Nóng trong tuần: Sau Bamboo Airways, ông lớn nào muốn nhảy vào tranh thị phần hàng không?
Tổng giám đốc Vietravel tuần qua xác nhận đã nộp đề án thành lập Công ty Hàng không lữ hành Việt Nam.
Viettravel muốn lập hãng hàng không mang tên Vietravel Airlines
Tại một hội thảo tuần qua, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel xác nhận đã nộp đề án thành lập Công ty Hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) lên Sở Giao thông Vận tải Thừa Thiên - Huế.
Lý giải việc này, ông Kỳ cho biết, trong một lần đi công tác ở Trung Quốc làm việc với công ty du lịch lớn ở Thượng Hải, ông được mời đi máy bay hãng này. Doanh nghiệp này có một hãng hàng không đang khai thác 127 chiếc máy bay.
Tổng giám đốc Vietravel xác nhận đã nộp đề án thành lập Công ty Hàng không lữ hành Việt Nam.
Theo ông, các công ty du lịch lớn ở nước ngoài đều định hướng hoàn thiện hệ sinh thái của mình bao gồm cả vận chuyển và Viettravel cũng nằm trong xu hướng này.
Theo quy trình, sau khi được Sở Giao thông Vận tải Thừa Thiên - Huế, Sở Kế hoạch và đầu tư Thừa Thiên - Huế chấp thuận, kế hoạch thành lập mới gửi lên trình Thủ tướng và Bộ Giao thông Vận tải.
Giá xăng tăng vọt, RON 95 đã chạm mốc 20.000 đồng/lít
Liên Bộ Công Thương - Tài chính ngày 24 đã quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu.
Theo đó, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng thêm 1.377 đồng, lên mức 18.588 đồng; xăng RON 95 tăng 1.484 đồng, lên mức 20.033 đồng. Các mặt hàng dầu cũng tăng 1.086 - 1.219 đồng mỗi lít, kg tuỳ loại.
Mức xả quỹ bình ổn với xăng E5 RON 92 giảm về 2.042 đồng một lít, xăng RON 95 là 1.304 đồng. Mức chi quỹ với dầu diesel và dầu hoả là 0 đồng.
Lý giải về mức tăng mạnh này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, trước đó, trong phiên điều hành ngày 18/3, giá các mặt hàng nhiên liệu đã không tăng và quỹ bình ổn giá xăng dầu đã phải bù tới hơn 2.800 đồng/lít với xăng E5 RON 92, xăng RON 95 là 2.061 đồng.
Theo ông, nếu không có quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá xăng E5 RON 92 có thể lên tới 3.419 đồng/lít thay vì hơn 1.300 đồng/lít. Tương tự, nếu không chi quỹ, xăng RON95 có thể phải tăng 2.788 đồng/lít thay cho mức hơn 1.400 đồng/lít như chiều 2/4.
Tòa bác khiếu nại của Vinaconex, HĐQT mới bị dừng hoạt động
Tuần qua, Tòa án nhân dân quận Đống Đa đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex (mã: VCG) đối với quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là dừng thực hiện nghị quyết phiên họp bất thường Đại hội đồng cổ đông của công ty.
TAND quận Đống Đa cho rằng, việc buộc Vinaconex dừng thực hiện nghị quyết Đại hội đồng cổ đông là phù hợp với quy định của pháp luật.
TAND quận Đống Đa cho rằng, việc buộc Vinaconex dừng thực hiện nghị quyết Đại hội đồng cổ đông ngày 11/1/2019 cho đến khi có quyết định cuối cùng của Tòa là phù hợp với quy định của pháp luật. Việc này nhằm bảo vệ quyền và lợi ich của người yêu cầu và các cổ đông của Vinaconex và để tránh các hậu quả có thể xảy ra gây thiệt hại cho Vinaconex và các cổ đông.
Trước đó, tòa đã quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời sau khi cơ quan chức năng xem xét đơn yêu cầu của Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ và Công ty TNHH Đầu tư Star Invest cùng các chứng cứ và tài liệu có liên quan.
Vinaconex sau đó đã có văn bản khiếu nại gửi Chánh án toà án Nhân dân TP Hà Nội và Chánh án toà Đống Đa kiến nghị huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp trên.
Sẽ cấp phép thí điểm cho vay ngang hàng
Trong buổi họp báo trong tuần, trả lời câu hỏi về việc quản lý hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending), Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng phương án thí điểm loại hình kinh doanh này.
Cơ quan này dự kiến đưa cho vay ngang hàng vào nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Hiện tại, cho vay ngang hàng là hình thức giao dịch dân sự và pháp luật hiện hành chưa có quy định giao cho cơ quan chức năng nào quản lý.
Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng phương án thí điểm loại hình kinh doanh cho vay ngang hàng (P2P Lending).
P2P Lending là mô hình kinh doanh mới dùng nền tảng công nghệ số kết nối trực tiếp người vay với người cho vay (nhà đầu tư) mà không thông qua trung gian tài chính.
Hình thức cho vay này có điểm thuận lợi là việc giải ngân nhanh, nhưng cũng có mặt không thuận lợi và tiêu cực, có thể gây ra nhiều hệ lụy với những người tham gia.
"Cá mập" ngành thời trang sắp có cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam
Một đơn vị chuyên tuyển dụng nhân sự cho doanh nghiệp Nhật Bản là Pasona HR Consulting Reruitment đang đăng thông tin tuyển hai vị trí quản lý và nhân viên cửa hàng cho Uniqlo tại TP HCM.
Đây được cho là động thái chuẩn bị để mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam của Uniqlo. Fast Retailing (đơn vị sở hữu Uniqlo) đã từng đề cập tới nội dung này trong báo cáo được công bố trước đó.
Trước đó, Uniqlo đã đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam từ đầu tháng 10/2018 với loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên. Vốn điều lệ của công ty này là 8,8 triệu USD với trụ sở tại toà nhà Saigon Centre (quận 1, TP HCM).
Năm 2018, Fast Retailing đạt doanh thu hơn 896 tỷ yen, tương đương khoảng 8 tỷ USD và lợi nhuận hơn 1 tỷ USD.
Doanh thu tuần của Tập đoàn Vingroup năm 2018 lên tới hơn 122.000 tỷ đồng.