Nóng tuần qua: Hàng chục nghìn lao động Vietnam Airlines mất việc vì Covid-19
Vietnam Airlines đã chia sẻ nhiều con số thiệt hại lớn do ảnh hưởng bởi Covid-19 trong thư gửi người lao động của doanh nghiệp.
Vietnam Airlines sẽ giảm tải cung ứng khoảng 60%
Trong thư mới nhất gửi người lao động Vietnam Airlines, CEO của hãng ông Dương Trí Thành cho hay: “Chưa bao giờ chúng ta phải đột ngột dừng gần như toàn bộ hoạt động với gần 100 máy bay trong tổng số 106 máy bay phải tạm ngừng khai thác”.
Theo ông Thành, với lịch bay và tình hình diễn biến dịch bệnh như hiện nay, dự kiến năm 2020, Vietnam Airlines sẽ giảm tải cung ứng khoảng 60%, doanh thu giảm 50.000 tỷ đồng tương đương giảm 65% so với kế hoạch.
Vị này cũng cho biết Vietnam Airlines và các hãng hàng không khác đang phải đối mặt với những thách thức mang tính sống còn và khẳng định hãng đã, đang và sẽ áp dụng nhiều giải pháp mạnh mẽ mang tính đột phá.
Sẽ có khoảng 10.000 lao động của Vietnam Airlines mất việc.
Theo đó, Vietnam Airlines sẽ tái cơ cấu lao động, tinh giản biên chế, tổ chức lại bộ máy, dây chuyền sản xuất; điều chỉnh thu nhập, cắt toàn bộ khoản chi chưa thực sự cấp bách; giãn/hoãn các khoản chi có thể; đàm phán để giảm đơn giá, giảm giá đối với các hợp đồng đã ký kết…
Theo CEO Vietnam Airlines, những điều chỉnh này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tất cả cán bộ công nhân viên trong toàn Tổng công ty khi hơn 50% người lao động phải ngừng việc, toàn bộ người lao động phải giảm lương. Điều này đồng nghĩa sẽ có khoảng 10.000 lao động của Vietnam Airlines mất việc.
Theo phân phối của Bộ GTVT, trong vòng 15 ngày từ 1/4, 4 hãng hàng không gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar và Bamboo sẽ thay nhau thực hiện các chuyến bay giữa 3 thành phố lớn theo hạn mức chuyến do Bộ GTVT quy định.
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Cục Hàng không cho biết các hãng hàng không Việt đang rơi vào tình cảnh cạn kiệt nguồn lực khi dòng tiền không còn, phải vận hành cầm chừng duy trì một số ít đường bay trọng điểm và mỗi hãng chỉ khai thác 1 chuyến bay/ngày. Vị này lo ngại một số hãng hàng không có thể không trụ được, phá sản sau khủng hoảng Covid-19.
Ngân hàng, địa ốc, ô tô lọt nhóm được gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất
Ngày 3/4/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã kí công văn số 3915/BTC-CST báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia vào dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất.
So với dự thảo Nghị định đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ tại Tờ trình 47/TTr-BTC ngày 26/3, sau khi tiếp thu ý kiến các bộ, ngành và địa phương, Bộ Tài chính trình Chính phủ bổ sung 4 đối tượng được gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất.
(Ảnh minh họa)
Thứ nhất, bổ sung một số ngành sản xuất: Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; sản xuất sản phẩm từ plastic; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác; sản xuất kim loại; gia công cơ khí; xử lí và tráng phủ kim loại; sản xuất xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế; xây dựng;
Thứ hai, bổ sung một số hoạt động kinh doanh vào đối tượng được gia hạn: Hoạt động kinh doanh bất động sản; hoạt động dịch vụ lao động và việc làm; hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; hoạt động vui chơi giải trí.
Thứ ba, bổ sung doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; sản phẩm cơ khí trọng điểm.
Trong đó, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được xác định theo Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 3/11/2015 của Chính phủ và Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 15/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Cuối cùng, bổ sung tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 theo qui định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố danh sách tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tham gia hỗ trợ khách hàng.
