Nóng tuần qua: Lãnh đạo Trung Quốc tới Việt Nam để “xử lý” tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Theo thông tin từ Ban Quản lý dự án Đường sắt, Bộ Giao thông vận tải, Phó Tổng Giám đốc Cục 6 đường sắt Trung Quốc đã tới Hà Nội vào ngày 20/11 để giám sát tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông.

Tăng tốc hoàn thiện tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông

Theo Bộ Giao thông vận tải, đây là lãnh đạo cấp cao của Cục 6 đường sắt Trung Quốc, trực tiếp chỉ đạo trong giai đoạn tới để hoàn tất dự án, kịp mốc vận hành toàn hệ thống đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) trong tháng 12 tới. 

Hình ảnh tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông

Hình ảnh tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông

Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án Đường sắt, chuyên gia tư vấn của Pháp cũng đã đến Hà Nội 2 hôm trước và đang thực hiện cách ly. Đây là nhân sự quan trọng, trực tiếp tham gia khâu kiểm định an toàn để vận hành dự án.

“Cho đến nay các nhân sự, chuyên gia Trung Quốc quan trọng gần như đã có mặt đầy đủ tại Việt Nam. Thời gian tới, các tư vấn Pháp và nhân sự Trung Quốc còn lại sẽ tiếp tục sang Việt Nam” - lãnh đạo Ban Đường sắt nói.

Các nhân sự của Tổng thầu đang làm việc tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang tập trung thực hiện công tác khắc phục những chi tiết còn tồn tại được nêu ra trong hồ sơ nghiệm thu các hạng mục thành phần. Trong đó có hoàn thiện hệ thống phòng cháy chữa cháy theo yêu cầu của cơ quan cấp chứng nhận về phòng cháy, chữa cháy, làm hồ sơ hoàn công.

Về kế hoạch vận hành toàn hệ thống dự án, lãnh đạo Ban Đường sắt cho biết sẽ diễn ra vào tháng 12 tới đây. Thời gian thử nghiệm sẽ kéo dài trong 20 ngày. Quá trình vận hành thử hệ thống, trường hợp hạng mục kỹ thuật chưa đạt yêu cầu thiết kế, Ban Quản lý dự án yêu cầu tổng thầu tiếp tục khắc phục.

Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình triển khai Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) hồi cuối tháng 10, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết phấn đấu trong tháng 12, hoàn thành nghiệm thu có điều kiện. Bộ trưởng GTVT cũng cam kết cố gắng tối đa để đưa dự án vào vận hành thương mại trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Lãi suất giảm sâu chưa từng có, Ngân hàng Nhà nước bơm 30.000 tỷ đồng

Ngân hàng Nhà nước vừa bơm ra thị trường khoảng 30.000 tỷ đồng thông qua việc mua ngoại tệ trong bối cảnh lãi suất cho vay đang ở mức thấp chưa từng có, giảm 2,5% so với thời điểm năm 2016.

Ngân hàng Nhà nước vừa bơm ra thị trường khoảng 30.000 tỷ đồng

Ngân hàng Nhà nước vừa bơm ra thị trường khoảng 30.000 tỷ đồng

Kể từ đầu tháng 11 đến nay, các ngân hàng thương mại tiếp tục xu hướng điều chỉnh giảm lãi suất huy động ở các kỳ hạn. Nhiều ngân hàng mạnh tay giảm lãi suất gửi kỳ hạn dài trên 12 tháng về dưới 6%/năm; trong khi các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng ở một số ngân hàng về quanh 3%/năm, thấp hơn nhiều so với trần quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Trong khối ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chi phối, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên điều chỉnh giảm thêm lãi suất tiền gửi ở nhiều kỳ hạn.

Chính phủ đang cho vay lại vốn vay nước ngoài gần 5,4 tỷ USD

Theo Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2019, danh mục cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ bao gồm trên 600 dự án và tổng dư nợ cho vay lại (không bao gồm cho vay chính quyền địa phương) là 124.338 tỷ đồng, tương đương 5,4 tỷ USD.

