Nóng tuần qua: Có hay không chuyện EVN tự ý sửa hóa đơn tiền điện của khách hàng?
Đại diện EVN vừa có phản hồi xung quanh nhiều ý kiến phản ánh hóa đơn tiền điện của người dân tăng bất thường.
EVN không thể tự ý thay đổi hóa đơn tiền điện
Trong tháng 3 vừa qua, hóa đơn tiền điện của nhiều hộ gia đình, đặc biệt là các hộ sử dụng điện khu vực phía Nam có tăng cao bất thường và đã có phản ánh tới một số cơ quan báo chí.
Trả lời về vấn đề này, đại diện Cục Điều tiết điện lực và EVN cùng chung khẳng định, tại thời điểm tháng 3/2019, EVN, Bộ Công Thương khi thấy mức tiền điện của các khách hàng sinh hoạt tăng cao đã có các thông tin chính thức; các chuyên gia cũng đã có những lý giải và Bộ Công Thương cũng đã có báo cáo Thủ tướng về việc giá điện được bán theo Biểu giá được Nhà nước quy định.
Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, hiện nay, giá điện, biên lai tính tiền điện được thực hiện theo Quyết định 648/QĐ-BCT về điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Tiền điện sinh hoạt hàng tháng theo Quy định giá bán điện có hiệu lực từ 2019 của Bộ Công Thương đã giúp khách hàng có thể tự đối chiếu và tính toán tiền điện trên website.
Khi nhiệt độ ngoài trời tăng lên 1 độ, mức tiêu thụ điện năng sinh hoạt sẽ tăng từ 2 – 3%.
Do vậy, không thể có chuyện EVN tự sửa hóa đơn điện của khách hàng. Hóa đơn tiền điện hàng tháng được tính theo mức tiêu thụ điện, chốt chỉ số đúng ngày cũng như tuân thủ theo đúng quy định. Nếu có bất cứ thông tin nào nói chỉ số sai, người dân cần thông báo ngay để EVN phúc tra làm rõ.
Còn theo EVN, việc khách hàng cho rằng, ngành điện tự điều chỉnh công tơ như trên các mạng xã hội cũng là hoàn toàn không đúng. Bởi mỗi công tơ điện trước khi được đưa vào thị trường để vận hành thương mại, đều phải được Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng thông qua, phê duyệt mẫu và chất lượng.
Hệ thống đo đếm hoàn toàn phải theo chuẩn mực. Theo Thông tư 07 của Tổng cục tiêu chuẩn chất lượng, công tơ điện sử dụng từ 5 – 6 năm sẽ phải kiểm định lại toàn bộ. Hàng năm, Sở Công Thương các tỉnh đều tổ chức đoàn kiểm tra xác xuất, quản lý toàn bộ hệ thống, không cho phép có công tơ nào quá hạn sử dụng.
Trong trường hợp công tơ điện của người dân bị tác động, cơ quan quản lý sẽ nắm được vì thường xuyên có kiểm tra, công tơ điện có niêm phong, có tem kiểm định. Chính vì thế, trong quá trình thu thập chỉ số công tơ, nếu có bất kỳ thay đổi tăng - giảm bất thường của chỉ số điện năng, nhân viên sẽ kiểm tra lại tất cả chỉ số và sẽ phát hiện ra có bị can thiệp hay không.
Theo tính toán của EVN, khi nhiệt độ ngoài trời tăng lên 1 độ, mức tiêu thụ điện năng sinh hoạt sẽ tăng từ 2 – 3% tuỳ từng loại điều hoà người dân sử dụng. Nếu nhiệt độ tăng khoảng 5 độ thì điện năng tiêu thụ tăng khoảng 10%.
Chỉ có 2,9% doanh nghiệp nhận được hỗ trợ từ chính sách
Khảo sát với hơn 130.000 doanh nghiệp của Bộ KH&ĐT cho thấy các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ phù hợp với kỳ vọng của cộng đồng, nhưng quá trình thực thi còn nhiều bất cập.
Cụ thể, tại thời điểm khảo sát (từ 10/4-20/4), mới chỉ có 2,9% doanh nghiệp chính thức nhận được sự hỗ trợ từ các chính sách. Trong khi đó, 21,2% doanh nghiệp đã biết tới Chỉ thị và đã được hướng dẫn nhưng chưa tiến hành thực hiện; 64,6% đã biết tới các chính sách hỗ trợ nhưng chưa biết đầu mối để tiếp cận, số doanh nghiệp còn lại thậm chí chưa biết đến các chính sách này.
Mới chỉ có 2,9% doanh nghiệp chính thức nhận được sự hỗ trợ từ các chính sách.
