Nóng tuần qua: DN có nhân viên vệ sinh sở hữu 35 tỷ đồng, kỹ sư sở hữu 100 tỷ đồng lãi đậm
Kết thúc nửa đầu năm, DGC đã thực hiện được 63% chỉ tiêu doanh thu và hoàn thành 100% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm.
Tập đoàn Hoá chất Đức Giang tiếp tục lãi
Báo cáo tài chính quý II/2022 hợp nhất của Tập đoàn Hoá chất Đức Giang cho thấy, DGC lãi sau thuế 1.894 tỷ đồng, gấp 5,4 lần so với cùng kỳ và tiếp tục thiết lập mốc kỷ lục lợi nhuận quý.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của DGC đạt 7.636 tỷ, lợi nhuận sau thuế 3.401 tỷ, lần lượt tăng 91% và 444% so với cùng kỳ. EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phần) đạt 7.899 đồng.
Như vậy kết thúc nửa đầu năm, DGC đã thực hiện được 63% chỉ tiêu doanh thu và hoàn thành 100% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm.
Trước đó, trong cuộc trả lời phỏng vấn Forbes Việt Nam mới đây, ông Đào Hữu Huyền - Chủ tịch Hội đồng quản trị của Hoá chất Đức Giang đã tiết lộ về số tài sản khổng lồ mà đội ngũ công nhân viên của doanh nghiệp đang sở hữu.
Theo đó, ông Huyền tự hào một nhân viên vệ sinh môi trường của công ty cũng có 35 tỉ đồng, một kỹ sư có hơn 100 tỉ đồng nhờ sở hữu cổ phiếu DGC. Công ty 2.000 nhân sự năm qua có thêm vài trăm ô tô mới nhờ nhân viên trở nên giàu có hơn.
Đất ven đô Hà Nội trầm lắng sau ''sốt'' nóng
Đầu năm 2021, giá nhà đất tại nhiều khu vực trên cả nước bỗng lên cơn "sốt". Thị trường đất ven đô Hà Nội như: Mê Linh, Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng, Thạch Thất; Sơn Tây, Hòa Lạc, Quốc Oai... cũng không ngoại lệ. Giá đất nhiều khu vực ven đô, những nơi quy hoạch nâng cấp lên quận, những khu vực mà tuyến đường Vành đai 4 dự kiến đi qua đều bị đẩy lên tương đương 30 – 50tr/m2; bình quân tăng khoảng 20 – 30%. Thậm chí có nơi tăng 50%.
Đất ven đô trở nên trầm lắng
Thế nhưng, tại những nơi bất động sản tăng giá nóng thời gian qua đang có dấu hiệu hạ nhiệt, thị trường nhiều khu vực rơi vào trầm lắng, những khu đất trước đó “cò đất” kéo về tạo sóng, đẩy giá như: Dự án 93 lô Cổ Đông (Sơn Tây), 108 lô Bãi Dài và 72 Lô Bãi Dài tại xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất)… giờ không một bóng người, để hoang hóa cho cỏ mọc. Trong khi hàng nghìn tỷ đồng của nhà đầu tư bị “chôn vùi” trong đất.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản Việt Nam cảnh báo, giá bất động sản "ảo" tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư, cho thị trường.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho rằng, chỉ những người có nhu cầu thực và có nguồn tiền nhàn rỗi, không áp dụng đòn bẩy tài chính mới có thể đầu tư cho các dự án theo hạ tầng. Đầu tư dạng này phải đầu tư dài hạn; khi không nắm được thông tin, người dân, nhà đầu tư không nên chạy theo "cơn sốt" mà đổ xô đi đầu cơ, trữ đất, dễ chịu rủi ro lớn...
Ham đầu tư chứng khoán, loạt “đại gia” dính lỗ nặng
Sự sụt giảm của thị trường chứng khoán thời gian qua kéo theo sự giảm sút trong khối tài sản đầu tư của nhiều doanh nghiệp. CTCP Hóa An (DHA) vừa có báo cáo giải trình kết quả kinh doanh thua lỗ trong quý II/2022. Một lý do quan trọng dẫn đến sự thua lỗ là do trích lập dự phòng cổ phiếu HPG. Theo giải trình của doanh nghiệp này số trích lập dự phòng cổ phiếu HPG lên tới 20,17 tỷ đồng, cao hơn cả giá trị lợi nhuận sau thuế tụt giảm của doanh nghiệp này. Trên thực tế, cổ phiếu Hòa Phát giảm hơn 42% kể từ đầu tháng 3 tới nay.
