Nóng trong tuần: Vì sao Vietjet của bông hồng tỷ phú đô la mong công bằng?
Lãnh đạo Vietjet bày tỏ mong muốn doanh nghiệp tư nhân được ứng xử bình đẳng, công bằng.
Vietjet kiến nghị tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng sân bay
Chủ tịch HĐQT Vietjet Nguyễn Thanh Hà đã nêu kiến nghị này tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 tổ chức tuần qua.
Bà đề nghị Chính phủ ưu tiên tập trung sớm điều chỉnh quy hoạch phát triển hạ tầng các sân bay đang quá tải. Để đẩy nhanh tiến độ, bà nhấn mạnh đề xuất nên cho các tập đoàn tư nhân có tiềm lực tham gia đầu tư hạ tầng sân bay.
Chủ tịch HĐQT Vietjet đề xuất nên cho các tập đoàn tư nhân có tiềm lực tham gia đầu tư hạ tầng sân bay.
Thậm chí, theo bà, có những dự án không đặt mục tiêu hiệu quả kinh tế. Ví dụ như đề xuất dự án sân bay Điện Biên, Vietjet tính phải 60 – 70 năm mới hoàn vốn nhưng dự án này có ý nghĩa lịch sử, gắn với chiến thắng tự hào của dân tộc Việt Nam.
Vị đại diện Vietjet cũng bày tỏ mong muốn doanh nghiệp tư nhân được ứng xử bình đẳng, công bằng.
Trước đó, tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam, Tổng giám đốc Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo cũng muốn doanh nghiệp tư nhân được ứng xử bình đẳng. Nữ CEO Vietjet nhắc tới việc cùng một sự cố, hai hãng hàng không bị ứng xử khác nhau. Cũng tại sự kiện này, bà Thảo đã nhắc tới việc Vietjet không có đến “một tấc đất cắm dùi” tại các sân bay lớn.
EVN lên tiếng về hơn 42.000 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng
Tuần qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có phản hồi thông tin đơn vị này có 42.000 tỷ đồng gửi tại ngân hàng.
Theo EVN, số tiền trên là khoản tiền gửi không kỳ hạn được tổng hợp từ tất cả báo cáo tài chính của các đơn vị thành viên của EVN bao gồm các đơn vị sản xuất, truyền tải, phân phối và dịch vụ phụ trợ.
Phía EVN cho rằng, so với số dư nợ phải trả ngắn hạn của đơn vị này là hơn 106.000 tỷ đồng thì khoản trên nhỏ, chưa đủ dùng trả nợ ngay cho các nhà cung cấp nhiên liệu khí, than, bán điện... cũng như ngân hàng.
Theo giải thích, hiện EVN có hàng chục đơn vị cấp 2 và hàng trăm đơn vị cấp 3, 4 hoạt động trong các lĩnh vực đầu tư, sản xuất kinh doanh điện. Mỗi đơn vị phải duy trì một số dư tiền gửi phục vụ công việc thường xuyên và xử lý đột xuất.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có phản hồi thông tin đơn vị này có 42.000 tỷ đồng gửi tại ngân hàng.
Trước đó, nhiều thông tin trên báo phản ánh việc khách hàng thắc mắc về số tiền điện phải trả trong tháng 4 cao bất thường. Trong khi ấy, theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2018, số dư tiền gửi ngân hàng của EVN thời điểm đó là 42.796 tỷ đồng.
Xăng tiếp tục phi mã, E5 đã vượt mốc 20.600 đồng/lít
Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định tiếp tục tăng giá xăng, dầu trong kỳ điều chỉnh ngày 2/5.
Cụ thể, xăng E5 RON 92 tăng thêm 985 đồng một lít, xăng RON 95 mức tăng 956 đồng. Các mặt hàng dầu cũng tăng 311 - 385 đồng một lít, kg tuỳ loại.
Sau điều chỉnh, xăng RON 95 lên tối đa 22.191 đồng; xăng E5 RON 92 tối đa 20.688 đồng một lít. Dầu diesel có mức trần mới 17.695 đồng, dầu hoả là 16.625 đồng.
Giá các mặt nhiên liệu đã tăng lần thứ 3 liên tiếp. Tổng cộng, sau 3 lần, giá E5RON 92 và xăng RON 95-III lần lượt tăng hơn 3.400 đồng và 3.600 đồng/lít.
Theo lý giải, giá thành phẩm xăng dầu bình quân trên thị trường thế giới 15 ngày qua tiếp tục tăng cao 2,6-3,1%, là nguyên nhân khiến cơ quan quản lý buộc phải tăng giá.
Đề nghị tính lại thuế môi trường với xăng E5
Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM (Saigon Petro) đã văn bản gửi liên Bộ Công Thương - Tài chính nêu vấn đề: hiện tại, mỗi lít xăng E5 RON 92 giá 19.700 đồng một lít, xăng RON 95 là 21.230 đồng, tức là chênh 1.530 đồng mỗi lít.
Mức chênh trên theo doanh nghiệp là thấp và khiến người dùng chưa quan tâm tới xăng E5. Saigon Petro còn cho rằng chiết khấu thấp cũng khiến các đại lý, cửa hàng bán lẻ lơ là bán xăng E5, thậm chí bỏ hẳn trụ bơm bán xăng này.
Saigon Petro cho rằng, mức chênh giữa xăng E5 và RON95 là thấp và khiến người dùng chưa quan tâm tới xăng E5.
Saigon Petro đề xuất cần tạo khoảng cách chênh lệch giá đủ lớn giữa E5 với xăng RON 95, khoảng 2.000-2.500 đồng một lít. Theo doanh nghiệp, cần xem xét áp thuế bảo vệ môi trường xăng E5 theo số tuyệt đối một cách phù hợp, ví dụ 500-1.000 đồng một lít, thay vì theo tỷ lệ Ethanol như hiện nay.
Trước đó, trong năm 2018, Saigon Petro cũng từng có kiến nghị cho bán trở lại xăng RON 92 sau thời gian bán xăng E5 nhưng lượng tiêu thụ thấp.
Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông lại vỡ tiến độ
Mục tiêu đưa tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông vận hành, khai thác thương mại vào ngày 30/4/2019 đã không thể thực hiện được.
Đây là thông tin được Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết tuần qua.
Theo Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông - Vận tải), tới cuối tháng Tư, khối lượng xây lắp hoàn thành tại dự án đã đạt khoảng 99%. Công việc còn lại là hoàn thiện, mỹ quan tại các nhà ga, khu depot, mái che thang cuốn ngoài trời,...
Tuy nhiên, một số tờ báo trong nước dẫn thông tin cho rằng, các hồ sơ của nhiều thiết bị chưa được tổng thầu Trung Quốc cung cấp nên không đủ thủ tục để nghiệm thu từng phần, kéo theo không thể nghiệm thu tổng thể dự án.
Trước đó, trong đợt kiểm tra giữa tháng 3 năm nay, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã chỉ đạo tổng thầu và các đơn vị liên quan cần nỗ lực để dự án đi vào vận hành thương mại vào cuối tháng 4.
Doanh thu tuần của Tập đoàn Vingroup năm 2018 lên tới hơn 122.000 tỷ đồng.