Nóng tuần qua: Ai chi trả chi phí tẩy rửa tại Nhà máy Rạng Đông?

Thông tin về chi phí tẩy độc, dọn dẹp hiện trường vụ cháy kho xưởng Công ty Rạng Đông đã được những bên liên quan tiết lộ.

Rạng Đông sẽ chịu toàn bộ chi phí

Vụ cháy kho xưởng Công ty Rạng Đông (Thanh Xuân, Hà Nội) hôm 28/8 gây thiệt hại cho chính công ty này vào khoảng 150 tỷ đồng. Ngoài ra, thiệt hại chưa đong đếm được là sức khỏe, sự bất an, dịch chuyển của cư dân xung quanh.

Chi phí chữa cháy, đặc biệt là chi phí tẩy độc, dọn dẹp hiện trường ước tính là một khoản không nhỏ. Cụ thể, tính đến ngày 4/10, sau 21 ngày làm việc, Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và công nghiệp 10 (Urenco 10) huy động 12 máy công trình các loại, 30 ô tô chuyên dụng với 1.680 lượt công nhân để dọn dẹp 6.000 m2 nhà xưởng, vận chuyển xong khoảng 1.200 tấn tro xỉ và 1.300 tấn chất thải xây dựng nhà xưởng sau cháy.

Để xử lý, khắc phục hậu quả vụ cháy, từ ngày 12/9 đến 5/10, trung bình mỗi ngày, Binh chủng Hóa học duy trì tại đây 60 cán bộ, chiến sĩ và nhiều lượt phương tiện, khí tài phòng hóa chuyên dụng. Trong đó, có những phương tiện, khí tài lần đầu được sử dụng để quan trắc môi trường cả ngày lẫn đêm. Đã có 120.000 lít dung dịch và 4 tấn hóa chất chống lan tỏa, phát tán thủy ngân ra ngoài môi trường được sử dụng để trả lại môi trường trong sạch cho khu vực nhà xưởng Rạng Đông.

Được biết, Urenco 10 đã ký hợp đồng vận chuyển và xử lý chất độc hại với Công ty Rạng Đông nhưng chưa hé lộ số tiền cụ thể.

Trong văn bản về triển khai công tác tẩy độc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ rõ, Công ty Rạng Đông phải chịu chi phí. Tuy nhiên, đến thời điểm này, mọi chi phí tẩy độc, Binh chủng Hóa học đã ứng ra và đang chờ hướng dẫn thanh toán.

Ông Trần Trung Tưởng, Phó Tổng GĐ Công ty Rạng Đông cũng khẳng định, Công ty chưa thống kê được con số thiệt hại cuối cùng. Chi phí xử lý phế thải, tẩy độc do Công ty Rạng Đông trực tiếp ký hợp đồng chi trả cho các đơn vị thực hiện. Công ty Rạng Đông cũng có ký hợp đồng bảo hiểm một phần, hai bên đang thực hiện thủ tục chi trả.

Đám cháy nhà kho Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông bùng phát lúc 18h chiều 28/8.

Đám cháy nhà kho Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông bùng phát lúc 18h chiều 28/8.

Việt Nam lập lỷ lục mới về nhập khẩu ô tô

Theo thống kê của Tổng cục Thống kê Việt Nam, trong tháng 9/2019 lượng ô tô nguyên chiếc được nhập khẩu về Việt Nam khoảng 13.000 xe, đạt kim ngạch khoảng 260 triệu USD. Nếu so với cùng kỳ năm 2018, lượng ô tô nhập khẩu tăng tới 113% về lượng và 107% về giá trị.

Đây là một kỷ lục mới của ô tô nhập khẩu kể từ năm 2018 khi các Nghị định mới về nhập khẩu xe có hiệu lực.

Dẫn đầu về lượng ô tô nhập khẩu về nước vẫn là xe con (dưới 9 chỗ) với khoảng 75.848 xe với trị giá 1,459 tỷ USD. Xếp sau lần lượt là ô tô vận tải với khoảng 22.397 xe (548 triệu USD) và xe trên 9 chỗ với 217 xe (7,2 triệu USD).

Như vậy, trị giá trung bình ô tô nhập khẩu về nước ước đạt hơn 22.200 USD/xe (khoảng 510 triệu đồng) thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 (hơn 24.000 USD/xe - khoảng 550 triệu đồng).

Về nguồn gốc, Thái Lan và Indonesia vẫn là 2 quốc gia ở khu vực ASEAN có lượng ô tô nhập khẩu về Việt Nam nhiều nhất - chiếm khoảng hơn 80% tổng lượng ô tô nhập về nước.

Cùng với đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng chi hơn 2,89 tỷ USD để nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô.

Từ ngày 10/10, lần đầu tiên tại Việt Nam, hành khách có thể sử dụng WiFi kết nối Internet trên một số chuyến bay do Vietnam Airlines khai thác.

