Nóng tuần qua: Lần đầu tiên trong lịch sử, gần 380.000 tài khoản chứng khoán bốc hơi
Số lượng tài khoản chứng khoán giảm chủ yếu đến từ cá nhân.
Gần 380.000 tài khoản bốc hơi trong tháng chứng khoán Việt Nam giảm mạnh nhất thế giới
Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), tổng số tài khoản của nhà đầu tư trong nước tại thời điểm cuối tháng 10 vừa qua chỉ còn hơn 7,4 triệu đơn vị. Con số này thấp hơn 377.973 tài khoản so với thời điểm cuối tháng 9. Số tài khoản giảm trong tháng 10 thậm chí còn lớn hơn tổng lượng tài khoản mở mới 2 tháng trước đó.
Số lượng tài khoản chứng khoán giảm chủ yếu đến từ cá nhân. Trong tháng 10, số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân trong nước đã giảm 378.137 đơn vị, xuống còn 7,38 triệu tài khoản (tương đương 7,4% dân số). Ngược lại, các tổ chức trong nước vẫn mở mới thêm 164 tài khoản, nâng tổng số tài khoản lên 15.885 tài khoản.
Lần đầu tiên số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước giảm
Đây là lần đầu tiên dữ liệu báo cáo về số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước giảm. Sự sụt giảm bất ngờ này diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán cũng biến động không thuận lợi. VN-Index giảm gần 11% qua đó trở thành chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới trong tháng 10.
Tuy nhiên, chưa thể khẳng định rằng nhà đầu tư trong nước đã đóng bớt tài khoản trong tháng 10 vừa qua. Không loại trừ khả năng sự sụt giảm số lượng tài khoản của nhà đầu tư chứng khoán trong nước đến từ hoạt động rà soát của các cơ quan chức năng về dữ liệu người tham gia chứng khoán.
Liên tục giảm lãi suất, ngân hàng đưa mức lãi tiết kiệm xuống thấp kỷ lục
Hàng loạt các ngân hàng quốc dân vừa đồng loạt điều chỉnh lãi suất huy động. Từ ngày 10/11, Vietcombank tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất. Theo đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng giảm 0,2 điểm % xuống còn 2,6%/năm. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng cũng chính thức xuống dưới 3%, niêm yết ở mức 2,9%/năm. Với mức dưới 3%/năm ở các kỳ hạn từ 3 tháng trở xuống và chỉ 5%/năm các kỳ hạn dài, lãi suất của Vietcombank đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay.
Hiện lãi suất Vietcombank cũng thấp nhất trong nhóm Big 4. Các ngân hàng BIDV, VietinBank, Agribank đều đang áp dụng mức lãi suất 5,3%/năm cho khách hàng gửi tiết kiệm tại quầy kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Không chỉ nhóm Ngân hàng Quốc doanh mà hàng loạt ngân hàng tư nhân cũng đã đưa lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng về quanh mốc 5%/năm. Tính từ đầu tháng 11 đến nay đã hơn 10 ngân hàng giảm lãi suất huy động là Vietcombank, ACB, Bắc Á Bank, Bảo Việt Bank, Kiên Long Bank, Nam Á Bank, NCB, SHB, Techcombank, Sacombank, VIB, VietBank, VPBank.
Kinh doanh ế ẩm, loạt chủ shop trả mặt bằng
Bộ Xây dựng cũng cho biết, nhu cầu thuê mặt bằng kinh doanh trong quý III/2023 so với cùng kỳ năm 2022 tại các trung tâm thương mại cơ bản ổn định. Tuy nhiên, nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ nhà phố có xu hướng giảm, xuất hiện nhiều trở lại hiện tượng trả lại mặt bằng cho thuê đối với loại hình mặt bằng bán lẻ nhà phố ngay tại các vị trí trung tâm của các thành phố lớn. Theo đó, tại Hà Nội, mặt bằng trống khi nhiều cửa hàng đóng cửa kinh doanh, treo biển cho thuê mặt bằng xuất hiện nhiều tại phố Hàng Ngang, Hàng Bạc, Cầu Giấy,... Nguyên nhân là do tình hình kinh doanh ảm đạm và giá thuê nhà phố vẫn cao "quá sức chịu đựng" của khách hàng.
Chủ các shop thời trang ế ấm, tỏ ra lo lắng trước chi phí thuê mặt bằng phải trả hàng tháng
Còn theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, thị trường mặt bằng cho thuê nhà phố bắt đầu có hiện tượng “ế” xuất hiện từ quý II/2023, đặc biệt là ở các căn nhà phố riêng lẻ tại Hà Nội và TP.HCM. Nguyên nhân bởi việc các doanh nghiệp thu hẹp dần quy mô, nguy cơ “dư cung” tạm thời rất dễ xảy ra với phân khúc bất động sản văn phòng, bán lẻ cho thuê.
Góp ý thêm về thực trạng này, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội nhận định, những tháng vừa qua, nhiều hộ kinh doanh, thương hiệu, nhãn hàng đã phải trả mặt bằng, tháo chạy khỏi các tuyến phố lớn. Nguyên nhân bởi ngành bất động sản ảm đạm, đóng băng đã tác động lớn đến sức mua sắm của nhiều cửa hàng dịch vụ, toàn bộ nền kinh tế khi tiêu dùng giảm rõ rệt.
Lãnh đạo bị kỷ luật, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang kinh doanh ra sao?
Cùng với việc lãnh đạo bị kỷ luật do vi phạm cung ứng điện, kết quả kinh doanh của EVN cũng không mấy khả quan trong năm 2023. Theo báo cáo về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển doanh nghiệp Nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế 8 tháng đầu năm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ước doanh thu hợp nhất đạt 250.000 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dự kiến, lỗ phát sinh của EVN trong cả năm 2023 sẽ khoảng 37.062 tỷ đồng, tăng mạnh so với số lỗ năm 2022. Theo báo cáo kiểm toán năm 2022, số lỗ sau thuế hợp nhất năm ngoái của tập đoàn là 20.747 tỷ đồng, trong khi năm 2021 lãi sau thuế 14.725 tỷ đồng.
Trước đó, báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2023 của EVN cho thấy doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ nửa đầu năm của EVN ghi nhận 229.880 tỷ đồng, tăng nhẹ so với con số của cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, kinh doanh dưới giá vốn khiến tập đoàn này lỗ gộp gần 15,2 tỷ đồng, trong khi năm ngoái chỉ lỗ 4,2 tỷ đồng.
Nguồn: [Link nguồn]
Năm 2022 là năm thứ hai nơi này có giá cả sinh hoạt đắt đỏ nhất Việt Nam.