Xét theo quy mô, nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ có tỷ lệ doanh nghiệp đã được tiếp cận được chính sách hỗ trợ thấp nhất, chỉ đạt 2,1%, trong khi 8,7% doanh nghiệp lớn đã được tiếp nhận hỗ trợ.
Nguyên nhân của sự bất cập này, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là thủ tục hành chính rườm rà, quy trình phức tạp, tiến độ thực hiện chậm, thái độ và tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ thực thi chính sách chưa thực sự mang tính hỗ trợ.
Bên cạnh đó, một số địa phương, cơ quan còn hiểu chưa đầy đủ và áp dụng cứng nhắc các quy định, biện pháp về phòng, chống dịch bệnh, gây khó khăn cho việc sản xuất, kinh doanh, lưu chuyển hàng hóa, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.
Bộ Công Thương đề xuất hoãn sửa biểu giá bán lẻ điện
Mới đây, Bộ Công Thương đã có báo cáo gửi Thủ tướng cho phép lùi thời gian báo cáo phương án sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt trong bối cảnh dịch Covid-19.
Việc việc lùi thời gian sửa đổi biểu giá bán lẻ điện để tập trung nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 cũng như triển khai gói hỗ trợ giảm giá điện 11.000 tỷ đồng.
Bộ Công Thương cho biết sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, Bộ Công Thương sẽ báo cáo phương án sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt.
Bộ Tài chính không đồng ý giảm phí trước bạ ôtô, thuế xăng dầu
Dự thảo tờ trình Nghị quyết về các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra lấy ý kiến đã nhận được nhiều góp ý từ các bộ, ngành liên quan.
Theo đó, Bộ KHĐT đề xuất giảm một loạt loại phí, lệ phí, thuế suất đối với nhiều mặt hàng, nhóm doanh nghiệp, cá nhân chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, một số đề xuất liên quan thuế, phí và lệ phí đã không được Bộ Tài chính ủng hộ.
Cụ thể, Bộ KHĐT đã đề xuất giảm 50% thuế Thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã trong năm 2020.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, không nên đưa đề xuất này vào dự thảo do có sự trùng lắp với một số chính sách dự kiến áp dụng trong thời gian tới. Tuy vậy, Bộ KHĐT vẫn kiến nghị giữ lại nội dung này để có cơ sở cho Chính phủ nghị quyết phương hướng thực hiện cụ thể.
Với đề xuất giảm 50% thuế suất Giá trị gia tăng (hiện nay là 10%) cho các hàng hóa dịch vụ, nguyên vật liệu gặp khó khăn với mục đích giảm chi phí sản xuất đầu vào cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng đề nghị bỏ không đưa vào dự thảo.
Theo cơ quan quản lý tài chính, thuế GTGT là thuế gián thu và người tiêu dùng mới là nhóm trả thuế. Đối với doanh nghiệp, toàn bộ thuế GTGT đầu vào được khấu trừ với thuế suất này đầu ra khi xác định thuế GTGT phải nộp, nên không ảnh hưởng tới chi phí sản xuất cho doanh nghiệp.
Tiếp thu ý kiến này, Bộ KHĐT cho biết sẽ không quy định theo hướng giảm mà cho phép hoãn nộp thuế GTGT đến tháng 9/2020 với nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ thuộc các ngành chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nhằm giúp các doanh nghiệp có thêm vốn lưu động để duy trì hoạt động.
Bộ Tài chính thông tin về sai phạm tại kho của 7 Cục dự trữ Nhà nước
Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, qua kiểm tra cho thấy, trong số các doanh nghiệp cũng như cá nhân gửi gạo tại kho của 7 Cục Dự trữ Nhà nước, có những doanh nghiệp đã trúng thầu đợt 1 (ngày 12/3/2020) nhưng không tiến hành ký hợp đồng bán gạo cho dự trữ nhà nước.
Cụ thể, kết quả kiểm tra đã phát hiện có 7/22 Cục Dự trữ Nhà nước khu vực gồm Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hà Bắc, Đông Bắc, Bắc Thái, Hà Nội, Hà Nam Ninh, Bình Trị Thiên và Thanh Hóa cho các doanh nghiệp, cá nhân sử dụng kho dự trữ Nhà nước để giữ hộ hàng hóa đã vi phạm các quy định.
Việc các doanh nghiệp này có thông đồng với các Cục Dự trữ Nhà nước chờ nâng giá để bán gạo cho dự trữ nhà nước hay không thì cần phải điều tra làm rõ thêm.
Chính vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị chuyển cơ quan điều tra, Bộ Công an làm rõ nội dung này để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật nếu phát hiện có vi phạm.
Đây là quý lỗ lớn nhất từ trước đến nay của công ty này.
Nguồn: [Link nguồn]