Đã có thể dùng wifi khi đi máy bay

Từ ngày 10/10, lần đầu tiên tại Việt Nam, hành khách có thể sử dụng WiFi kết nối Internet trên một số chuyến bay do Vietnam Airlines khai thác.

Theo đó, hành khách có thể trải nghiệm dịch vụ WiFi trên một số tàu bay Airbus A350 do Vietnam Airlines khai thác trên các đường bay giữa Hà Nội – TP.HCM/Thượng Hải/Osaka và TP.HCM – Osaka/Singapore. Trong thời gian tới, hãng sẽ tiếp tục nghiên cứu để nâng cấp, mở rộng dịch vụ trên các tàu bay Boeing 787 và Airbus A350 khác với tốc độ truy cập ngày càng tốt hơn.

Dịch vụ WiFi trên chuyến bay sẽ hoạt động tối ưu nhất cho việc gửi tin nhắn văn bản trên các ứng dụng phổ biến như Viber, iMessage, Messenger, Whatsapp... phù hợp với những hành khách có nhu cầu trao đổi thông tin thường xuyên trong quá trình bay.

Với mức giá từ 2,95 - 29,95 USD (tương đương từ 75.000 - 735.000 đồng), hành khách của Vietnam Airlines có thể lựa chọn giữa các gói cước có thời gian sử dụng và mức dung lượng khác nhau, tối đa lên tới 80MB. Hành khách đăng ký gói cước và thanh toán phí dịch vụ bằng cách thanh toán online qua thẻ tín dụng Visa, MasterCard, American Express, JCB hoặc Diners Club sau khi máy bay đạt độ cao ổn định. Gói cước đã đăng ký có thể được dùng trên các thiết bị khác nhau nhưng không được dùng đồng thời trên nhiều thiết bị, với hiệu lực duy trì cho đến khi chuyến bay kết thúc.

Hyundai đề nghị xây đường hầm dưới nước trị giá 420 triệu USD qua cửa vịnh Hạ Long

Hyundai Engineering & Construction đã có cuộc gặp mặt với chính quyền tỉnh Quảng Ninh để bàn về việc đào một đường hầm dưới nước dài 2,1 km xuyên qua cửa vịnh Hạ Long. Theo đó, Hyundai Engineering & Construction sẽ lắp đặt một đường hầm 6 làn, rộng khoảng 17m dưới đáy vịnh Hạ Long với chi phí 420 triệu USD.

Công trình này sẽ được triển khai như một dự án hợp tác giữa nhà nước và tư nhân và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025. Đường hầm sẽ chạy từ thành phố Hạ Long đến khu nghỉ mát Bãi Cháy. Cửa vịnh Hạ Long và khu Bãi Cháy đã được nối liền nhờ cầu dây văng Bãi Cháy - công trình đầu tiên thuộc dạng này ở Việt Nam. Tuy nhiên, cầu Bãi Cháy hiện nay không còn đáp ứng được lưu lượng xe cộ qua lại.

Được biết, vào tháng 2 năm nay, Hyundai và Tập đoàn Thành Công (Thanh Cong Group) đã kí kết thỏa thuận hợp tác về phát triển cơ sở hạ tầng và giao thông tại Việt Nam, trong đó bao gồm cả kế hoạch thành lập liên doanh.

Moody's đánh giá lại xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam

Moody's cho biết tổ chức này đang xem xét đánh giá lại xếp hạng tín nhiệm Ba3 của Việt Nam sau khi tổ chức này nhận thấy có những "thiếu sót về thể chế" dẫn tới tình trạng chậm thanh toán nợ. Theo đó, tình trạng chậm trả nợ cho thấy xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam có thể không còn phù hợp với mức Ba3.

Theo Moody's, nguồn dự trữ ngoại hối lớn và nhu cầu tài chính khiêm tốn cho thấy Việt Nam có đủ khả năng thanh toán nợ. Tuy nhiên, Moody's sẽ đánh giá lại xem "thiếu sót thể chế" kể trên của Việt Nam có nguy cơ dẫn đến tình trạng chậm hoặc không trả nợ trong tương lại hay không. Bằng cách này, trong suốt quá trình đánh giá, Moody's sẽ nỗ lực làm rõ bản chất cũng như xác định hiệu quả tiềm năng của các biện pháp mà chính phủ Việt Nam đã hoặc đang áp dụng để đảm bảo việc thanh toán nợ đủ và đúng thời hạn.

Moody's kì vọng xếp hạng của Việt Nam sẽ tiếp tục được bỗ trợ bởi tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ. Theo ước tính của Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay sẽ rơi vào khoảng 6,5%.

Moody's dự đoán quá trình đánh giá sẽ kết thúc trong ba tháng tới. Theo dữ liệu của Refinitiv, S&P Global và Fitch Ratings đều ghi nhận Việt Nam ở mức BB, cao hơn kết quả của Moody's.

Nóng trong tuần: Sabeco đã bị bán cho Trung Quốc?

Lãnh đạo Bộ Công thương đã lên tiếng chính thức về thông tin này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thiên Lý ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN