Nóng tuần qua: Khối tài sản của người giàu nhất Việt Nam là bao nhiêu?
Trong số những tỷ phú USD Việt Nam, ông Phạm Nhật Vượng vẫn giữ vị trí dẫn đầu
Bất ngờ với số người siêu giàu có tài sản trên 700 tỷ đồng tại Việt Nam
Để được xếp vào nhóm người siêu giàu, mỗi cá nhân phải sở hữu khối tài sản từ 30 triệu USD trở lên, tương đương từ hơn 704 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại, bao gồm cả bất động sản mà cá nhân đang cư trú. Theo bản Báo cáo Thịnh vượng của Knight Frank, số lượng người siêu giàu (UHNWI) tại Việt Nam đã tăng gần gấp đôi trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến 2022.
Cụ thể, từ 583 người siêu giàu năm 2017, số lượng người siêu giàu Việt Nam đã tăng lên 1.059 người năm ngoái, tương đương tăng 82%, tỷ lệ tăng thêm mỗi năm là 16,4%. Knight Frank dự báo đến năm 2027, con số này sẽ gần chạm mốc 1.300, thêm 22% so với hiện tại và tương đương mức tăng 122% trong 10 năm.
Việt Nam đang có 6 tỷ phú USD theo bảng xếp hạng của Forbes
Theo danh sách tỷ phú thế giới năm 2023 do Forbes vừa công bố hồi tháng 4, Việt Nam có 6 tỷ phú USD trong danh sách người giàu nhất thế giới, giảm 1 người so với năm 2022. Trong số những tỷ phú USD Việt Nam, ông Phạm Nhật Vượng vẫn giữ vị trí dẫn đầu khi sở hữu khối tài sản ròng có giá trị 4,6 tỷ USD, đồng thời cũng là người giàu thứ 586 trên thế giới. Dù vậy, tài sản của ông Vượng đã giảm mạnh so với ước tính của Forbes vào đầu năm 2022 với 6,2 tỷ USD.
Xuất hiện loạt thông tin BĐS giảm giá 50%: “Giờ chỉ mong có khách, giảm hơn tôi cũng bán”
Theo khảo sát, thị trường BĐS tính đến thời điểm hiện tại nhiều nhà đầu tư vẫn chưa thoát khỏi áp lực lãi suất tăng cao, dòng tiền đầu tư sụt giảm... Thanh khoản khó khăn, nhiều nhà đầu tư cá nhân chọn bán tháo tài sản nhằm giảm gánh nặng nợ lãi ngân hàng và cơ cấu lại dòng vốn.
Trên nhiều trang rao bán nhà đất, hội nhóm BĐS từ mạng xã hội hay những group môi giới địa ốc, liên tục xuất hiện các thông tin rao bán gấp BĐS với giá thấp. Trong số đó, các loại hình BĐS như: nhà vườn, đất nền, liền kề, biệt thự… xuất hiện dày đặc thông tin bán giảm giá tới 50%.
Khẳng định việc cắt lỗ 50% vẫn không ra được hàng là chuyện bình thường của thị trường lúc này, anh Tùng - (môi giới BĐS hơn 10 năm kinh nghiệm) lý giải, khi dòng tiền không còn dễ dãi, thì nó sẽ không dễ chảy vào các phân khúc rủi ro, không tiềm năng. Điều này đồng nghĩa, đà giảm giá của nhóm BĐS đầu cơ sẽ còn tiếp diễn…
Không chỉ với hàng loạt thông tin đất nhà vườn các tỉnh phía Nam giảm giá mạnh, mà thời gian gần đây, theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, tại khu vực Trung du Miền núi Bắc bộ cũng xuất hiện hàng loạt nhà đầu tư bán cắt lỗ các sản phẩm là đất nền, biệt thự/liền kề/nhà phố, cao nhất lên tới 50% do áp lực tài chính khi sử dụng hết gói vay ưu đãi từ chủ đầu tư.
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc, thanh tra toàn diện bảo hiểm nhân thọ
Sáng 31/5, phát biểu tại phiên thảo luận các vấn đề kinh tế - xã hội, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp - nêu bức xúc của người dân trong vấn đề bảo hiểm nhân thọ.
Bà Thủy khẳng định, bản chất của bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm mang tính nhân văn cao, giúp hỗ trợ con người, giảm thiểu mất mát, thiệt hại do ốm đau bệnh tật.
Tuy nhiên, theo đại biểu, thời gian qua, dư luận không khỏi nghi ngại qua hàng loạt vụ việc vừa qua. Nhiều người đã kiểm tra hợp đồng, mang hợp đồng tới công ty bảo hiểm để kiểm tra nhưng nhận được thông tin hoàn toàn khác với thông tin được tư vấn viên đã tư vấn.
ĐBQH Nguyễn Thị Thủy - đoàn Bắc Kạn.
ĐBQH kiến nghị Bộ Tài chính thanh tra toàn diện hoạt động bảo hiểm nhân thọ, trong đó tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư.
Thứ hai, kiến nghị Bộ Công an từ các đơn tố cáo, phản ánh vừa qua xác minh làm rõ có hay không có dấu hiệu lừa đảo, lừa dối khách hàng, nếu có đề nghị khởi tố điều tra.
Thứ ba, kiến nghị các công ty bảo hiểm đã đến lúc rà soát lại toàn bộ các khâu của hợp đồng bảo hiểm, từ thiết kế hợp đồng, tư vấn, ký kết và giải quyết khiếu nại.
Metro Nhổn - ga Hà Nội 'đội' vốn gần 2.000 tỷ đồng, năm 2027 mới xong
Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường sắt đô thị (metro) thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội trong đó thời gian thi công dự án kéo dài đến năm 2027, số vốn tăng trên 87%.
Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội; điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ năm 2009 đến năm 2027.
Thủ tướng điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên 34.826 tỷ đồng, tăng thêm 1.916 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng ngân sách thành phố Hà Nội tăng 3.895,93 tỷ đồng và vốn vay ODA giảm 1.979,93 tỷ đồng.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục điều chỉnh các hiệp định vay vốn với các nhà tài trợ dự án.
Dự án Metro Nhổn - ga Hà Nội được thành phố Hà Nội (đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội - MRB) khởi công 9/2010.
Tuyến đường này có chi phí đầu tư xây dựng hàng tỷ USD và rất hoành tráng sau khi hoàn thành.
Nguồn: [Link nguồn]