Nỗi xót xa của ông chủ mới đậu phộng Tân Tân sau hơn 10 năm mua cổ phần
"Từ chuyện mua cổ phần của mình, tôi cũng muốn cảnh báo đến mọi người, để công chúng cảnh giác khi mua cổ phần”, Chủ tịch CTCP Tân Tân chua xót.
Bỏ tiền tỷ mua cổ phần rồi lận đận kiện tụng
Hơn 1 tháng sau khi Viện Kiểm sát TP.Dĩ An (Bình Dương) truy tố ông Trần Quốc Tân, cựu Chủ tịch HĐQT CTCP Tân Tân về tội “trốn thuế” và “không chấp hành bản án”, chủ mới của Tân Tân vẫn rong ruổi đi đòi quyền lợi sau hơn 10 năm mua cổ phần từ ông Tân.
Đến ngày 17/8, ban lãnh đạo mới của CTCP Tân Tân vẫn chưa thể vào được trụ sở công ty cũng như nhà máy để tiếp quản hoạt động sản xuất kinh doanh. Đến con dấu và quyền sở hữu công nghiệp với các nhãn hiệu “Tân Tân” ban lãnh đạo mới cũng phải chờ phán quyết.
Khu nhà máy rộng gần 4,5ha của đậu phộng Tân Tân. Ảnh: Xuân An
Trả lời PV VietNamNet ngày 17/8, ông Lê Hồng Phương, Chủ tịch HĐQT CTCP Tân Tân chia sẻ về lý do mua hơn 3,6 triệu cổ phần cách đây 13 năm. Số cổ phần này được ông Tân chuyển nhượng cho bà Nguyễn Thị Thanh, tương đương 45,8% vốn điều lệ của công ty.
Ông Phương rành rọt kể lại: "Lúc ấy, công ty thiếu tiền sản xuất, nợ nần, nên chúng tôi muốn mua cổ phần để cùng sản xuất, vực dậy công ty này. Khi tình hình sản xuất ổn định trở lại, có thể bán một phần cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Mình cũng muốn sản xuất hàng để bán sang thị trường Úc".
Tuy nhiên, đó lại là khởi đầu cho suốt thập kỷ ròng rã đi đòi quyền lợi cổ đông.
Ngày 5/7/2011, ông Trần Quốc Tân ký hợp đồng chuyển nhượng hơn 3,6 triệu cổ phần cho bà Nguyễn Thị Thanh. Giá chuyển nhượng là 3.000 đồng/cổ phần; tổng giá trị chuyển nhượng 11 tỷ đồng.
Nhưng, 23 ngày trước khi hợp đồng trên được ký, ngày 12/6/2011, ông Tân đã đại diện công ty ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp cho ông Trần Quốc Gia Lộc (con trai ông Tân) đối với 2 nhãn hiệu “Tân Tân và hình vẽ con tôm”, “Tân Tân và hình ông già đậu phộng”. Theo đó, việc chuyển nhượng này không phải trả bất cứ khoản phí nào (miễn phí).
Đáng chú ý, trước đó, HĐQT CTCP Tân Tân do ông Tân làm chủ tịch đã họp vào ngày 1/6/2011 để thông qua vấn đề chuyển nhượng toàn bộ quyền sở hữu nhãn hiệu này cho ông Trần Quốc Gia Lộc.
Biên bản cuộc họp ghi nhận ý kiến ông Trần Quốc Tân như sau: "Các nhãn hiệu hàng hoá này trước đây là sở hữu của cá nhân ông, vì muốn tạo điều kiện cho Công ty TNHH cổ phần chế biến thực phẩm Tân Tân trước đây và hiện nay đã chuyển đổi thành Công ty cổ phần Tân Tân nên ông đã cho công ty mượn sử dụng dưới hình thức pháp lý chuyển nhượng không có phí chuyển nhượng. Nay do nhu cầu sử dụng nên ông Trần Quốc Tân yêu cầu công ty trả lại với hình thức chuyển nhượng không có phí cho người được thụ hưởng để sử dụng là cá nhân ông Trần Quốc Gia Lộc (con ruột của ông)”.
