Giá đất nhảy múa theo quy hoạch dự án, chênh lệch giá vàng miếng,... thành vấn đề nóng tại Quốc hội
Giá đất nhảy múa, bong bóng chứng khoán, thao túng giá vàng miếng,... là những vấn đề "nóng" nhận được sự quan tâm của dư luận và nghị trường Quốc hội trong tuần qua.
Giá đất “nhảy múa” theo các đề án quy hoạch đường vành đai
Tại phiên thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 TP HCM, Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) bày tỏ: "Chỉ mới nghe Quốc hội thảo luận, xem xét các dự án đường vành đai thì giá đất xung quanh khu vực này đã sôi lên, và giá tăng lên rất nhiều lần. Điều này cho thấy tiềm năng tạo nguồn lực từ quỹ đất đai xung quanh các tuyến đường này là vô cùng lớn". Đại biểu cho rằng nếu không có biện pháp khai thác thì nguồn lực này nó sẽ bị lãng phí.
"Chỉ mới nghe Quốc hội thảo luận, xem xét các dự án đường vành đai thì giá đất xung quanh khu vực này đã sôi lên, và giá tăng lên rất nhiều lần” - Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội).
Đại biểu Tạ Thị Yên- Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên cho rằng hai tuyến đường sẽ mở ra nhiều quỹ đất dọc theo tuyến, nhất là tại các nút giao cắt với hệ thống giao thông hiện hữu, đại biểu đề nghị cần thực hiện chặt chẽ việc quản lý bán đấu giá quyền sử dụng đất, quản lý quy hoạch xây đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật…
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng giá đất tăng nóng theo các dự án đường vành đai đang được Quốc hội thảo luận - Ảnh Quốc hội
Tiếp thu ý kiến của những đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết mục đích các dự án lần này có sự thay đổi về cách tiếp cận. Theo đó phải đảm bảo được kết nối vùng, liên kết vùng, giảm ùn tắc, ô nhiễm; phải mở rộng được không gian phát triển cho hai thành phố và cho cả vùng; phải nâng cao được sức cạnh tranh và phải biến nó thành một động lực cho phát triển.
Mục tiêu không chỉ để hình thành một tuyến hành lang giao thông mà phải biến nó thành một hành lang kinh tế, phải phát triển theo quy hoạch và thu hồi lại các giá trị địa tô tăng lên, đảm bảo giá trị địa tô được chia ra làm cho Nhà nước - nhà đầu tư - người dân đảm bảo hài hòa lợi ích.
Về giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, lần này cần phải tập trung để đẩy nhanh tiến độ và có những giải pháp để bảo đảm hiệu quả cao để không phải điều chỉnh dự án, không tăng tổng mức đầu tư, không làm xáo trộn vào sự ổn định và đối với người dân.
"Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 TP HCM không chỉ để hình thành một tuyến hành lang giao thông mà phải biến nó thành một hành lang kinh tế, phải phát triển theo quy hoạch và thu hồi lại các giá trị địa tô tăng lên, đảm bảo giá trị địa tô" - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội - Ảnh Quốc hội
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng làm rõ sự khác nhau về suất đầu tư giữa hai dự án; về nguồn vốn và khả năng hấp thụ vốn; về các cơ chế, chính sách trong quá trình thực hiện dự án để đảm bảo tiến độ; việc nâng công suất lên 50% đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thi công; về chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn di dời các công trình hạ tầng hay xây dựng, tái định cư; việc quản lý chặt chẽ quỹ đất ở hai bên đường từ quy hoạch cho đến quản lý, khai thác, đấu thầu, thu tiền về cho nhà nước, phát triển cho bài bản, đúng quy hoạch. Việc này vai trò của địa phương rất quan trọng, Bộ trưởng nhấn mạnh.
“Không phát hiện thất thu thuế” với xe biếu tặng
Đại biểu Trần Hồng Nguyên (đoàn Bình Thuận) nêu: "Trong thời gian qua, báo chí phản ánh về hiện tượng xe biếu tặng, đây thực chất là cách lách luật, trốn thuế, làm thất thu ngân sách nhà nước" và Bộ Tài chính giải thích rõ thêm về vấn đề này.
