Nóng tuần qua: Học các nước đỗ xe theo ngày chẵn - lẻ, Hà Nội thu được bao nhiêu tiền phạt?
Từ đầu năm 2019 đến nay, TP. Hà Nội đã xử lý hơn 240 trường hợp vi phạm đỗ xe theo ngày chẵn - lẻ, số tiền xử phạt hơn 152 triệu đồng.
Xử phạt trên 240 phương tiện vi phạm đỗ xe theo ngày chẵn - lẻ
Sở Giao thông vận tải Hà Nội, từ năm 2017, Hà Nội bắt đầu triển khai thí điểm đỗ xe theo ngày chẵn - lẻ tại các tuyến phố gồm: Dã Tượng, Nguyễn Gia Thiều (quận Hoàn Kiếm); Nguyễn Bỉnh Khiêm, Thi Sách, Hàn Thuyên (quận Hai Bà Trưng).
Sau hơn 2 năm triển khai, mô hình tuyến phố đỗ xe theo ngày chẵn, ngày lẻ (ngày chẵn đỗ xe bên dãy số nhà chẵn, ngày lẻ đỗ xe bên dãy số nhà lẻ) trên địa bàn Hà Nội đã góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông, ý thức của các chủ phương tiện, người tham gia giao thông được nâng cao.
Hà Nội sẽ tổ chức nghiêm việc đỗ xe theo ngày chẵn - lẻ.
Từ đầu năm 2019 đến nay, Thanh tra Sở đã kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với hơn 240 xe ôtô dừng, đỗ trái quy định ngày chẵn - lẻ. Tổng số tiền xử phạt hơn 152 triệu đồng.
Để chấn chỉnh tình trạng này, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các cơ quan, tổ chức và nhân dân hai bên mặt phố chấp hành nghiêm việc đỗ xe theo ngày chẵn - lẻ.
Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng yêu cầu Công ty TNHH một thành viên Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội đôn đốc, chấn chỉnh đội ngũ nhân viên tổ chức sắp xếp các phương tiện ô tô dừng, đỗ gọn gàng, bảo đảm mỹ quan.
Vốn điều lệ 115 tỷ đồng, Rạng Đông lên kế hoạch đầu tư nhà máy công nghệ cao 2.500 tỷ đồng
HĐQT CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (mã RAL) vừa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tại Khu công nghiệp Công nghệ cao 2, Khu công nghệ cao Hòa Lạc, huyện Thạch Thất, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội với tổng mức đầu tư dự án khoảng 2.500 tỷ đồng.
Dự án nhà máy nghiên cứu, sản xuất, thương mại hóa sản phẩm - hệ thống và giải pháp chiếu sáng LED I 4.0 (LED hệ sinh thái số) và sản phẩm điện tử công nghệ cao.
Rạng Đông dự kiến sẽ sử dụng nguồn vốn tự có và vốn vay tín dụng thương mại.
Tính đến 30/9, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này đạt 870 tỷ đồng. Đòn bẩy tài chính đang được công ty tận dụng khá triệt để với hệ số nợ phải trả/ vốn chủ sở hữu đạt 2,28 lần. Các khoản nợ chính của Rạng Đông là vay ngắn hạn để bổ sung vốn lưu động với dư nợ đến cuối quý III là 1.374 tỷ đồng.
Từ năm 2007 đến nay, vốn điều lệ của Rạng Đông vẫn duy trì vỏn vẹn tại mức 115 tỷ đồng. Công đoàn doanh nghiệp hiện là cổ đông lớn nhất sở hữu gần 43% vốn doanh nghiệp này. Dù giá cổ phiếu trên thị trường khá cao (71.900 đồng/cổ phiếu), vốn hóa thị trường của Rạng Đông chỉ ở mức khiêm tốn (830 tỷ đồng).
Quy mô vốn nhỏ nhưng Rạng Đông vẫn thu về gần 161 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2019 và là doanh nghiệp có thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu thuộc nhóm cao nhất trên thị trường.
