Nóng tuần qua: Chính thức "cấm cửa" kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê
Dịch vụ đòi nợ thuê chính thức bị nghiêm cấm sau khi Quốc hội bấm nút thông qua dự thảo luật Đầu tư (sửa đổi) vào chiều 17/6.
Chính thức "cấm cửa" dịch vụ đòi nợ thuê
Với 92,34% ĐBQH tương đương 446/458 ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ Quốc hội chính thức thông qua dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi).
Trong dự thảo luật, nhiều ý kiến đề nghị không nên cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”, một số ý kiến tán thành cấm hình thức này. Do còn nhiều ý kiến khác nhau, UB Thường vụ QH trình 2 phương án để QH xem xét, quyết định.
Đã có 90,27% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành việc cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê và đề nghị cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”.
Trong khi Ủy viên Thường trực UB Quốc phòng và An ninh Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân bày tỏ quan ngại về dịch vụ đòi nợ thuê vì thực tế thời gian vừa qua, đa số các công ty đòi nợ thuê đều câu kết với băng nhóm xã hội đen.
Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, đóng góp của loại ngành nghề này vào ngân sách và sự phát triển kinh tế - xã hội không đáng bao nhiêu.
Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ (An Giang) nói không thể không cấm đòi nợ thuê. Bởi, nhân viên toàn là xăm trổ, công cụ lao động là dao kiếm, phương thức hoạt động là dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực. Nếu tiếp tục để dịch vụ này thì gây hoang mang xã hội, dẫn tới mất niềm tin của nhân dân với lực lượng quản lý xã hội.
1 triệu hộ dùng điện cao gấp rưỡi tháng trước
Theo EVN, đợt nóng kéo dài tại Bắc Bộ và Trung Bộ vừa qua đã đạt kỷ lục nhiệt độ cao nhất trong 27 năm, dẫn đến tình hình tiêu thụ điện tăng cao, đặc biệt là nhu cầu sử dụng thiết bị làm mát như điều hòa không khí.
Số liệu thống kê, có hơn 3,1 triệu khách hàng (trên tổng số 26 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt) trên cả nước (chiếm 11,92%) có mức tiêu thụ điện của tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4.
Gần 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50%.
Trong số này có tới gần 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50%. Thậm chí, có tới hơn 215.000 khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 4 trước đó.
Về độ chính xác của công tơ điện và cách ghi chỉ số, EVN cho biết các công tơ đo lường lượng điện năng tiêu thụ khi được lắp đặt đều được kiểm định đạt tiêu chuẩn mà Bộ Khoa học và Công nghệ yêu cầu. Các công tơ đến hạn kiểm định sẽ được các đơn vị của ngành điện thực hiện thay thế định kỳ bằng công tơ đã được kiểm định cho khách hàng.
Vải Việt “đi” máy bay sang Nhật Bản
UBND tỉnh Bắc Giang cho biết dự kiến chiều 19/6, lô vải thiều đầu tiên của Việt Nam được xuất sang Nhật bằng đường hàng không.
Đây không chỉ là cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu cho vải thiều tiếp cận với các thị trường lớn, tiềm năng, mà còn là niềm mong đợi của người trồng vải nhiều năm nay.
Năm 2020 là năm đầu tiên Nhật Bản đồng ý nhập khẩu quả vải thiều tươi của Việt Nam.
Đặc biệt, năm 2020 là năm đầu tiên Nhật Bản đồng ý nhập khẩu quả vải thiều tươi của Việt Nam.
Bắc Giang sẽ xuất khẩu vải thiều đi Nhật Bản bằng đường biển và đường hàng không. Dự kiến từ ngày 20/6, các Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, Công ty cổ phần XNK thực phẩm toàn cầu, Công ty cổ phần Ameii Việt Nam, Công ty cổ phần Quốc tế BamBoo... tiếp tục xuất khẩu vải của Bắc Giang sang thị trường Nhật Bản.
Khó có khả năng bay quốc tế trở lại từ tháng 7
Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch phát triển của Vietnam Airlines, cho biết từ cách đây hơn 2 tháng, Vietnam Airlines đã lập tổ chuyên trách của từng khu vực, thị trường, đường bay để chuẩn bị về nguồn lực, tổ bay, tiếp viên, chính sách thương mại... sẵn sàng khai thác trở lại các đường bay quốc tế ngay khi được Chính phủ cho phép.
Cũng theo ông Trung, hãng đã xây dựng và ban hành các quy trình, quy định về khai thác tàu bay, quy trình phục vụ hành khách để đảm bảo an toàn và tuân thủ các quy định, yêu cầu của Chính phủ Việt Nam cũng như chính phủ các nước.
Đối với các đường bay dài hơn như đi châu Âu, Mỹ, do tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp nên có thể phải đến cuối năm 2020, thậm chí đầu năm 2021 mới có thể tính đến việc mở lại.
Quốc hội bỏ hộ kinh doanh khỏi Luật Doanh nghiệp
Với hơn 90% đại biểu biểu quyết tán thành, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) được Quốc hội thông qua với nội dung bỏ quy định về hộ kinh doanh và chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp.
Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021. Nội dung trước đó còn nhiều ý kiến khác nhau trong luật này là quy định chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Song với luật vừa được thông qua, quy định này đã được bỏ.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về nội dung này. Theo đó, có 174/433 đại biểu (chiếm 40,18%) đồng ý quy định một chương về hộ kinh doanh trong dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); 258/433 đại biểu (chiếm 59,58%) tán thành việc xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh.
Giúp doanh nghiệp sớm vay được gói 16.000 tỷ trả lương nhân viên
Ngân hàng Nhà nước cùng Bộ Lao động Thương binh Xã hội đã làm việc, xin ý kiến sửa đổi tiêu chuẩn gói vay 16.000 tỷ trả lương người lao động phù hợp hơn với tình hình thực tế.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế của Ngân hàng Nhà nước, ngành ngân hàng đã vào cuộc quyết liệt và tiền đã sẵn sàng chuyển cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để đáp ứng nhu cầu về gói tín dụng này. Tuy nhiên, ông Hùng đánh giá điều kiện của gói vay này không dễ nên chưa có doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu để vay vốn.
Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với ngành ngân hàng để điều chỉnh các tiêu chí giúp doanh nghiệp có thể đáp ứng yêu cầu để tiếp cận gói tín dụng. Các cơ quan chức năng đã làm việc, xin ý kiến sửa đổi Quyết định 15 theo hướng theo hướng phù hợp hơn với tình hình thực tế, đảm bảo doanh nghiệp có thể thụ hưởng chính sách.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẵn sàng dành 16.000 tỷ đồng và đã ban hành thông tư về việc tái cấp vốn lãi suất 0% cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để triển khai gói tín dụng này. Còn tiêu chuẩn tiếp cận gói vay trả lương người lao động do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội làm đầu mối.
Hầu hết họ đều là những tỷ phú đi lên từ hai bàn tay trắng.
Nguồn: [Link nguồn]