"Nội chiến" bùng nổ, cơ ngơi đại gia xây dựng số 1 Việt Nam "bốc hơi" chục nghìn tỷ đồng
Thị trường chứng khoán lại tiếp tục đảo chiều tăng điểm với sự bùng nổ của một loạt mã cổ phiếu ngân hàng.
Đóng cửa phiên giao dịch, VN-Index tăng 6,37 điểm (0,73%) lên 881,17 điểm; HNX-Index tăng 2,5% lên 116,49 điểm và UPCom-Index tăng 0,63% lên 55,33 điểm. Thanh khoản thị trường giảm so với phiên trước nhưng vẫn ở mức khá cao với giá trị khớp lệnh 3 sàn đạt hơn 6.700 tỷ đồng.
VN-Index tăng 6,37 điểm (0,73%) lên 881,17 điểm.
Các cổ phiếu như ACB, BID, CTG, MBB, SHB, VCB, HDB, VPB, TCB, TPB…đồng loạt bứt phá mạnh kéo theo sự hưng phấn trên toàn thị trường.
Bên cạnh đó, các Bluechips như FPT, MSN, VIC, VNM, PLX, VRE, PNJ, VHM, MWG…cũng tăng điểm giúp sắc xanh thị trường được củng cố.
Đà tăng không chỉ tập trung ở nhóm vốn hóa lớn mà lan tỏa ra nhiều nhóm ngành. Các cổ phiếu dầu khí GAS, PVS, PVD, PVB, PVC, PVT…cũng tăng điểm trong bối cảnh giá dầu thế giới hồi phục mạnh. Nhóm khu công nghiệp cũng thu hút dòng tiền với nhiều mã tăng như GVR, PHR, D2D, BCM, IDC, ITA, KBC, SIP…
CTD tiếp tục giảm điểm.
Ở chiều giảm điểm, CTD đang là cái tên nổi bật nhất khi giảm 5,84% xuống 67.700 đồng. Đây là phiên giảm điểm thứ hai liên tiếp của cổ phiếu này. Tính chung 1 tuần qua, CTD mất gần 3% giá trị.
Một cuộc chiến mới lại nổi lên trong nội bộ DN xây dựng số 1 tại Việt Nam khiến nhiều người lo ngại giá cổ phiếu lại bước vào một đợt giảm giá mới, sau cú tụt giảm từ mức khoảng 230 ngàn đồng (giá điều chỉnh) xuống 45.000 đồng/cp hồi cuối tháng 3 vừa qua.
Tính ở thời điểm hiện tại, giá trị vốn hóa của doanh nghiệp bốc hơi cả chục ngàn tỷ đồng so với thời kỳ đỉnh cao.
Ông Nguyễn Bá Dương - Chủ tịch HĐQT CTD.
Được biết, Cổ phiếu Coteccons (CTD) giảm mạnh sau khi cổ đông lớn là Kustocem (sở hữu 17,55% cổ phần) gửi thông báo đến các cơ quan chức năng về việc triệu tập cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường cho CTD vào ngày 13/07 sắp tới, với ngày đăng ký cuối cùng là 22/06.
Theo đó, Kustocem Pte. Ltd. - cổ đông có trụ sở tại Singapore đang nắm giữ 17,55% cổ phần Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) vừa thông báo triệu tập đại hội cổ đông bất thường vào giữa tháng 7. Mục đích nhằm bầu Hội đồng quản trị mới và chỉ định kiểm toán độc lập hoạt động của Coteccons từ 2017 đến nay để làm rõ vấn đề xung đột lợi ích, giao dịch với các bên liên quan.
Lý giải việc đơn phương triệu tập cuộc họp bất thường, Kusto cho biết đã yêu cầu Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát Coteccons tổ chức họp từ 23/4 nhưng không được đồng ý. Ban kiểm soát quyết định không tự tổ chức cuộc họp bất thường vì không nhận được sự hợp tác, thậm chí là cản trở từ Hội đồng quản trị và ban giám đốc.
"Vì vậy, Kusto có toàn quyền hợp pháp để thay mặt Coteccons triệu tập cuộc họp theo Luật Doanh nghiệp và điều lệ công ty".
Nhóm này nhận định đây không phải mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông, mà là giữa tất cả cổ đông với đội ngũ quản lý. "Việc tiếp tục trao quyền quản lý cho đội ngũ quản lý cao cấp hiện tại là một rủi ro sống còn cho Coteccons và có thể phá hủy tất cả giá trị cổ đông. Chúng tôi yêu cầu họ ngay lập tức từ chức khỏi tất cả các vị trí trong Coteccons", thông báo viết.
Sau khi Cổ đông lớn Kusto phát đi thông cáo báo chí yêu cầu ban lãnh đạo chủ chốt Coteccons từ chức đơn phương tổ chức ĐHĐCĐ bất thường để bầu HĐQT mới, Ban lãnh đạo Coteccons ngay hôm nay đã có văn bản phản hồi về sự việc.
Ông Nguyễn Sỹ Công – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons cho rằng hành động này đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá cổ phiếu CTD cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh. "Kusto phải chịu trách nhiệm với những nhận định mang tính chất thù địch và bôi nhọ danh dự của ban lãnh đạo Coteccons", thông cáo do ông Công ký cho hay.
Được biết, Kusto đầu tư vào Coteccons năm 2012 và đang nắm giữ 18,23% cổ phần Coteccons có quyền biểu quyết. Ngoài ra, nhóm này còn sở hữu 14,67% cổ phần thông qua Công ty TNHH MTV Kinh doanh và Đầu tư Thành Công.
Tuy nhiên, ông Công cho rằng đến nay nhóm cổ đông ngoại đã và đang đi ngược cam kết ban đầu trong việc phát triển doanh nghiệp, chưa đóng góp trực tiếp cho hoạt động kinh doanh. Một số thành viên đại diện cho Kusto trong Hội đồng quản trị Coteccons tham dự rất ít cuộc họp, thay vào đó uỷ quyền cho những cá nhân tại Việt Nam.
Đại diện Coteccons cũng cho rằng, khi Kusto ký thoả thuận cổ đông với ban lãnh đạo vào tháng 3/2012, hai bên đã thống nhất sẽ ủng hộ những quyết định cần thiết để hợp nhất Ricons (tiền thân là Phú Hưng Gia) vào Coteccons. Coteccons ban đầu sở hữu 20% cổ phiếu Ricons, sau đó giảm còn 14,87% do phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ.
Ricons chưa lên sàn chứng khoán, có phân khúc khách hàng riêng và đội ngũ nhân sự chất lượng nên tiềm năng tăng trưởng lớn. Đây là lý do Coteccons muốn sáp nhập Ricons để gia tăng thị phần nhưng nhóm Kusto bác bỏ. Tỷ lệ sở hữu cổ phần của ông Nguyễn Sỹ Công tại Ricons ít hơn so với tỷ lệ tại Coteccons. Trong khi đó, ông Nguyễn Bá Dương không sở hữu cổ phiếu Ricons.
"Vì vậy, việc vu cáo ban lãnh đạo Coteccons tập trung nguồn lực cho Ricons là hoàn toàn không có căn cứ", ông Công khẳng định.
Nguồn: [Link nguồn]
Dòng tiền ồ ạt đổ vào thị trường ngay từ phiên giao dịch đầu tiên của tháng 6 với thanh khoản toàn sàn lên tới hơn...