Tiếp đó, ngày 25/10/2012, một người con khác của ông Tân là Trần Quốc Gia Phước cũng thành lập Công ty TNHH MTV TANS (sau này đổi tên thành Công ty TNHH MTV Thương mại - Sản xuất - Trồng trọt Tân Tân). Giám đốc Trần Quốc Gia Phước sinh năm 1992, thời điểm mới 20 tuổi. Một trong những ngành nghề kinh doanh của công ty là sản xuất món ăn, thức ăn chế biến sẵn. Cụ thể, sản xuất hàng nông sản như đậu phộng, hạt điều, hạt dẻ, hạt hướng dương, đậu nành...
Ngày 27/10/2014, Cục Sở hữu trí tuệ mới ban hành Quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp như nêu tại hợp đồng chuyển nhượng ngày 12/6/2011.
Ngày 1/7/2015, ông Trần Quốc Tân - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Tân Tân khi đó - đứng ra cho công ty của con trai thuê lại nhà xưởng và kho của CTCP Tân Tân từ tháng 7/2015 tới năm 2030 với tổng diện tích 12.266m2. Giá thuê chỉ là 100 triệu đồng/tháng.
Sản phẩm đậu phộng Tân Tân xuất hiện trên thị trường suốt cả chục năm qua không phải sản xuất tại CTCP Tân Tân. Đó là sản phẩm do Công ty TNHH MTV Thương mại - Sản xuất - Trồng trọt Tân Tân sản xuất.
Giờ đây, ban lãnh đạo mới của CTCP Tân Tân lại bắt đầu hành trình chờ phán quyết về thương hiệu Tân Tân đã được ông Trần Quốc Tân chuyển nhượng cho con trai suốt nhiều năm qua.
“Chúng tôi thiệt hại rất nhiều. Nếu số tiền đó năm 2011 chúng tôi bỏ ra mua đất, thì giờ bán lãi gấp hàng chục lần rồi”, ông Phương chua chát. “Rồi chúng tôi phải bỏ công ăn việc làm, không làm gì ra tiền được để đi đòi quyền lợi hợp pháp của mình sau khi mua cổ phần. Chưa kể vợ chồng, gia đình cũng mâu thuẫn vì thế. Nói chung là bao nhiêu năm nay, đi tới đi lui, đi xuôi đi ngược, rất mất thời gian”, ông kể tiếp.
Chỉ mong sớm được sản xuất trở lại
Hơn 10 năm đeo đuổi vụ việc, những lãnh đạo của CTCP Tân Tân đã thấm mệt. Suốt hành trình đó, đã có lúc ông Phương chỉ muốn lấy lại số tiền đầu tư. Còn giờ đây, mong muốn của ban lãnh đạo mới CTCP Tân Tân là đòi lại quyền lợi của mình, để sản xuất, trả nợ cho các nơi.
Ông cũng mong muốn toà án, cơ quan điều tra, viện kiểm sát có thể đẩy nhanh việc xử lý những vấn đề còn tồn tại, để có thể đưa công ty trở lại sản xuất.
“Mỗi sáng thức dậy là công ty phải gánh thêm hàng tỷ. Cộng lại các khoản nợ hiện nay cũng lên đến 300 tỷ rồi, lãi suất trung bình 9%/năm thì tính coi là bao nhiêu tiền rồi”, Chủ tịch CTCP Tân Tân giãi bày và dự định nếu sản xuất được trở lại, ông sẽ ưu tiên trả lương cán bộ công nhân viên, bảo hiểm xã hội, tiền thuế.
“Ba nơi đó ưu tiên trước, mà ưu tiên nhất là trả lương nhân viên bởi vì người ta khổ sở suốt bao năm nay rồi. Người ta làm lụng cực khổ mà lương bị khất thì đâu có đúng”, ông Phương bộc bạch.
Mong muốn lớn nhất của Ban lãnh đạo CTCP Tân Tân là muốn vụ việc được giải quyết sớm. Bởi vì, họ đã đi theo con đường luật pháp để giải quyết các tranh chấp nhưng mười mấy năm chưa xong.
“Từ chuyện mua cổ phần của mình, tôi cũng muốn cảnh báo đến mọi người, để công chúng cảnh giác khi mua cổ phần của bất cứ công ty nào”, ông Phương chia sẻ.
Nguồn: [Link nguồn]
Chủ cũ vừa bị truy tố, công ty sản xuất Đậu phộng Tân Tân nổi tiếng đã ngừng hoạt động từ năm 2013, nhưng sản phẩm này vẫn làm mưa làm gió trên thị trường suốt 11 năm qua. Vậy đậu phộng vẫn bán có phải hàng giả?