Hà Nội chính thức thí điểm mô hình chính quyền đô thị từ giữa năm 2021
Quốc hội vừa thông qua nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội với 392/447 vị tán thành, 39 đại biểu không nhất trí và 16 vị không biểu quyết.
Theo mô hình này, chính quyền địa phương ở thành phố Hà Nội, huyện, quận, thị xã, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm có hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân. Chính quyền địa phương ở các phường thuộc quận, thị xã tại thành phố Hà Nội là ủy ban nhân dân phường.
Theo đó, Ủy ban nhân dân phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của ủy ban nhân dân, chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, ủy ban nhân dân, chủ tịch ủy ban nhân dân quận, thị xã.
Như vậy, theo nghị quyết này thì từ giữa năm 2021, thành phố Hà Nội sẽ không tổ chức hội đồng nhân dân cấp phường. Khi đó, hội đồng nhân dân quận, thị xã có thêm nhiệm vụ, quyền hạn: quyết định, phân bổ, điều chỉnh dự toán thu, chi ngân sách; phê chuẩn quyết toán thu, chi ngân sách quận, thị xã, trong đó bao gồm ngân sách của các phường trực thuộc, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
TP.HCM "bơm" thêm 10 tỷ đồng cho người dân vay mua nhà xã hội
UBND TP phê duyệt phân bổ chỉ tiêu kế hoạch tín dụng năm 2019 của chương trình cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở cho các quận, huyện với số tiền là 10 tỷ đồng.
Trong đó, quận 3 là 1,1 tỷ đồng, quận 5 là 200 triệu đồng, quận 7 là 800 triệu đồng, quận 8 là 400 triệu đồng, quận 10 là 1 tỷ đồng, quận 12 là 2 tỷ đồng, quận Tân Bình là 500 triệu đồng, quận Bình Thạnh là 1 tỷ đồng, quận Bình Tân là 1 tỷ đồng, huyện Hóc Môn là 1 tỷ đồng, huyện Bình Chánh là 300 triệu đồng, huyện Nhà Bè là 700 triệu đồng.
Thêm 10 tỷ đồng cho người dân vay mua nhà xã hội tại TP HCM.
UBND TP giao Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội quận, huyện trình Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội quận, huyện phân bổ chỉ tiêu kế hoạch tín dụng năm 2019 được phân bổ tại quyết định này cho các phường, xã, thị trấn để triển khai thực hiện theo quy định.
Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP chịu trách nhiệm triển khai phân bổ và cân đối vốn; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra giám sát các Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội quận, huyện trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, đảm bảo việc sử dụng vốn trên địa bàn đạt hiệu quả.
Việt Nam đặt mục tiêu dân số 104 triệu người vào năm 2030
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt mục tiêu tổng quát của Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030. Theo đó, Chiến lược đề ra mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng; duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), quy mô dân số 104 triệu người; giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; 50% số tỉnh đạt mức sinh thay thế; mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại, phòng tránh vô sinh và hỗ trợ sinh sản; giảm 2/3 số vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn.
Chiến lược cũng đặt ra vấn đề bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc thiểu số có dưới 10 nghìn người, đặc biệt là những dân tộc thiểu số rất ít người có nguy cơ suy giảm giống nòi: duy trì tỉ lệ tăng dân số của các dân tộc thiếu số dưới 10 nghìn người cao hơn mức bình quân chung cả nước; cơ bản ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số; bảo đảm tốc độ tăng các chỉ tiêu phản ánh chất lượng dân số của các dân tộc thiếu số dưới 10 nghìn người cao hơn mức tăng bình quân chung cả nước.
Đặc biệt, chiến lược đề cao mục tiêu đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, phấn đấu duy trì cơ cấu tuổi ở mức hợp lý. Tỉ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống; tỉ lệ trẻ em dưới 15 tuổi đạt khoảng 22%, tỉ lệ người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên đạt khoảng 11%, tỉ lệ phụ thuộc chung đạt khoảng 49%.
Tình hình giao thông tại một số tuyến phố sẽ thay đổi khi Hà Nội thi công đường đua F1.
Nguồn: [Link nguồn]