Nóng tuần qua: Làm những công việc này có nguy cơ mất việc trong thời gian tới
Các ngành như chăm sóc sức khoẻ, công nghệ và vận tải là những lĩnh vực tiềm năng trong tương lai.
Ngành nghề nào sẽ cắt giảm nhân sự nhiều nhất thời gian tới?
Gần 12 triệu người Mỹ đang làm những công việc có nguy cơ bị cắt giảm nhân sự vào năm 2030. Đó là số liệu nghiên cứu mới nhất của Viện Nghiên cứu Toàn cầu McKinsey. Các chuyên gia đánh giá sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), dân số già và thương mại điện tử là những yếu tố ảnh hưởng đến việc làm tại Mỹ trong những năm tới.
Từ giờ đến năm 2030, các nhà nghiên cứu của McKinsey dự đoán rằng 11,8 triệu công nhân sẽ phải tìm công việc mới, không phải vì họ muốn thay đổi mà họ buộc phải làm như vậy.
Chuyên gia Michael Chui tại Viện McKinsey là người chuyên nghiên cứu tác động của công nghệ mới đối với doanh nghiệp. Ông cho biết 75% sự sụt giảm việc làm dự kiến tập trung vào bốn ngành nghề: trợ lý văn phòng, chăm sóc khách hàng – bán hàng, dịch vụ ăn uống và sản xuất.
Những công nhân thu nhập thấp có thể là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất từ những thay đổi này. Nghiên cứu chỉ ra rằng vào năm 2030, người Mỹ thu nhập thấp có khả năng phải thay đổi công việc cao gấp 14 lần so với những người khác. Đồng thời, nghiên cứu cũng cho thấy các ngành như chăm sóc sức khoẻ, công nghệ và vận tải là những lĩnh vực tiềm năng trong tương lai.
Ông Chui chỉ ra yếu tố chính đang thúc đẩy sự thay đổi về nhu cầu lực lượng lao động. Đầu tiên là tự động hoá trong công việc được thúc đẩy bởi sự phát triển của AI như ChatGPT. Nghiên cứu cho thấy tới 30% số giờ làm việc hiện tại ở Mỹ có thể tự động hoá vào năm 2030.
Yếu tố thứ hai là sự gia tăng không ngừng của mua sắm trực tuyến. Do sự bùng nổ của thương mại điện tử, các nhà nghiên cứu dự đoán lĩnh vực dịch vụ vận tải sẽ có mức tăng trưởng việc làm 9% vào năm 2030.
Cơ quan thuế lên tiếng về bất thường công ty yến sào xuất hóa đơn 34.000 tỷ
Liên quan đến việc Công ty TNHH Yến Sào Hubnest xuất 6 hóa đơn hơn 34.000 tỷ đồng trong 7 ngày, Công ty CP Chứng khoán TPHCM (mã chứng khoán: HCM) cho thấy, ngày 18/10/2022, Yến Sào Hubnest đã mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại HCM. Tài khoản này được đóng vào ngày 16/6/2023.
Cục Thuế TPHCM nhận thấy, việc Yến Sào Hubnest lập 6 hóa đơn điện tử nêu trên là phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ.
Do đặc điểm của hoạt động mua bán chứng khoán phái sinh thông qua sàn giao dịch chứng khoán nhưng bên mua và bên bán không có thông tin với nhau, nên khi lập 6 hóa đơn điện tử này, Công ty TNHH Yến Sào Hubnest đã ghi trên hóa đơn là là khách hàng không lấy hóa đơn và không ghi mã số thuế người mua.
Công ty đã lập và nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng của kỳ tính thuế quý I/2023, nên đã khai doanh thu chuyển nhượng chứng khoán phái sinh thuộc doanh thu hàng hóa, dịch vụ bán ra không chịu thuế giá trị gia tăng là phù hợp quy định tại khoản 8 Điều 5 Luật thuế Giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 ngày 3/6/2008 được sửa đổi, bổ sung.