Nhiều nhà máy sản xuất ô tô tại Việt Nam liên tục thông báo đóng cửaCác nhà máy sản xuất ô tô tại Việt Nam mới đây đồng loạt thông báo tạm dừng hoạt động sản xuất, ít nhất trong giai đoạn cách ly toàn xã hội để đối phó dịch COVID-19 đang lây lan nhanh.
Ford Việt Nam nổ phát súng đầu tiên khi đóng cửa nhà máy tại Hải Dương từ 26/3; kế tiếp, lần lượt Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam thông báo tạm dừng hoạt động các nhà máy tại Vĩnh Phúc và Hà Nam; trong khi TC MOTOR đóng cửa nhà máy sản xuất xe Hyundai tại Ninh Bình. Mới đây Vinfast cũng tuyên bố sẽ đóng cửa nhà máy bắt đầu tư ngày 6/4.
Theo thông báo, đại diện các nhà sản xuất cho biết đây là động thái phối hợp cùng cơ quan quản lí nhà nước để đảm bảo an toàn cho đội ngũ công nhân viên. Việc quay trở lại của các nhà máy phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh chung và chỉ đạo của Chính phủ.
Số liệu sản xuất công nghiệp từ Tổng cục Thống kê (GSO) quí I/2020 cho thấy, sản lượng ô tô chỉ đạt 19.000 chiếc, giảm 10,4% so với cùng kì. Trong khi quí I năm ngoái, tốc độ tăng sản lượng của ngành công nghiệp sản xuất ô tô lên tới 22,3%.
Chỉ số tăng tồn kho ngành sản xuất xe có động cơ (trong đó có sản xuất ô tô) tăng vọt lên tới 122,5%, so với chỉ 9% cùng kì. Điều này cho thấy khó khăn lớn của các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Bộ Công Thương đề xuất giảm 10% giá điện
Bộ Công Thương đã trình một số đề xuất giảm giá điện cho khách hàng để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Giá điện sinh hoạt dự kiến giảm 10%.
Cụ thể, Bộ Công Thương đề xuất giảm giá điện cho sản xuất và kinh doanh 10% từ tháng 4 đến thàng 6. Tổng gói hỗ trợ này ước tính khoảng 6.100 tỷ đồng.
Bộ này cũng đề xuất giảm 10% giá điện sinh hoạt từ bậc 1 (0-50 kWh) đến bậc 4 (201-300 kWh) từ tháng 4 đến hết tháng 6. Điều này có nghĩa là khách hàng dùng dưới 300 kWh/tháng sẽ được giảm tiền. Tổng gói hỗ trợ cho đối tượng này là 2.930 tỷ đồng.
Theo Bộ Công Thương, nhóm khách hàng này chủ yếu là người lao động, công chức, viên chức, công nhân bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.
Ngoài ra, còn có đề xuất giảm giá các cơ sở lưu trú du lịch bằng giá sản xuất từ tháng 4. Gói này trị giá khoảng 1.840 tỷ đồng. Ngoài ra, Bộ Công Thương đề xuất miễn, giảm tiền điện trực tiếp cho các cơ sở trực tiếp phục vụ chống dịch Covid-19. Số tiền dự kiến khoảng 100 tỷ đồng.
Việc xuất khẩu gạo cần phải xem xét kỹ lưỡng, thận trọng
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản 140/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn.
Theo đó, Thủ tướng nêu rõ, bảo đảm an ninh lương thực là vấn đề chiến lược, trọng đại liên quan đến đời sống nhân dân, an ninh, quốc phòng.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 và thời tiết, biến đổi khí hậu đang diễn ra hết sức phức tạp, khó lường; dự báo ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp và nguồn cung lúa gạo trong nước; một số quốc gia và vùng lãnh thổ đã phong tỏa và tăng cường dự trữ lương thực… Do đó, việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay cần phải xem xét kỹ lưỡng, thận trọng; trước hết phải bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đồng thời giảm thiểu việc gián đoạn chuỗi sản xuất lúa gạo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người nông dân và các tổ chức kinh doanh có liên quan.
Nguồn: [Link nguồn]
Giá vàng trong nước gần không có điều chỉnh về giá trong những phiên gần đây nhưng vẫn neo ở mức 48 triệu đồng/lượng,...