"Hiện tượng xe biếu tặng, đây thực chất là cách lách luật, trốn thuế, làm thất thu ngân sách nhà nước" - Đại biểu Trần Hồng Nguyên (đoàn Bình Thuận)
Trả lời đại biểu Trần Hồng Nguyên (đoàn Bình Thuận) về việc xe biếu tặng, Bộ trưởng Phớc cho biết đã giao Tổng cục Hải quan làm việc với C03 của Bộ Công an, tổ chức họp và kiểm tra nhiều lần nhưng vẫn chưa có kết quả. Bộ Tài chính cho rằng lợi dụng lỗ hổng nhiều loại xe vì bán được ít nên không có đại lý, các doanh nghiệp chuyển sang hình thức biếu tặng. Mà biếu tặng thì theo quy định không được giảm loại thuế nào, không được miễn thuế nào từ nhập khẩu tới tiêu thụ đặc biệt.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn - Ảnh Quốc hội
“Chúng tôi đã giao Tổng cục Hải quan làm việc với C03 của Bộ Công an, tổ chức họp và kiểm tra nhiều lần nhưng vẫn chưa có kết quả” - Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc
"Đúng là khi doanh nghiệp kê khai có kê khai theo giá thấp nhưng cơ quan hải quan căn cứ vào quy định của hải quan với bảng thuế, xác định tăng lên, xác định lại để truy thu thuế", ông Phớc nói và thông tin theo báo cáo của cơ quan hải quan, không phát hiện thất thu thuế trong nhập xe biếu tặng.
Đại biểu Quốc hội lo ngại bong bóng chứng khoán
Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) nêu vấn đề giá trị vốn hóa của doanh nghiệp đang gấp nhiều lần giá trị lúc phát hành lần đầu (IPO). Theo Đại biểu, sự gia tăng này phản ánh tính hấp dẫn của kênh đầu tư, nhưng cũng có tác động lớn của các chiêu trò đầu cơ, thổi giá lũng đoạn thị trường, tạo ra "bong bóng chứng khoán".
“Có tác động lớn của các chiêu trò đầu cơ, thổi giá lũng đoạn thị trường, tạo ra "bong bóng chứng khoán"” - Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang)
"Đề nghị Bộ trưởng đánh giá về mức độ bong bóng của thị trường chứng khoán nước ta hiện nay? Bộ Tài chính có những công cụ, Bộ chỉ báo nào để nhận diện, đánh giá tính chất mức độ bong bóng chứng khoán, giải pháp gì để thị trường chứng khoán phát triển ổn định trong thời gian tới?", ông Lâm đặt vấn đề.
Trả lời câu hỏi của Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Phớc cho biết thị trường chứng khoán đang có bước phát triển tốt, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2021 khoảng 26%. Đối với thị trường cổ phiếu, năm 2021, giao dịch đạt gần 7,7 triệu tỷ đồng, chiếm 92% GDP và tăng 46,7% so với năm 2020. Trái phiếu doanh nghiệp thì đạt 1,37 triệu tỷ đồng, tương đương 15% GDP.
Theo Bộ trưởng Phớc, thị trường chứng khoán của Việt Nam còn non trẻ, mới chỉ 22 năm, nhưng có nhiều tín hiệu tích cực, trong khi các nước tiên tiến đã có trên 500 năm rồi.
Đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng thị trường chứng khoán đang có phát triển đáng kể nhưng cũng có những chiêu trò thao túng, đầu cơ - Ảnh Quốc hội
Tuy nhiên, thời gian qua xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi. Nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh, nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa đảm bảo chất lượng. Theo Bộ trưởng, đây là những sai phạm của cá nhân.
Để làm sạch thị trường vốn, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết Bộ Tài chính đã trình Chính phủ sửa Nghị định 153; tăng cường công tác kiểm tra, đưa trí tuệ nhân tạo vào để theo dõi các nghiệp vụ phát sinh; theo dõi sự lên xuống đột ngột của các cổ phiếu; thiết lập sàn riêng để theo dõi trái phiếu riêng lẻ… Qua kiểm tra, Bộ Tài chính cũng đã phát hiện nhiều vi phạm, có cả trường hợp lợi dụng thị trường chứng khoán để rửa tiền.
“Bộ Tài chính đã phát hiện nhiều vi phạm, có cả trường hợp lợi dụng thị trường chứng khoán để rửa tiền” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc
"Cán bộ Bộ Tài chính cũng có trách nhiệm trong việc này. Chúng tôi đã cách chức 2 cán bộ lãnh đạo, cảnh cáo 2 cán bộ, kiểm điểm nhiều người khác, trong đó có Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán, Tổng giám đốc HoSE bị cách chức...", Bộ trưởng cho biết.
