Nóng trong tuần: Nữ tỷ phú hàng không ấp ủ thương vụ nghìn tỷ
Nguồn vốn dùng để thực hiện kế hoạch nghìn tỷ của Vietjet từ thặng dư vốn cổ phần và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, hiện đang ở mức hơn 9.964 tỷ đồng.
Vietjet dự kiến mua 25 triệu cổ phiếu quỹ
HĐQT Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (HoSE:VJC) vừa thông qua việc mua tối đa 25 triệu cổ phiếu (tương đương 4,61% vốn điều lệ) làm cổ phiếu quỹ.
Theo thông báo, giao dịch được thực hiện qua sàn bằng phương pháp khớp lệnh hoặc thỏa thuận sau khi được sự chấp thuận của Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước.
VJC vừa thông qua việc mua tối đa 25 triệu cổ phiếu (tương đương 4,61% vốn điều lệ) làm cổ phiếu quỹ.
Nguồn vốn dùng để mua cổ phiếu quỹ từ thặng dư vốn cổ phần và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, hiện đang ở mức hơn 9.964 tỷ đồng (tính đến 31/3).
2 phương án làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam chênh nhau 32 tỷ USD
Trong tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị phương án làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam theo kịch bản tổng chiều dài gần 1.600 km, khổ đường trên 1,43 m và gồm 24 ga.
Tốc độ thiết kế của tuyến đường sắt cao tốc này là 350 km một giờ và tổng mức đầu tư 58,7 tỷ USD (1,35 triệu tỷ đồng). Nguồn vốn để làm dự án gồm hơn 1,08 triệu tỷ đồng (80% vốn) từ ngân sách, vốn tư nhân gần 269.000 tỷ đồng (20%).
Tuy nhiên, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ cũng về dự án này, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng, tổng vốn đầu tư dự án chỉ khoảng 26 tỷ USD. Tuy nhiên, tốc độ khai thác sẽ là 200 km/giờ, thay vì 350 km/giờ theo phương án Bộ Giao thông Vận tải đưa ra.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc đầu tư dự án đường sắt tốc độ 350 km một giờ chỉ để chở khách mà không phục vụ vận tải hàng hóa là quá dư thừa và lãng phí.
Eximbank chưa hết sóng gió, Chủ tịch HĐQT bất ngờ xin từ chức
Ông Cao Xuân Ninh, Chủ tịch HĐQT Eximbank vừa có đơn xin từ nhiệm vị trí của mình chỉ sau hơn một tháng nhận nhiệm vụ.
Trong đơn từ nhiệm, ông Ninh viết: "Trong thời gian qua HĐQT Eximbank và nói rộng ra là cổ đông, nhóm cổ đông có quá nhiều bất đồng khó dung hòa dẫn đến các tranh chấp nội bộ gây khó khăn rất lớn trong quản trị, điều hành, ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh và hoạt động của ngân hàng".
Ông Cao Xuân Ninh, Chủ tịch HĐQT Eximbank vừa có đơn xin từ nhiệm vị trí của mình chỉ sau hơn một tháng nhận nhiệm vụ.
Trước tình hình đó, ông Ninh cho biết cá nhân ông nỗ lực hết mình và đã mạnh dạn, thể theo yêu cầu của đa số thành viên HĐQT. Nhận thấy mâu thuẫn, bất đồng giữa các cổ đông, nhóm cổ đông, trong nội bộ còn tiếp diễn chưa thể dung hòa nên ông Ninh xin từ chức chủ tịch HĐQT.
Trước đó, ngày 21/6, đại hội đồng cổ đông Eximbank lần 2 được triệu tập. Tuy nhiên, do quy chế đại hội không được cổ đông thông qua nên đại hội đã không thành công.
Tiết lộ dự án khiến "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản bị khởi tố
Theo thông tin từ website Công an TP Hà Nội, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự tội “Lừa dối khách hàng” xảy ra tại Dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes (CT6), phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.
Cơ quan chức năng cũng ra quyết định khởi tố bị can và ra Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can Lê Thanh Thản (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần sản xuất - xuất nhập khẩu Bemes) về tội “Lừa dối khách hàng”.
Theo thông tin trên một số tờ báo, dự án trên được quy hoạch gồm 2 tòa CT6A và CT6B. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã xây dựng 3 tòa nhà, tức là thêm 1 tòa so với phê duyệt. Dự án CT6 Bemes theo thiết kế chỉ có 936 căn hộ cao tầng và 34 biệt thự liền kề. Tuy nhiên, công ty đã xây tổng cộng 1.590 căn hộ và 38 nhà liền kề.
Tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes (CT6), phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội liên quan tới việc ông Lê Thanh Thản bị khởi tố.
Trước đó, nhiều cư dân tại đây đã có đơn kiến nghị các cơ quan chức năng Hà Nội về việc đã chuyển về ở vài năm nhưng không được cấp sổ đỏ.
Đại gia game Nhật Bản Nintendo chuyển hướng sang Việt Nam?
Tuần qua, một số tờ báo tại Việt Nam đã dẫn nguồn của Nikkei cho biết, hãng Nintendo của Nhật Bản sẽ chuyển một số cơ sở sản xuất thiết bị chơi game cầm tay (Switch) từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Theo lý giải của tờ này, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc đã đe dọa, tác động xấu đến hoạt động sản xuất thiết bị trò chơi này.
Trong năm tài khóa 2018, theo tính toán, có khoảng 17 triệu máy trò chơi của Nintendo được sản xuất và khoảng 40% được bán tại Mỹ. Giá của một bộ Switch tại Mỹ là khoảng 300USD. Công ty của Nhật Bản lo lắng, mức giá này sẽ đội lên nếu Mỹ tăng thuế với hàng hóa từ Trung Quốc.
Trước đó, nhiều thông tin cũng cho rằng, Sharp đang lên kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất máy tính cá nhân từ Trung Quốc sang Việt Nam. Hiện tại, số lượng máy tính xách tay của Sharp xuất sang thị trường Mỹ là khoảng 10.000 chiếc/tháng, chiếm khoảng 10% tổng số lượng máy tính xách tay của hãng này.
Doanh thu tuần của Tập đoàn Vingroup năm 2018 lên tới hơn 122.000 tỷ đồng.