Trước đó, doanh nghiệp cảng biển MHC báo lỗ 35 tỷ đồng trong quý IV/2021 do kinh doanh chứng khoán. Khi đó, MHC sở hữu gần 97 tỷ đồng cổ phiếu IDC và đã trích lập dự phòng giảm giá 28,8 tỷ đồng đối với cổ phiếu này.
Không chỉ các doanh nghiệp đầu tư chứng khoán thua lỗ, nhiều quỹ ngoại cũng ghi không tránh khỏi thua lỗ trong 6 tháng đầu năm 2022. Giá trị tài sản bốc hơi trên dưới 20% giống như tình trạng chung trên thị trường.
Giá vàng biến động như tàu lượn
Trong tuần qua, giá vàng liên tục biến động với biên động khá lớn. Đáng chú ý, trong ngày 19/7, giá vàng SJC có lúc đã rơi về mức 60 triệu đồng/lượng – 62,5 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), với mức giá này SJC đã giảm tới hơn 7,3 triệu đồng/lượng so với giá kết phiên giao dịch ngày 16/7. Tuy nhiên, lực cầu cao cuối phiên giao dịch 19/7 đã giúp giá vàng SJC quay đầu tăng mạnh để kết phiên với mức giá 63,3 triệu đồng/lượng - 65,32 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Sang ngày 20/7, giá vàng trong nước tiếp tục phục hồi khi SJC Hà Nội niêm yết giá ở mức 64,7 triệu đồng/lượng - 66,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Vàng biến động liên tục trong tuần
Sang phiên ngày 21/7, giá vàng lại giảm sâu trong phiên sáng và hồi phục về chiều. Đà hồi phục kéo dài sang phiên tiếp theo.
Với những diễn biến hiện tại, vàng được dự báo có thể đang trên đà thiết lập một động thái tăng giá mới trong ngắn hạn. Hiện tại, rủi ro bất ổn địa chính trị leo thang trở lại là một yếu tố hỗ trợ cho giá vàng trong 6 tháng cuối năm.
Hai doanh nghiệp bỏ cọc đất vàng Thủ Thiêm về chung một nhà
Gần 2 tuần sau hạn chót nộp tiền sử dụng đất, ngày 19/7, hai doanh nghiệp bỏ cọc hai lô đất Thủ Thiêm là Công ty CP Sheen Mega và Công ty CP Dream Republic đã có sự thay đổi trụ sở chính. Đáng chú ý, cả 2 doanh nghiệp nói trên lại về chung một "nhà" tại địa chỉ 5A/2 Trần Phú, phường 4, quận 5, TP.HCM.
Trước đó, Công ty Dream Republic trúng đấu giá lô đất 3-5 có diện tích 6.446 m2 khi ra giá 3.820 tỷ đồng. Còn công ty Sheen Mega mua lô đất 3-8 với diện tích 8.568 m2 với giá 4.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến tháng 4/2022, hai đơn vị có văn bản xin kéo dài thời gian thanh toán tiền sử dụng đất thành 6 đợt, từ tháng 4 đến tháng 9, nhưng không được chấp thuận. Sau đó, các doanh nghiệp xin nộp 100 tỷ đồng trước ngày 30/4 và cam kết hoàn thành thanh toán phần còn lại trong vòng 180 ngày kể từ ngày thông báo nộp tiền sử dụng đất, tức trễ nhất ngày 6/7.
Do cả hai doanh nghiệp đều không nộp thêm bất cứ khoản tiền nào, cơ quan thuế đã ra quyết định phong tỏa, cưỡng chế trích tiền từ tài khoản 2 công ty nhưng chỉ thu về được lần lượt gần 40,5 triệu đồng và chưa đầy 821.000 đồng từ Sheen Mega và Dream Republic.
Nguồn: [Link nguồn]
Đất nước này có nhiều thứ quý hiếm nhưng người dân sống khổ sở.