Lãnh đạo Cục Thuế TPHCM cho biết thêm, dù Yến Sào Hubnest không vi phạm trong vụ xuất 6 hóa đơn, nhưng do việc kê khai chuyển chứng khoán phái sinh có trị giá rất lớn nên Cục Thuế TPHCM đã yêu cầu Chi cục Thuế quận Bình Thạnh đưa doanh nghiệp vào diện giám sát chặt chẽ, thường xuyên.
Giá bất động sản giảm ở nhiều phân khúc
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ, trong quý II/2023, nguồn cung nhà ở, bất động sản vẫn hạn chế. Chỉ có 7 dự án hoàn thành với 2.424 căn (852 căn hộ, 1.572 căn nhà ở riêng lẻ). Số lượng dự án chỉ bằng khoảng 50% so với quý I/2023, và bằng khoảng 29.17% so với quý II/2022. Ngoài ra, có 986 dự án đang triển khai xây dựng với 413.539 căn. Trong đó, khu vực miền Bắc có 415 dự án với 176.317 căn hộ, 115.622 căn nhà ở riêng lẻ. Khu vực miền Trung có 372 dự án với 13.822 căn hộ và 75.770 căn nhà ở riêng lẻ. Khu vực miền Nam có 197 dự án với 2.170 căn hộ và 29.804 căn nhà ở riêng lẻ. Số lượng dự án bằng khoảng 90.38% so với quý II/2022.
Nguồn cung bất động sản giảm, trong khi giá bán cũng đồng loạt giảm ở nhiều phân khúc.
Về giá giao dịch bất động sản, trong quý II/ 2023 giá giao dịch chung cư mới ở một số thành phố lớn như Hà Nội và Hồ Chí Minh được đánh giá là có những khu vực tăng dù thị trường bất động sản đang có dấu hiệu chững lại. Đối với giá bán bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục có xu hướng giảm, tuy nhiên mức độ giảm không nhiều như thời điểm cuối năm trước do các chi phí vốn hiện nay vẫn ở mức cao. Đối giá bán của phân khúc biệt thự, đất nền dự án ở nhiều địa phương trong quý tiếp tục có xu hướng giảm khoảng 2% đến 5% so với quý trước (cá biệt có dự án sản phẩm liền kề shophouse của dựng án được rao bán giảm khoảng 10-15% so với giá gốc).
Mỗi tháng có 16.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, văn phòng cho thuê ế khách
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính chung 7 tháng đầu năm 2023, số DN rút lui khỏi thị trường vẫn tăng mạnh. Trong đó, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 66.800 DN, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước; 36.000 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 27,9%; 10.400 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 0,6%. Bình quân một tháng có 16.200 DN rút lui khỏi thị trường.
Đáng chú ý, tại Hà Nội, chỉ trong nửa đầu năm đã có 16.900 DN tạm dừng hoạt động hoặc giải thể, tăng 29%/năm và đạt mức cao kỷ lục. Số DN gia nhập thị trường và tiếp tục hoạt động kinh doanh cũng lần đầu tiên sụt giảm kể từ đầu năm 2020.
Cùng đó, nhiều DN phải đối mặt với khó khăn về tài chính. Điều này đã tác động không nhỏ tới công suất thuê văn phòng tại địa bàn Thủ đô. Riêng 2 quý vừa qua, diện tích cho thuê thêm đã giảm tới 33.400m2 so với cùng kỳ; trong đó, phân khúc hạng B có mức giảm nhiều nhất là 26.500 m2.
Theo Savills Việt Nam, từ đầu năm đến nay, bối cảnh kinh tế không thuận lợi đã tác động tiêu cực tới hoạt động cho thuê văn phòng tại Hà Nội. Các DN phải cân đối lại ngân sách thuê, thậm chí trả mặt bằng trước thời hạn.
Nguồn: [Link nguồn]
Trước đây, tỉnh này thuần nông bây giờ phát triển mạnh mẽ, trong nhóm hàng đầu về kinh tế.