹ năm vừa qua đã đạt 22.560 tỷ đồng, tăng tới gần 80% so với năm 2021. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 23.190 tỷ, cũng tăng hơn 70%.
Trong đó, Vietcombank cho biết lãi trước thuế riêng lẻ của ngân hàng đã tăng 39% so với năm liền trước, tương đương 36.775 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử hoạt động của ngân hàng.
Cùng với đó, lợi nhuận trước thuế riêng ngân hàng mẹ VietinBank thu về năm vừa qua cũng là 20.500 tỷ, tăng 22%. Nếu so với năm liền trước, mức lãi trước thuế riêng lẻ này đã tăng gần 22%, tương đương mức tăng ròng hơn 3.600 tỷ đồng.
Tính chung bộ ba ngân hàng quốc doanh đã công bố kết quả kinh doanh năm 2022 kể trên, nhóm ngân hàng này đã thu về tổng cộng 79.835 tỷ đồng lãi trước thuế, tương đương gần 3,4 tỷ USD quy đổi theo tỷ giá hiện tại.
Nữ Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước có xuất thân thế nào?
Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã có nữ Chủ tịch đầu tiên khi bà Vũ Thị Chân Phương được bổ nhiệm vào vị trí này từ ngày 9/1/2023.
Theo giới thiệu, bà Vũ Thị Chân Phương sinh năm 1971, có trình độ thạc sĩ kinh tế, lý luận chính trị cao cấp. Bà cũng là nhân sự có nhiều năm gắn bó với ngành chứng khoán Việt Nam, tham gia thị trường ngay từ những ngày đầu xây dựng.
Bà cũng đã trải qua nhiều vị trí công tác tại Ủy ban, từ công tác chuyên môn đến công tác quản lý, lãnh đạo. Trong đó, bà Phương từng công tác tại Thanh tra Ủy ban Chứng khoán từ tháng 9/1998.
Bà Vũ Thị Chân Phương trở thành nữ Chủ tịch Ủy ban chứng khoán đầu tiên của Việt Nam
Đến tháng 7/2001, bà được bổ nhiệm làm Phó trưởng phòng Thanh tra các Trung tâm giao dịch chứng khoán, Sở Giao dịch Chứng khoán (thuộc Thanh tra Ủy ban Chứng khoán). Tháng 4/2007, bà là Phó chánh Thanh tra Ủy ban Chứng khoán, rồi làm Chánh thanh tra từ tháng 12/2010.
Bà Phương được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán từ tháng 7/2016 và nắm giữ vị trí này cho tới khi được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban từ ngày 9/1.
Loạt doanh nghiệp ở TPHCM nợ thuế gần 44.000 tỷ đồng
Cục Thuế TPHCM vừa công bố tình hình doanh nghiệp nợ thuế trong năm 2022. Theo đó, tính đến 30/11/2022, tổng số tiền thuế nợ là 43.918 tỷ đồng, tăng 4.622 tỷ đồng so với cuối năm 2021, nợ khó thu 12.973 tỷ đồng, chiếm 29,5% tổng số nợ thuế.
Một trong những nguyên nhân gây ra tăng nợ thuế ở TPHCM là do có liên quan đến tiền nợ thuế của hai doanh nghiệp bất động sản đang khiếu nại tiền thuê đất, tiền sử dụng đất khu đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm với số tiền lên tới 8.774 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Thế Kỷ 21 nợ 6.098 tỷ đồng, Công ty Thuận Việt nợ 2.676 tỷ đồng.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác ở TPHCM cũng có số nợ thuế lớn như Công ty Golden Hill (quận 1) nợ 645 tỷ đồng, Thảo Cầm viên Sài Gòn (quận 1) nợ 287 tỷ đồng, khách sạn Tân Hoàng Minh (quận 1) nợ 160 tỷ đồng, Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (TP.Thủ Đức) nợ 106 tỷ đồng...
Tính đến cuối tháng 11/2022, Cục Thuế TPHCM đã ban hành 89.900 quyết định cưỡng chế thu nợ thuế, tương ứng 181.376 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, tăng 41% về số quyết định cưỡng chế thuế và tăng 149% về tiền thuế nợ. Cục Thuế TPHCM đã thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế thuế cũng như xử lý, thu hồi 26.075 tỷ đồng.
Người đàn ông này đi lên từ 2 bàn tay trắng và bây giờ có cơ ngơi khiến người ta ấn tượng
Nguồn: [Link nguồn]