Nóng tuần qua: Áp giá sàn vé máy bay, sắp hết thời vé giá rẻ 0 đồng?
Cục Hàng không Việt Nam vừa đề xuất Bộ Giao thông vận tải áp sàn giá vé máy bay tối thiểu 320.000 đồng/chiều/hành khách, đồng nghĩa xóa bỏ vé 0 đồng, vé khuyến mại siêu rẻ.
Đề xuất áp sàn vé máy bay từ 320.000 đồng/chiều trong 1 năm
Cục Hàng không vừa trình Bộ Giao thông vận tải dự thảo Thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Trong đó, Cục đề nghị áp dụng áp giá sàn, mức giá tối thiểu bằng 20% mức giá tối đa quy định.
Đề xuất áp sàn vé máy bay từ 320.000 đồng/chiều trong 1 năm.
Cụ thể, với các đường bay dưới 500 km, mức giá tối thiểu đề nghị áp dụng với nhóm đường bay phát triển kinh tế - xã hội là là 320.000 đồng/chiều/hành khách, tối đa là 1,6 triệu đồng vé/chiều, nhóm đường bay khác dưới 500 km, mức giá tối thiểu là 340.000 đồng, tối đa là 1,7 triệu đồng.
Đường bay từ 500 - 850 km trở lên, mức giá tối thiểu là 440.000 đồng và tối đa 2,2 triệu đồng. Đường bay từ 850 km đến dưới 1.000 km, mức giá tương ứng là 560.000 đồng và tối đa 2,79 triệu đồng. Đường bay từ 1.280 km trở lên, mức giá tối thiểu là 750.000 đồng, tối đa là 3,75 triệu đồng.
Nếu đề xuất được thông qua, sàn giá vé máy bay sẽ được thiết lập, xóa bỏ các loại vé 0 đồng, vé khuyến mại siêu rẻ.
Hà Nội thu hơn 200 tỷ đồng thuế từ người viết game, ứng dụng Google, Apple
Cục Thuế Hà Nội đã rà soát để thu thuế hàng trăm người là đối tác cung cấp các phần mềm ứng dụng, trò chơi trực tuyến cho Google Play và Apple Store.
Cụ thể, tính trong 7 tháng năm nay, cơ quan thuế Hà Nội đã thu được hơn 39 tỷ đồng tiền thuế thu nhập cá nhân, đây là số thuế người kê khai thuế tự kê khai.
Đến hết tháng 7, ngành thuế Hà Nội đưa vào quản lý hơn 392 cá nhân có hoạt động cung cấp sản phẩm ứng dụng, sản phẩm nội dung tại các khu vực ứng dụng Google Play, Apple Store… các cá nhân đã thực hiện kê khai thuế đầy đủ theo quý.
Hà Nội thu hơn 200 tỷ đồng thuế từ người viết game, ứng dụng Google, Apple.
Lũy kế từ năm 2018 cho đến nay, các cá nhân cung cấp sản phẩm ứng dụng, sản phẩm nội dung cho các kho ứng dụng của Google Play, Apple Store…đã nộp cho ngành thuế Hà Nội số tiền hơn 203 tỷ đồng
Theo Cục Thuế Hà Nội, cơ quan này đang thực hiện rà soát các hình thức bán hàng của 32.085 thông tin giao dịch cơ sở kinh doanh có sử dụng ứng dụng giao hàng và dữ liệu về 756 chủ cơ sở cho thuê nhà, cung cấp dịch vụ lưu trú.
Hiện nay, người tạo các ứng dụng, trò chơi trực tuyến trên các kho ứng dụng của Google, Apple hay CH Play đều tự kê khai và nộp thuế, cơ quan thuế sẽ căn cứ trên hệ thống kê khai, hóa đơn để hậu kiểm, truy thu (nếu có).
Chính phủ ban hành nhiều chính sách gỡ khó cho doanh nghiệp
Trước những khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp đang phải đối mặt, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 105 ngày 9/9 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.
Chính phủ quyết nghị 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Thứ nhất, thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Thứ hai, Chính phủ đề ra một số nhóm giải pháp để đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng.
Thứ ba, Chính phủ đề ra nhóm biện pháp hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Cuối cùng là tạo điều kiện thuận lợi về lao động và chuyên gia.
Thu nội địa giảm mạnh vì dịch Covid-19
Theo báo cáo tình hình thực hiện công tác quản lý ngân sách tháng 8 của Bộ Tài chính, cơ quan quản lý cho biết diễn biến phức tạp của đợt dịch bùng phát từ cuối tháng 4 đến nay đang ảnh hưởng tiêu cực tới số thu ngân sách nội địa qua từng tháng.
Cụ thể, tính riêng tháng 8 vừa qua, tổng thu ngân sách Nhà nước chỉ đạt khoảng 78.600 tỷ đồng, giảm tới 38% so với số thu trong tháng 7.
Trong đó, thu nội địa ước đạt 63.200 tỷ, thấp hơn 18% so với tháng liên trước, tương đương mức giảm ròng 14.200 tỷ đồng (không kể thuế thu nhập doanh nghiệp nộp theo quý).
Bộ Tài chính cho biết do ảnh hưởng của đợt dịch tái bùng phát từ tháng 4, diễn biến thu nội địa đang giảm dần qua các tháng. Trong đó, ngân sách thu được 115.600 tỷ đồng từ thu nội địa trong tháng 4, nhưng đã giảm xuống còn 85.000 tỷ trong tháng 5 và 80.500 tỷ đồng đến tháng 6.
Số thu nội địa tăng lên 114.400 tỷ đồng trong tháng 7, tuy nhiên nếu không kể 37.000 tỷ đồng tăng thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp kê khai và nộp theo quý, số thu thực tế trong tháng 7 chỉ là 77.400 tỷ. Trong tháng gần nhất, nguồn thu nội địa chỉ còn mang về cho ngân sách 63.200 tỷ đồng.
Ngân hàng được cơ cấu, giãn hoãn nợ đến tháng 6/2022
Đây là quy định mới tại Thông tư 14 mới được Ngân hàng Nhà nước ban hành để sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020 quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo đó, cơ quan quản lý tiền tệ đã chính thức cho phép các ngân hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi phát sinh trước ngày 1/8 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính và phát sinh nghĩa vụ trả nợ trong khoảng thời gian từ 23/1/2020 đến 30/6/2022.
Trước đó, Thông tư 01/2020 chỉ cho phép các ngân hàng cơ cấu lại thời gian trả nợ đối với các khoản cho vay trước ngày 10/6/2020 và phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trong khoảng thời gian 23/1/2020 đến 31/12/2021.
Như vậy, so với quy định cũ, Thông tư mới cho phép các ngân hàng, tổ chức tín dụng kéo dài thời gian cơ cấu lại nợ, giãn hoãn nợ thêm 6 tháng đến giữa năm 2022.
Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) vừa điều chỉnh dữ liệu khoản phải thu tồn đọng lớn tại ngày 30/6/2020 là 10.800 tỷ đồng, trong...
Nguồn: [Link nguồn]