Bộ đã chuyển cho cơ quan điều tra để xử lý nghiêm. Tiến tới, Bộ Tài chính sẽ đề nghị Quốc hội hoàn thiện Luật Chứng khoán, quy định rõ điều kiện phát hành với một số lằn ranh.
Siết trái phiếu Doanh nghiệp theo tinh thần “không quản được thì cấm”?
Nêu nhức nhối, bất cập về vấn đề phát hành trái phiếu, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) lấy ví dụ có doanh nghiệp bất động sản phát hành với lãi suất cao là gần 13%; có doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu 153 tỷ đồng nhưng phát hành tới 7.200 tỷ đồng; có công ty phát hành 7.700 tỷ đồng trái phiếu nhưng vốn chủ sở hữu chỉ có 270 tỷ đồng.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, phải chăng thời gian qua đã có sự buông lỏng quản lý đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh Quốc hội
"Có doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu 153 tỷ đồng nhưng phát hành trái phiếu tới 7.200 tỷ đồng" - đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM)
Đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Tài chính, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cho biết “Bộ Tài chính có giải pháp nào để làm lành mạnh hóa thị trường thay vì các quy định siết chặt theo tinh thần là không quản được thì cấm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của thị trường?".
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trương Trọng Nghĩa về câu chuyện phát hành trái phiếu, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết đối với trái phiếu doanh nghiệp theo số liệu do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo dõi, con số là tương đương 15% GDP. "Thế thì vấn đề là từ trước tới giờ, trái phiếu doanh nghiệp có bị không đảo nợ, không trả nợ không thì chỉ trừ trường hợp Tân Hoàng Minh hiện nay chưa trả nợ do hủy giao dịch, còn lại các doanh nghiệp đến hạn đều trả được nợ. Có nghĩa dòng trái phiếu doanh nghiệp vẫn trung chuyển bình thường", Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.
Trả lời Đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Bộ trưởng Tài chính cho biết, hiện nay, không có chủ trương nào nói về vấn đề siết chặt trái phiếu doanh nghiệp. Đây là kênh huy động vốn hiệu quả để huy động cho doanh nghiệp, đóng góp cho sản xuất kinh doanh.
“Không có chủ trương nào nói về vấn đề siết chặt trái phiếu doanh nghiệp” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc
Tuy nhiên, Bộ trưởng nhấn mạnh việc huy động phải đúng pháp luật, minh bạch, không được lợi dụng để sử dụng số tiền sai mục đích, đưa vào mục đích khác.
Quy mô trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam đang khoảng 1.374.000 tỷ đồng, chiếm 15% GDP. So với mục tiêu mà Thủ tướng ban hành thì đến năm 2025, chúng ta phải đạt được 20% và đến năm 2030 đạt được 25%. So với các nước xung quanh, quy mô trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam cũng đang ở mức thấp nhất, vẫn còn dư địa phát triển.
Bộ trưởng Tài chính cho biết, hiện nay, không có chủ trương nào nói về vấn đề siết chặt trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh Quốc hội
Sau trả lời của Bộ trưởng Tài chính, Chủ tịch Vương Đình Huệ cho rằng việc Bộ trưởng so thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam với các nước thì khập khiễng, vì các nước phát triển thị trường này lâu đời rồi, Việt Nam mới sơ khai.
“Mặc dù cơ quan nào cũng nói không có động thái siết trái phiếu doanh nghiệp, nhưng 2 tháng gần đây đã giảm mạnh” - Chủ tịch Vương Đình Huệ
"Riêng năm 2021 tăng rất đột biến và để xảy ra những sai phạm như Đại biểu đã biết. Cần rà soát xem chính sách pháp luật có gì bất cập không, hoàn thiện thời gian tới như thế nào, thanh tra kiểm tra làm sao", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Cũng theo ông Vương Đình Huệ, mặc dù cơ quan nào cũng nói không có động thái siết trái phiếu doanh nghiệp, nhưng 2 tháng gần đây đã giảm mạnh. Chủ tịch cũng đặt vấn đề liên quan tới nợ đến hạn một số trái chủ. Nợ đến hạn năm nay rất lớn, vậy thanh khoản khu vực này như thế nào, Chủ tịch đặt vấn đề.
