Nóng tuần qua: Lãi suất tiết kiệm lại được điều chỉnh mạnh tại nhiều ngân hàng
Ngay sau kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài, nhiều ngân hàng trong nước đã công bố biểu lãi suất tiết kiệm mới với xu hướng giảm mạnh ở nhiều kỳ hạn.
Loạt ngân hàng điều chỉnh mạnh lãi suất tiết kiệm sau kỳ nghỉ lễ
Cụ thể, Nam Á Bank đã công bố mức giảm lãi suất tiết kiệm từ 0,1 - 0,2 điểm % tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên từ ngày 4/5.
Theo biểu lãi suất mới công bố, lãi tiết kiệm cao nhất của Nam Á Bank là 8,6%/năm được áp dụng ở kỳ hạn 6 và 7 tháng. Với kỳ hạn 6 và 12 tháng, khách hàng được hưởng lãi tiết kiệm 8,5%/năm. Với các kỳ hạn dài từ 15 tháng trở lên, lãi tiết kiệm còn 8,4%/năm.
Tại ngân hàng Saigonbank, ngoài kỳ hạn 13 tháng, lãi tiết kiệm cũng đã được ngân hàng này giảm 0,3 điểm % ở tất cả các kỳ hạn từ 6 trở lên.
Lãi suất huy động tiếp tục giảm mạnh tại nhiều ngân hàng
Ngân hàng Bắc Á cũng giảm mạnh lãi tiết kiệm ở nhiều kỳ hạn từ ngày 4/5. Theo đó, biểu lãi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng giảm mạnh chỉ còn 7,9%/năm, kỳ hạn 12 tháng lãi tiết kiệm giảm chỉ còn 8,1%/năm. Lãi tiết kiệm cao nhất của ngân hàng này chỉ còn 8,4%/năm áp dụng cho kỳ hạn từ 18 tháng trở lên.
Mức lãi suất cao nhất đang được các ngân hàng niêm yết cho kỳ hạn 12 tháng là 8,8%/năm, được áp dụng tại ABBank và OCB.
Dù các ngân hàng liên tục điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm thời gian qua nhưng theo các chuyên gia kinh tế mặt bằng lãi suất huy động và cho vay được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới do cầu tín dụng yếu và định hướng điều hành của NHNN.
Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm mức thu 35 khoản phí, lệ phí
Bộ Tài chính thông tin, bộ này vừa có công văn số 4296/BTC-CST gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về việc rà soát đề xuất giảm phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Theo Bộ Tài chính, thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 8/4/2023 của Chính phủ tại hội nghị Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Bộ Tài chính đã có công văn số 3610/BTC-CST báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án miễn, giảm thuế, phí, lệ phí năm 2023.
Để tiếp tục hỗ trợ cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân trong năm 2023, Bộ đề xuất tiếp tục thực hiện việc giảm các khoản phí, lệ phí trong năm 2023. Cụ thể, tiếp tục giảm mức thu khoảng 35 khoản phí, lệ phí. Thời gian áp dụng từ 1/7/2023 đến hết 31/12/2023.
Trước đó, ngày 17/4/2023, Văn phòng Chính phủ có công văn số 2614/VPCP-KTTH về phương án miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cho năm 2023. Trong đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giao: "Bộ Tài chính chủ động thực hiện việc xây dựng văn bản quy định về giảm các khoản thu phí, lệ phí theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm cả việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với thông tư của Bộ Tài chính".
Chi hơn 15.000 tỷ đồng tăng lương hưu từ ngày 1/7
Bộ LĐ-TB&XH đã gửi lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương và người dân về phương án điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng từ ngày 1/7 tới (cùng thời điểm tăng lương cơ sở).
Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất, từ ngày 1/7 tới, tăng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng thêm 12,5% với nhóm đã được điều chỉnh tăng từ năm 2022. Tăng thêm 20,8% với người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng nhưng chưa được điều chỉnh tăng từ ngày 1/1/2022 (người nghỉ hưu sau ngày 1/1/2022).
Bộ LĐ-TB&XH tính toán, có khoảng 3,4 triệu người được điều chỉnh tăng lương hưu theo phương án trên. Trong đó, có hơn 1 triệu người tăng lương do ngân sách nhà nước đảm bảo, với tổng số tiền dự kiến thêm khoảng gần 2.900 tỷ đồng cho chi trả 6 tháng cuối năm.
Quỹ BHXH dự kiến chi trả cho hơn 2,36 triệu người, với tổng số tiền tăng thêm khoảng hơn 11.700 tỷ đồng cho nửa cuối năm nay (tính từ ngày 1/7 tới hết năm).
Sau điều chỉnh, lương hưu bình quân của người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH do ngân sách đảm bảo sẽ tăng từ 4,6 triệu/người/tháng lên 5,2 triệu đồng/người/tháng; lương hưu bình quân nhóm từ quỹ BHXH chi trả tăng từ 5,6 triệu đồng/người/tháng lên 6,3 triệu đồng/người/tháng.
Khách mua nhà “choáng” vì căn hộ tập thể cũ có giá cả trăm triệu đồng/m2
Trong bối cảnh quỹ đất tại khu vực trung tâm gần như cạn kiệt, nên nhà ở tại nơi đây ngày càng trở nên có giá. Trên nhiều trang thông tin về nhà đất, các căn chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội đang được rao bán rất sôi động. Nhiều căn hộ, nhà tập thể cũ đang được rao bán có diện tích từ 30 - 70m², trong đó nhiều căn được chủ chia nhỏ, cơi nới tự phát, hoặc không có pháp lý,... Những căn nhà tại khu tập thể dù đã có tuổi vài chục năm đến nay cũng có giá lên tới 60 - 70 triệu đồng/m2, thậm chí còn lên tới 100 triệu đồng/m2.
Nhu cầu tăng cao nên giá các căn tập thể cũ cũng tăng đột biến
Được biết, không chỉ các căn hộ tập thể cũ ở khu vực nội đô, nhiều chung cư cũ ở các quận ngoại thành cũng đang có chiều hướng tăng giá. Anh Thi - một môi giới khu Hà Đông - cho biết, giá rao bán đều tăng ở mức khoảng 5 - 10% tùy từng dự án.
Theo lý giải của các chuyên gia, nguồn cung căn hộ thấp, đi kèm với đó là chất lượng phát triển cải thiện, cơ sở hạ tầng nâng cấp cùng với việc giá thép tăng gần đây đã dẫn đến giá bán căn hộ sơ cấp liên tục tăng. Điều này dẫn đến việc tăng giá các căn hộ cũ khi người mua không có nhiều lựa chọn cho các dự án mới.
Hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ giàu nhất nằm ở châu Âu và Bắc Mỹ (cũng là hai lục địa giàu nhất thế giới).
Nguồn: [Link nguồn]