Đối tượng được vay lại, cấp bảo lãnh là các lĩnh vực có khả năng hoàn vốn cho cơ sở hạ tầng, năng lượng, công nghiệp, phát triển hạ tầng đô thị, cấp nước... và các lĩnh vực đang có chủ trương xã hội hóa như dạy nghề, đào tạo đại học, bệnh viện...

Hiện nay, các nhà tài trợ nước ngoài đã điều chỉnh chính sách hợp tác với Việt Nam theo hướng chuyển dần từ cung cấp ODA sang các khoản vay với điều kiện kém ưu đãi hơn, chi phí huy động vốn một số khoản vay tăng gấp đôi so với trước đây làm gia tăng nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ.

Dự kiến trong 5 năm tới, các khoản vay ODA sẽ giảm dần và kết thúc, điều này dẫn đến thiếu hụt nguồn vốn vay dài hạn, ưu đãi cho đầu tư.

Thay vào đó, Chính phủ sẽ phải huy động các khoản vay mới với điều kiện kém ưu đãi hơn, sát với thị trường để bù đắp thiếu hụt cho cân đối ngân sách, đầu tư công trung hạn, cũng như cho vay lại.

Người Việt vay ngân hàng hơn 65.000 tỷ đồng để mua bất động sản

Ngân hàng Nhà nước cho biết dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản hiện vào khoảng 1,6 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 19% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Trong đó, dư nợ tín dụng phục vụ nhu cầu về nhà ở chiếm tỷ trọng khoảng 62,43% dư nợ tín dụng bất động sản.

Dư nợ tín dụng đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản năm 2019 đạt 521.821 tỷ đồng, đến quý I và quý II tăng lên lần lượt 526.396 tỷ đồng và 580.168 tỷ đồng. Tổng dư nợ toàn ngành cũng tăng từ 8,19 triệu tỷ đồng năm 2019, lên 8,3 triệu tỷ đồng vào quý I và lên 8,49 triệu tỷ đồng vào quý II.

Trong khi tốc độ tăng dư nợ tín dụng đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản năm 2019 đạt 4,36%, giai đoạn quý I chỉ tăng 0,88%. Bộ Xây dựng giải thích quý I là khoảng thời gian đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhất, thị trường bất động sản trầm lắng so với cùng kỳ hàng năm. 

Quý II, dư nợ tín dụng bất động sản có giá trị tăng thêm hơn 53.000 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng 10,21%. “Thị trường bất động sản giai đoạn này bắt đầu có sự cải thiện, nhất là sau khi giãn cách xã hội kết thúc. Các doanh nghiệp dần quay lại trạng thái làm việc bình thường”, Bộ Xây dựng nhìn nhận.

Giao thương giữa Việt Nam – Trung Quốc cán mốc 100 tỷ USD

Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 10, tổng kim ngạch xuất của Việt Nam sang Trung Quốc đạt gần 5,5 tỷ USD. Qua đó, nâng tổng kim ngạch tính từ đầu năm đến hết tháng 10 đạt hơn 37,9 tỷ USD. Hết tháng 10, có 10 nhóm hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. 

Ở chiều ngược lại, trong tháng 10, Việt Nam nhập khẩu lượng hàng hóa từ Trung Quốc đạt kim ngạch hơn 8 tỷ USD. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 10, riêng nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc đạt kim ngạch hơn 65,6 tỷ USD.

Với tổng kim ngạch hơn 103,5 tỷ USD, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và là thị trường đầu tiên cán mốc 100 tỷ USD trong năm nay.

Nguồn: [Link nguồn]

Nóng tuần qua: Bão lũ liên tiếp “cuốn bay” gần 30.000 tỷ đồng của Việt Nam

WB cho biết Việt Nam đã tiếp tục kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 tuy nhiên lại phải hứng chịu một loạt các cơn bão,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thiên Lý ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN