Nóng tuần qua: Chống dịch Covid-19, trốn cách ly có thể bị xử lý hình sự
Đối với các trường hợp không thực hiện hoặc trốn cách ly, UBND thành phố xử phạt theo quy định.
Hàng không Việt hủy chuyến mùa dịch, khách có được hoàn tiền?
Trong hoàn cảnh nhiều chuyến bay mùa dịch Covid-19 bị hủy, các hãng hàng không Việt Nam đang có những hình thức hỗ trợ khác nhau cho hành khách đã mua vé. Cụ thể, Vietnam Airlines sẽ thực hiện hoàn toàn bộ tiền vé cho hành khách vào hình thức thanh toán ban đầu trong vòng 90 ngày. Hành khách cũng có thể nhận ngay bồi hoàn mà không cần chờ 90 ngày dưới dạng voucher có giá trị tương đương số tiền bồi hoàn.
Voucher này hành khách có thể sử dụng để thanh toán các dịch vụ của hãng như mua vé máy bay, mua hành lý ký gửi và có thời hạn sử dụng 1 năm từ ngày nhận voucher.
Hãng này cũng áp dụng miễn lệ phí đổi hành trình hoặc đổi ngày bay cho hành khách trên nhiều chặng bay nội địa và quốc tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Trong khi đó, Jetstar Pacific cho phép hủy đặt chỗ và hoàn tiền dưới hình thức voucher cho tất cả chuyến bay mới và sẵn có khởi hành từ 15/3 tới 31/5. Voucher có giá trị tương đương số tiền bồi hoàn có giá trị trong vòng 6 tháng từ ngày xuất voucher, sử dụng cho hành trình khởi hành trong vòng 12 tháng kể từ ngày đặt chỗ. Hãng không thực hiện bồi hoàn dưới dạng tiền mặt.
Vietjet Air cũng cho biết hành khách trên các chuyến bay chịu ảnh hưởng do thay đổi kế hoạch khai thác trong giai đoạn dịch sẽ được đổi vé miễn phí, để bay cùng chặng với thời gian khởi hành sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát. Hành khách được hỗ trợ theo chính sách dịch vụ của hãng.
Có thể xử lý hình sự các trường hợp không thực hiện hoặc trốn cách ly
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã khuyến cáo người thân, người nhà của người đang thực hiện cách ly tập trung không gửi quà tại các cơ sở cách ly tập trung của thành phố; yêu cầu lực lượng chức năng xử lý theo quy định các trường hợp không tuân thủ.
Đối với các trường hợp không thực hiện hoặc trốn cách ly, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu xử phạt ở mức cao nhất theo quy định.
Điều 10 của nghị định 176/2013 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, mức phạt có thể lên đến 10 triệu đồng. Cụ thể:
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo khoản 3 của điều luật nêu trên.
Ngoài ra, hành vi không khai báo, trốn khỏi nơi cách ly… còn có thể xử lý về hình sự theo Điều 315 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác.
Theo đó, tùy theo mức độ gây thiệt hại mà có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 10 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu xử phạt ở mức cao nhất theo quy định với người trốn cách ly.
UBND thành phố cũng yêu cầu tất cả các cửa hàng dịch vụ không cần thiết, quán bar, nhà hàng, cơ sở tập gym, thể dục thể thao, thể hình... trên địa bàn đều phải đóng cửa, trước mắt đến ngày 5/4/2020. Đồng thời, chỉ lưu thông 20% xe buýt phục vụ giao thông công cộng và khuyến cáo người dân không nên sử dụng phương tiện công cộng tại thời điểm hiện nay.
Thành phố cũng đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo Bệnh viện Bạch Mai lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ nhân viên và thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để những người bệnh, người nhà người bệnh đã khám, điều trị tại đây từ ngày 12/3/2020 đến nay đến các cơ sở y tế gần nhất khai báo sức khỏe y tế và lấy mẫu xét nghiệm ngay để sàng lọc, cách ly.
Ngành du lịch, dịch vụ ăn uống "bay" hơn 16.600 tỷ đồng vì Covid-19
Hết tháng 3, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước tính đạt 126.200 tỷ đồng, giảm hơn 13.440 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, ước giảm 9,6% doanh thu.
Ngành du lịch, lữ hành có doanh thu giảm mạnh nhất, quý 1 chỉ đạt 7.800 tỷ đồng, giảm 3.141 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, mức giảm hơn 27,8%.
