Nội bộ mâu thuẫn, “gã khổng lồ” ngành xây dựng Việt Nam bay 1.500 tỷ đồng

Đà tăng trưởng của doanh nghiệp xây dựng hàng đầu Việt Nam Coteccons đang cho thấy sự chững lại trong thời gian gần đây.

Kết quả kinh doanh năm 2018, CTCP Xây dựng Coteccons (CTD) – doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam đạt 28.561 tỷ đồng (1,23 tỷ USD), tăng trưởng 5% so với năm 2017; lợi nhuận sau thuế đạt 1.510 tỷ đồng, suy giảm 8,6%. Đây cũng là năm đầu tiên kể từ 2011, lợi nhuận của Coteccons ghi nhận sự đi xuống.

Theo kế hoạch kinh doanh năm 2019 đã được thống nhất tại Đại hội cổ đông thường niên mới đây, CTD đặt chỉ tiêu doanh thu 27.000 tỷ đồng, giảm gần 5,5%; lợi nhuận hợp nhất chỉ đạt 1.400 tỷ đồng, giảm mạnh 14% so với kết quả thực hiện được trong năm 2018.

Nội bộ mâu thuẫn, “gã khổng lồ” ngành xây dựng Việt Nam bay 1.500 tỷ đồng - 1

Đà tăng trưởng của Coteccons đang chững lại trong thời gian gần đây. Ảnh: Coteccons

Một nội dung đáng chú ý trong đại hội vừa rồi là việc Coteccons đã dự kiến trình phương án hoán đổi cổ phiếu để sở hữu 100% cổ phần Ricons (doanh nghiệp cũng hoạt động trong lĩnh vực xây dựng). Theo đó, Coteccons sẽ phát hành thêm cổ phần phổ thông cho các cổ đông của Ricons để thực hiện hoán đổi lấy toàn bộ số cổ phần Ricons đang lưu hành. Sau khi thực hiện hoán đổi cổ phiếu, Coteccons sẽ sở hữu 100% Ricons và chuyển đổi Ricons từ CTCP thành Công ty TNHH một thành viên.

Trong những năm gần đây, kết quả kinh doanh của Ricons đều đạt được sự tăng trưởng rất mạnh mẽ. Năm 2018, Ricons đạt doanh thu 9.306 tỷ đồng, tăng 42%; lợi nhuận sau thuế 431,3 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2017. Hiện, vốn điều lệ của Ricons đạt 305 tỷ đồng, tương ứng 30,5 triệu cổ phần theo mệnh giá. Trong đó, Coteccons chính là một cổ đông lớn đang nắm giữ 14,87% vốn. Ngoài ra, các lãnh đạo chủ chốt của Coteccons cùng người liên quan cũng nắm giữ một lượng đáng kể cổ phiếu Ricons gồm bà Huỳnh Thị Tuyết Ngọc – vợ ông Nguyễn Bá Dương – nắm 7,38% vốn, ông Trần Quang Quân – Chủ tịch Ricons đồng thời nằm trong ban điều hành Coteccons – nắm 6,05% vốn, Hà Tiểu Anh - Trưởng phòng tài chính kế toán Coteccons - nắm 13,74% vốn...

Nội bộ mâu thuẫn, “gã khổng lồ” ngành xây dựng Việt Nam bay 1.500 tỷ đồng - 2

Đại hội cổ đông năm 2019 diễn ra không thuận lợi với nhiều nội dung không được thông qua. Ảnh: Coteccons

Theo Coteccons, việc sở hữu Ricons sẽ giúp Coteccons tạo lợi thế cạnh tranh về quy mô, tăng năng lực triển khai các dự án lớn và đặc biệt lớn, thúc đẩy việc tăng doanh thu và lợi nhuận công ty.

Tuy nhiên, ngay trước ngày diễn ra ĐHCĐ, nhóm cổ đông lớn nhất của CTD là Kusto (đại diện bởi Kustocem) đã lên tiếng không ủng hộ kế hoạch sáp nhập này. Kusto cho rằng thương vụ M&A với Công ty Ricons sẽ không mang lại bất cứ lợi ích và giá trị nào có liên quan tới hoạt động vận hành của Coteccons hiện tại. Thay vào đó, Kustocem tin rằng việc ban lãnh đạo tập trung vào giá trị cốt lõi của Công ty sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn thương vụ M&A này. Việc sử dụng cổ phiếu của Công ty để chi trả cho các thương vụ M&A không hợp lý đến khi hiệu quả hoạt động tài chính của Coteccons khởi sắc hơn và giá cổ phiếu đạt đến giá trị thực xứng đáng.

Tại ĐHCĐ của Coteccons, Kustocem không đưa ra bất cứ biểu quyết đồng ý nào cho thương vụ sáp nhập lần này, cũng như không ủy quyền đồng ý cho HĐQT về chiến lược M&A sắp tới. Những tranh cãi gay gắt giữa cổ đông Coteccons, nhóm cổ đông Kusto và cổ đông Ricons đã diễn ra tại Đại hội. Sau đó ông Nguyễn Bá Dương (Chủ tịch CTD) đã quyết định hủy bỏ tờ trình sáp nhập Ricons và nói rằng không muốn nhắc đến chuyện M&A nữa.

Đáng chú ý, việc phát hành cổ phiếu ESOP, thay đổi một số điều lệ Công ty cũng đã không được Đại hội thông qua. Trước đó, Coteccons đã có tờ trình xin ý kiến phát hành cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ chủ chốt (ESOP) tổng cộng 572.500 cổ phiếu, tương ứng 0,75% lượng cổ phiếu đang lưu hành với giá phát hành đề xuất 64.000 đồng/cp.

Ngay trong ngày diễn ra đại hội 9/4, cổ phiếu CTD đã lập tức giảm kịch sàn mất 9.800 đồng (7%) xuống 130.900 đồng/cổ phiếu. Hai phiên sau đó, CTD tiếp tục lao dốc, trong đó có thêm một phiên giảm sàn. Hiện cổ phiếu CTD đang dừng ở mức 121.700 đồng/cổ phiếu, mất 13,5% giá trị chỉ sau ba ngày diễn ra đại hội. Vốn hóa của công ty đã bốc hơi khoảng 1468 tỷ đồng, xuống còn 9.403 tỷ đồng.

“Vua thép” Việt: Đã qua thời “không hòa chỉ phát”?

Lợi nhuận các quý kinh doanh gần đây của Hòa Phát liên tục suy giảm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Sơn ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN