Nóng trong tuần: Bỏ qua Bamboo Airways, Vinpearl Air, đại gia lạ thâu tóm giới "siêu VIP"
Vietstar Airlines hiện là doanh nghiệp hàng không lưỡng dụng đầu tiên được cấp AOC thương mại cho máy bay phản lực thương gia tại Việt Nam.
Vietstar Airlines được cấp chứng nhận khai thác tàu bay
Cục Hàng không Việt Nam đã cấp chứng nhận khai thác tàu bay (AOC) cho Công ty cổ phần hàng không Lưỡng dụng Ngôi sao Việt (Vietstar Airlines). Hai loại máy bay được cấp phép là Embraer Legacy 600 và Beechcraft King Air B300.
Embraer Legacy 600 là tàu bay phản lực thương gia hiện đại có tầm bay thẳng lên tới 8 giờ trong bán kính khu vực châu Á Thái Bình Dương. Trong khi ấy, Beechcraft King Air B300 là tàu bay cánh quạt hiện đại, có tốc độ cao, lắp 8 ghế du lịch.
Công ty cổ phần hàng không Lưỡng dụng Ngôi sao Việt (Vietstar Airlines) chính thức được cấp AOC.
Theo kế hoạch, Vietstar Airlines sẽ ký hợp đồng cung cấp dịch vụ bay VIP cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Vietstar Airlines hiện là doanh nghiệp hàng không lưỡng dụng đầu tiên được cấp AOC thương mại cho máy bay phản lực thương gia tại Việt Nam.
Vietstar có trụ sở chính tại TP HCM, được thành lập từ 3 cổ đông chính là: Công ty Sửa chữa máy bay A41 (Quân chủng Phòng không - Không quân, Bộ Quốc Phòng), Công ty Cổ phần Hàng không Ngôi Sao Việt và Công ty Cổ phần Chuyển phát nhanh Tín Thành.
Công viên nước Đầm Sen dính lỗ khủng
Công ty CP Công viên nước Đầm Sen (DSN) vừa công bố báo cáo tài chính bán niên năm 2019 với doanh thu thuần tăng 7,7% lên gần 138 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của công ty cũng tăng trưởng khoảng 6% lên 62 tỷ đồng.
Tuy vậy, đáng chú ý trong báo cáo là, tính đến ngày 30/6, DSN đã phải trích lập dự phòng gần 25 tỷ đồng cho khoản đầu tư vào Ngân hàng Việt Á. Doanh nghiệp này đã đầu tư mua vào 2,12 triệu cổ phiếu VAB Ngân hàng TMCP Việt Á với mức giá 15.065 đồng/cổ phiếu.
Ngoài ra, phía Đầm Sen còn phải trích lập dự phòng toàn bộ cho khoản đầu tư trị giá 2,5 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Khải Hoàn Môn để nắm giữ 21,84% vốn điều lệ.
Công ty CP Công viên nước Đầm Sen vốn điều lệ 121 tỷ đồng, do cổ đông lớn nhất là Công ty CP Dịch vụ Du lịch Phú Thọ sở hữu 33,54% vốn điều lệ. Tổng tài sản của Công viên nước Đầm sen tính đến cuối quý còn 255 tỷ đồng, giảm so với trước đó. Nợ phải trả của Đầm Sen hiện lên tới 40 tỷ đồng do phát sinh các khoản thuế, phải trả người lao động.
Hà Nội lên kế hoạch thu phí phương tiện vào nội đô
UBND TP Hà Nội vừa báo cáo HĐND TP việc thực hiện nghị quyết về đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030" trong đó có việc thu phí phương tiện cơ giới vào nội đô.
Việc thu phí phương tiện cơ giới vào nội đô đang được Hà Nội tính tới.
Theo nội dung thuyết minh, khu vực đầu tiên được đề xuất xác định để phân vùng cho ô tô sẽ phải đóng phí là từ vành đai 3 trở vào. Tại đây, thành phố sẽ lập trạm thu phí tự động và sẽ không gây ảnh hưởng đến hoạt động của các phương tiện, không gây ùn tắc giao thông.
Qua đó, chủ phương tiện ô tô sẽ phải mở tài khoản ngân hàng, trang thiết bị thu phí phát tín hiệu tự động để tự nhận biết và trừ tiền trong tài khoản.
Việc thu phí tự động theo giải thích cũng sẽ giúp cơ quan chức năng có cơ sở phạt nguội khi ô tô đi vào nội đô vi phạm các lỗi: dừng đỗ sai quy định, vượt đèn đỏ, chạy sai làn…
Asanzo bất ngờ khởi kiện, yêu cầu bồi thường
Vụ việc của Công ty Asanzo bất ngờ nóng lên trong tuần qua khi TAND quận 11, TP.HCM cho biết đã nhận được đơn của phía Asanzo khởi kiện báo Tuổi Trẻ yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại.
Theo phía Asanzo, các tội danh mà báo Tuổi Trẻ quy kết cho Asanzo như “thay đổi xuất xứ hàng hóa”, “lừa người tiêu dùng”, “qua mặt cơ quan quản lý”, “lập công ty ma”…là hoàn toàn sai sự thật, xuyên tạc khi chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền hay bản án có hiệu lực pháp luật.
TAND quận 11 đang xem xét đơn khởi kiện này theo trình tự tố tụng. Sau 8 ngày làm việc kể từ ngày nộp đơn kiện, tòa sẽ thông báo kết quả xử lý đơn.
TAND quận 11 đang xem xét đơn khởi kiện của Asanzo với báo Tuổi trẻ.
Trước đó, cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án “buôn lậu” xảy ra tại công ty TNHH sản xuất thương mại Sa Huỳnh (trụ sở ở đường Trần Xuân Soạn, Q.7). Công an xác định vụ công ty Sa Huỳnh nhập hàng Trung Quốc gắn mác Asanzo là có dấu hiệu buôn lậu, trốn thuế.
Ông lớn taxi truyền thống báo lãi tăng đột biến
Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam, doanh nghiệp sở hữu hãng taxi Vinasun, vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II với nhiều kết quả đẹp.
Cụ thể, Vinasun đạt doanh thu thuần 524 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước là 530 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí tài chính và bán hàng trong quý giảm là giúp lợi nhuận sau thuế của Vinasun tăng hơn 120% so với cùng kỳ, lên xấp xỉ 29 tỷ đồng.
Tính chung 6 tháng, Vinasun ghi nhận doanh thu thuần 1.058 tỷ đồng, tăng 4% so với nửa đầu năm 2018. Riêng dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi có doanh thu là 918 tỷ đồng, cao hơn 6% so với cùng kỳ năm trước.
Năm nay Vinasun đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 2.140 tỷ đồng với lợi nhuận sau thuế xấp xỉ 100 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2018 là quãng thời gian tồi tệ của Vinasun với lợi nhuận chạm đáy. Đây cũng là khoảng thời gian Vinasun và Grab liên tục "đụng độ".
Môi giới á hậu bán dâm nghìn đô, “tú ông“ Kiều Đại Dũ lĩnh 5 năm tù; Thực nghiệm hiện trường vụ nữ...