Tổng doanh thu của ngành du lịch, lữ hành, dịch vụ ăn uống bị suy giảm gần 16.600 tỷ đồng chỉ trong 3 tháng đầu năm diễn ra dịch bệnh Covid-19, tương đương mỗi tháng, các doanh nghiệp nhóm ngành này mất doanh thu hơn 5.500 tỷ đồng, mỗi ngày mất khoảng 184 tỷ đồng.
Tổng doanh thu của ngành du lịch, lữ hành, dịch vụ ăn uống bị suy giảm gần 16.600 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, hoạt động thương mại, dịch vụ trong 3 tháng đầu năm 2020 diễn ra kém sôi động do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Người tiêu dùng hạn chế mua sắm nơi công cộng, đi du lịch và ăn uống ngoài gia đình. Số lượng khách quốc tế đến nước ta trong quý 1/2020 giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giảm ở hầu hết các thị trường, mức giảm mạnh nhất tập trung ở các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ.
Cảnh báo lừa đảo bán thiết bị siêu tiết kiệm điện
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa phát đi cảnh báo về quảng cáo không đúng sự thật về “thiết bị tiết kiệm điện”, “thẻ tiết kiệm điện thông minh”… đang được lan truyền nhiều hiện nay.
Theo đó, nhiều người chào bán loại “thiết bị siêu tiết kiệm điện” trên mạng có khả năng giảm 30-40% lượng điện tiêu thụ. Thậm chí xuất hiện thêm quảng cáo về “thẻ tiết kiệm điện thông minh”..
EVN cho biết khi kiểm chứng thực tế cho thấy hoàn toàn không thể giảm điện năng tiêu thụ ở mức lớn như vậy. Các thiết bị trên không được Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương hoặc đơn vị chuyên ngành về tiết kiệm năng lượng chứng nhận về hiệu quả.
EVN nhấn mạnh đây chỉ là chiêu trò lừa đảo khách hàng, “lợi dụng” tâm lý muốn tiết kiệm chi tiêu của người tiêu dùng. Nếu có loại thiết bị có tác dụng can thiệp trực tiếp vào hoạt động công tơ điện làm cho công tơ điện chạy chậm lại, thì cũng có nghĩa là người sử dụng thiết bị này đang ăn cắp điện. Như vậy là vi phạm quy định sử dụng điện và sẽ bị truy thu tiền điện, thậm chí có thể bị xử lý hình sự.
Vinatex kiến nghị được xuất khẩu khẩu trang, hoãn tiền thuê đất, cho vay trả lương...
Trước tình hình an ninh đời sống, kinh tế toàn cầu ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch Covid-19, và trực tiếp ảnh hưởng tới sự sống còn của các doanh nghiệp trong ngành Dệt May Việt Nam, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đưa ra giả thiết, nếu dịch COVID-19 kết thúc cuối tháng 5, và kinh tế phục hồi từ tháng 6/2020 thì ước tính Ngành DMVN thiệt hại 11.000 tỷ đồng, và Tập đoàn sẽ thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng.
Các giải pháp trọng tâm mà Tập đoàn DMVN đặt ra gồm: Tận dụng cơ hội tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu sản phẩm phòng dịch như khẩu trang, quần áo y tế dùng vải kháng khuẩn, quần áo dùng một lần từ vải không dệt; Áp dụng chế độ làm việc linh hoạt, giảm giờ làm xuống còn khoảng 32h-40h/tuần, làm việc luân phiên, trên cơ sở thảo luận thống nhất với người lao động (NLĐ). Tập trung tuyên truyền cho NLĐ về khó khăn bất khả kháng, cùng chia sẻ với DN để vượt khó; Tiết giảm chi phí, hoãn đầu tư, giảm lương khối gián tiếp tương ứng với công nhân trực tiếp; Xin miễn, hoãn đóng BHXH, BH thất nghiệp, phí công đoàn…
Về cấp Tập đoàn cần kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, Ngành trong tháng 3/2020 cho phép được xuất khẩu khẩu trang, trang phục phòng dịch; Miễn, giảm, hoãn các loại bảo hiểm, thuế, tiền thuê đất, chính sách sử dụng quỹ BH thất nghiệp hỗ trợ NLĐ thiếu việc làm; Các ngân hàng nhà nước, ngân hàng thương mại cho ân hạn các khoản phải trả dài hạn đến hạn năm 2020, kéo dài thời gian khoản nợ ngắn hạn lên 11 tháng, không giảm hạn mức, không chuyển loại nợ, cho vay trả lương cho đối tượng bị thiếu việc; Làm đầu mối tiếp nhận đơn hàng từ Chính phủ Việt Nam và các nước về sản phẩm phòng dịch, tổ chức phân phối cho các đơn vị có nhu cầu may…
Nguồn: [Link nguồn]