Nóng tuần qua: Chỉ bán hàng online, một người tại Hà Nội nộp thuế tới 23 tỷ đồng

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Nhiều cá nhân kinh doanh online tại Hà Nội đã phải nộp mức thuế khá "khủng" trong năm 2020.

Nhiều cá nhân tại Hà Nội nộp thuế lớn vì kinh doanh trên mạng

Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, căn cứ hồ sơ khai thuế của người nộp thuế và cơ sở dữ liệu của cơ quan quản lý thuế, tổng số thu năm 2019 và năm 2020 đối với các cá nhân có thu nhập từ hoạt động thương mại điện tử (Google, Facebook, Youtube) Cục Thuế TP. Hà Nội thu được 148 tỷ đồng. Trong đó, năm 2019 là 25 tỷ đồng, năm 2020 là 123 tỷ đồng (tăng 492% so với năm 2019).

Năm 2020 Hà Nội thu 123 tỷ đồng tiền thuế thu nhập cá nhân từ người kinh doanh online.

Năm 2020 Hà Nội thu 123 tỷ đồng tiền thuế thu nhập cá nhân từ người kinh doanh online.

Cá biệt có 3 cá nhân nộp thuế trên 7 tỷ đồng (cao nhất 23 tỷ đồng) với doanh thu tương ứng với số thuế đã nộp là hơn 100 tỷ đồng. Các cá nhân thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế tại các Chi cục Thuế quận, huyện, thị xã, khu vực nơi cá nhân thường trú, tạm trú.

Đối với các thông tin của người nộp thuế, lãnh đạo Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, cơ quan thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin người nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế, không được tiết lộ. 

Ngân hàng dự kiến nới lỏng tiêu chuẩn cho vay

Trong báo cáo điều tra xu hướng tín dụng tháng 12/2020 và xu hướng kinh doanh quý I/2021, Vụ Dự báo, Thống kê (thuộc Ngân hàng Nhà nước) cho biết, theo kết quả điều tra, hầu hết ngân hàng cho biết do tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, nhu cầu tín dụng của khách hàng đã tăng chậm rõ rệt trong năm 2020 vừa qua.

Các ngân hàng đều cho biết đã nới lỏng tiêu chuẩn tín dụng

Các ngân hàng đều cho biết đã nới lỏng tiêu chuẩn tín dụng

Tuy nhiên, cầu tín dụng được kỳ vọng tăng trưởng tốt trở lại trong năm 2021, với động lực chính là kỳ vọng về nhu cầu vay thương mại và dịch vụ, đặc biệt là vay xuất, nhập khẩu.

Các ngân hàng đều cho biết đã nới lỏng tiêu chuẩn tín dụng với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp trong lĩnh vực ưu tiên và giảm thắt chặt tiêu chuẩn tín dụng với các nhóm khách hàng khác trong nửa cuối năm 2020.

Trong nửa đầu năm 2021 này, các ngân hàng dự kiến tiếp tục nới lỏng nhẹ tiêu chuẩn tín dụng với các nhóm khách hàng. Trong đó, cơ sở để thực hiện việc nới lỏng tiêu chuẩn tín dụng trên là triển vọng kinh tế vĩ mô khả quan, phù hợp chính sách và định hướng của Chính phủ, NHNN để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Dự kiến, các tổ chức tín dụng sẽ tập trung cho vay với các lĩnh vực có tiềm năng phục hồi tăng trưởng mạnh trong nửa đầu cũng như cả năm nay bao gồm bán buôn bán lẻ; xuất nhập khẩu; cho vay phục vụ nhu cầu đời sống; xây dựng…

Chính phủ yêu cầu làm rõ việc giá thuê container tăng gấp 10 lần

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với các cơ quan có liên quan tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa trước tình trạng giá thuê tàu và container tăng. Đồng thời, Phó thủ tướng yêu cầu kiểm tra, làm rõ và xử lý nghiêm các hành vi tăng giá thuê tàu và container.

Theo phản ánh của nhiều chủ hàng trong các ngành thủy sản, nhựa và gỗ, hơn 3 tháng nay giá thuê container rỗng liên tục tăng, từ mức ban đầu chưa tới 1.000 USD/container 40 feet nay đã đội giá lên tới 8.000 USD, thậm chí là 10.000 USD/container 40 feet đi thị trường Anh.

Các doanh nghiệp cho rằng đây là mức tăng bất hợp lý và các hãng tàu cần có sự minh bạch thông tin về giá, cũng như mức tăng sao cho phù hợp hơn.

Hà Nội chi hàng chục nghìn tỷ đồng dự trữ hàng Tết

TP Hà Nội đã chuẩn bị lượng hàng hóa thiết yếu như gạo, thịt, rau, quả, thủy hải sản tương ứng khoảng 39.400 tỷ đồng cho dịp Tết Tân Sửu 2021, tăng khoảng 5% so với kế hoạch Tết năm ngoái.

Thành phố cũng chuẩn bị lượng hàng hóa thiết yếu thực hiện chương trình bình ổn thị trường, gồm 33.075 tấn lương thực, 6.615 tấn thịt lợn, 18.114 tấn thực phẩm chế biến… Nguồn hàng hóa dự kiến kết nối với các tỉnh về Hà Nội để bảo đảm nguồn cung dự kiến đạt 50.000 tấn, trị giá 600 tỷ đồng.

Trong đó, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) chuẩn bị lượng hàng hóa phục vụ Tết trị giá 1.000 tỷ đồng với lượng hàng hóa nội địa chiếm 80%; Công ty Trách nhiệm hữu hạn bán lẻ BRG chuẩn bị lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết với giá trị trên 50 tỷ đồng. Các doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn TP cũng chủ động mở thêm kho hàng để dự trữ phục vụ Tết.

Hơn 300 công ty lữ hành quốc tế xin đóng cửa năm 2020

Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết du lịch Việt Nam năm 2020 đã giảm gần 80% lượng khách quốc tế, giảm 50% khách nội địa và giảm 90% khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài. Đồng thời, khoảng 40-60% lao động ngành du lịch bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công.

Trong số các doanh nghiệp du lịch chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, khối lữ hành chịu thiệt hại nặng nề khi là đơn vị trung gian, thực hiện các dịch vụ cho du khách. Nhiều đơn vị lữ hành đã đóng cửa, dừng hoạt động; không ít nơi phải chấm dứt hợp đồng với người lao động.

Cụ thể, trong năm 2020, có tới 338 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép kinh doanh, tăng 3 lần so với năm 2019; có 201 doanh nghiệp xin cấp giấy phép mới, giảm hơn 1/3 lần. Tổng thu từ khách du lịch năm 2020 đạt 312.200 tỷ đồng, giảm gần 60% so với cùng kỳ năm 2019.

Nguồn: [Link nguồn]

Đại gia tuần qua: Bao nhiêu năm nữa Vinfast của tỷ phú Vượng mới có thể hoà vốn?

Đại diện Vinfast vừa chia sẻ về kế hoạch hoà vốn EBITDA trong 5 năm tới nhờ việc tăng sản lượng để gia tăng thị phần...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thiên Lý ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN