Nóng tuần qua: Đề xuất hỗ trợ hàng chục nghìn nhân viên karaoke, bar, gym chịu ảnh hưởng bởi Covid-19
Mức hỗ trợ được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM đề xuất là 1 triệu đồng/người. Số tiền dự kiến được trích từ Quỹ phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM.
Hơn 27 nghìn nhân viên karaoke, bar, gym được đề xuất hỗ trợ
Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) TP.HCM Lê Minh Tấn vừa đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM bổ sung đối tượng và số lượng người lao động tự do bị mất việc làm, gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Toàn địa bàn TP.HCM có gần 27.500 người thuộc diện được hỗ trợ.
Cơ quan này kiến nghị quy định cụ thể đối tượng được hỗ trợ là những lao động tự do không có thu nhập hoặc thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo tại TP.HCM (dưới 3 triệu đồng/người/tháng) và làm việc trong các lĩnh vực, ngành nghề phải tạm ngừng hoạt động trong tháng 4 vừa qua.
Cụ thể là các cơ sở làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ, vật lý trị liệu, massage, xông hơi; tụ điểm vui chơi, giải trí, sân khấu, rạp chiếu phim, nhà hàng, trung tâm tiệc cưới, vũ trường, quán bar, karaoke, pub, beer pub; địa điểm du lịch, tham quan, di tích, bảo tàng, thư viện; cơ sở kinh doanh thể thao (gym, fitness, billiards, yoga…), trung tâm thể dục, thể thao và khu luyện thể thao công cộng; bến xe, hộ kinh doanh vận tải hành khách công cộng…
Qua khảo sát bước đầu tại 24 quận, huyện, toàn địa bàn TP.HCM có gần 27.500 người (trong đó có 6.700 người ngoại tỉnh) thuộc diện trên. Sở LĐTB&XH đề xuất mức hỗ trợ cao nhất là 1 triệu đồng/người.
Cán cân thương mại tháng 8 thặng dư 2,5 tỷ USD
Tổng cục Hải quan mới công bố tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa trong tháng 8. Theo đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 50,5 tỷ USD, tăng 7,5% so với tháng trước.
Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 26,5 tỷ USD, tăng 6,5% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 24 tỷ USD, tăng 8,6%. So với cùng kỳ năm 2019, trị giá xuất khẩu của cả nước tăng 2,5% và trị giá nhập khẩu tăng 7,3%.
Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 50,5 tỷ USD
Với diễn biến trên, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 8 ước tính thặng dư 2,5 tỷ USD.
Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam 8 tháng đầu năm ước đạt 337,28 tỷ USD, tăng 0,02% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 174,1 tỷ USD, tăng 1,6% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 163,17 tỷ USD, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm ước tính thặng dư gần 11 tỷ USD.
Giảm giá nhiều dịch vụ hàng không trong 6 tháng
Thông tư 19 quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không vừa được Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể ký ban hành.
Theo đó, từ ngày 1/3 đến hết ngày 30/9, mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa áp dụng bằng 50% mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến quy định tại Thông tư số 53 ngày 31/12/2019.
Đối với khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không, Bộ GTVT áp dụng mức giá tối thiểu là 0 đồng với 8 dịch vụ hàng không do Nhà nước quy định khung giá như dịch vụ thuê sân đậu máy bay, thuê quầy làm thủ tục hành khách, tra nạp xăng dầu hàng không, dịch vụ mặt đất, thuê cầu dẫn khách lên xuống máy bay…
Đồng thời, Thông tư 19 cũng quy định giá tối thiểu 0 đồng trong thời gian trên đối với 3 dịch vụ phi hàng không do Nhà nước quy định khung giá gồm: Cho thuê mặt bằng tại nhà ga hành khách, cho thuê mặt bằng tại nhà ga hàng hóa, dịch vụ cơ bản thiết yếu tại nhà ga hành khách.
Sản xuất công nghiệp gặp khó
Bộ Công Thương vừa công bố báo cáo về tình hình hoạt động ngành công nghiệp tháng 8 và 8 tháng năm 2020. Báo cáo ghi nhận trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp khó khăn do sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 vào cuối tháng 7/2020.
Theo số liệu thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 8/2020 chỉ tăng 3,5% so với tháng 7 và giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2020, IIP ước tính tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019. Bộ Công Thương đánh giá đây là mức tăng thấp nhất trong 8 năm qua.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 8 tháng giảm sâu và tăng thấp so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, bia giảm 14,8%; dầu thô khai thác giảm 14%; ô tô giảm 12,5%; khí hóa lỏng (LPG) giảm 12,1%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 9,2%...
620 doanh nghiệp bất động sản phá sản trong 8 tháng đầu năm
Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình đăng ký doanh nghiệp mới trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2020. Theo đó, nhờ kết quả tích cực từ việc dịch bệnh được kiểm soát trong đợt một, và đợt dịch thứ hai mới bắt đầu từ cuối tháng 7/2020, nên số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 8 vẫn chưa bị ảnh hưởng nhiều.
Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên số lượng doanh nghiệp lĩnh vực kinh doanh bất động sản giải thể nằm trong top đầu với 620 doanh nghiệp.
Đứng sau đó là dịch vụ lưu trú và ăn uống có 589 doanh nghiệp, dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng, các dịch vụ hỗ trợ khác có 566 doanh nghiệp, vận tải, kho bãi có 431 doanh nghiệp, giáo dục, đào tạo có 396 doanh nghiệp. thông tin truyền thông có 379 doanh nghiệp.
Cũng trong khoảng thời gian này, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 34.300 doanh nghiệp, số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ thủ tục giải thể là 24.400 doanh nghiệp và số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 10.400 doanh nghiệp.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái do Covid-19 và tiếp tục xấu hơn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Việt Nam...