Chủ tịch Vương Đình Huệ cho rằng việc Bộ trưởng so thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam với các nước thì khập khiễng - Ảnh Quốc hội
Có sự bắt tay, thao túng về giá vàng miếng SJC hay không?
Câu chuyện giá vàng miếng SJC chênh lệch quá lớn (có thời điểm lên tới gần 20 triệu đồng mỗi lượng) so với giá vàng thế giới quy đổi và các thương hiệu vàng miếng khác đã không chỉ làm người dân, nhà đầu tư thấy bức xúc, mà khiến nhiều đại biểu Quốc hội cũng thấy rất bất hợp lý. Đặc biệt nhiều người đặt dấu hỏi liệu có sự bắt tay, thao túng về giá vàng miếng SJC trên thị trường hiện nay hay không?
“Liệu có trường hợp bắt tay, thao túng giá vàng miếng SJC trên thị trường hay không? – ĐBQH Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội)
Tại phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội) đặt câu hỏi: “NHNN đã tiến hành thanh tra, kiểm tra yếu tố hình thành giá khi giá vàng miếng biến động hay chưa. Liệu có trường hợp bắt tay, thao túng giá vàng miếng SJC trên thị trường hay không và bao giờ NHNN sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng".
Ngoài ra, đại biểu Thủy còn đặt ra câu hỏi việc độc quyền một thương hiệu vàng quốc gia là SJC có phải là một trong những nguyên nhân dẫn đến giá vàng miếng SJC tăng cao.
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp - Ảnh Quốc hội
“Có nên để SJC độc quyền hay không?” - ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp)
Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết Nghị định 24 của Chính phủ ban hành cách đây 10 năm, lúc đó giá vàng SJC cũng chỉ khoảng 30-35 triệu đồng/lượng, còn hiện nay giá vàng đang lên đến gần 70 triệu đồng/lượng. “Có nên để SJC độc quyền hay không? Hay Ngân hàng giao đơn vị, tổ chức làm một thương hiệu vàng khác để giảm sự độc quyền của SJC, thị trường vàng hạ xuống. Giá vàng cứ tăng thế này thì lạm phát sẽ tăng, tiền đồng mất giá”, ông Hòa nêu quan điểm.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết giá vàng trên trường quốc tế diễn biến rất phức tạp và khó lường, bởi chịu tác động của nhiều yếu tố. Trong khi đó, giá vàng trong nước có cùng xu hướng với giá vàng thế giới. "Nhưng tốc độ điều chỉnh tăng của giá vàng trong nước nhanh hơn và tốc độ điều chỉnh giá vàng xuống lại chậm hơn giá vàng của thế giới", bà Hồng nói.
“SJC mua cao thì bán cao, nên người dân chọn mua thương hiệu này thì khi mua cao, bán sẽ được giá" - Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng
Lãnh đạo NHNN thông tin thêm giá vàng của các thương hiệu khác ngoài SJC, tức là vàng nguyên liệu, về cơ bản, chênh lệch giá so với quốc tế chỉ khoảng 2 triệu đồng/lượng. Riêng giá vàng SJC chênh ở mức lớn, lên đến khoảng 16-17 triệu đồng/lượng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trả lời vấn đề đại biểu quan tâm liên quan đến vấn đề chênh lệch giá vàng - Ảnh Quốc hội
“SJC mua cao thì bán cao, nên người dân chọn mua thương hiệu này thì khi mua cao, bán sẽ được giá. Còn mua thương hiệu khác thì mua thấp, bán thấp”, bà nói thêm.
Trong phát biểu kết thúc nội dung chất vấn đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, ngân hàng là lĩnh vực rất quan trọng, là huyết mạch của nền kinh tế, việc bảo đảm an toàn và phát triển lành mạnh ngành ngân hàng luôn được đại biểu Quốc hội, cử tri, nhân dân đặc biệt quan tâm.
Liên quan đến vấn đề giá vàng, Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý về tiền tệ, quản lý ngoại hối, vàng và hoạt động ngân hàng, bảo đảm an toàn hoạt động hệ thống các tổ chức tín dụng như tổ chức tín dụng, Luật Bảo hiểm tiền gửi, Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Phòng, chống rửa tiền…
Nguồn: [Link nguồn]