Nợ xấu ngân hàng tăng mạnh, xử lý cách nào?

Tổng mức nợ xấu dù vẫn ở mức dưới 3% như quy định của Ngân hàng Nhà nước nhưng nhóm có khả năng mất vốn lại cao. - Tài chính

Nợ xấu đang tăng nhanh tại các ngân hàng trong khi nhiều vướng mắc chính sách lại chưa được tháo gỡ (Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại ngân hàng An Bình). Ảnh: Lã Anh

Nợ xấu đang tăng nhanh tại các ngân hàng trong khi nhiều vướng mắc chính sách lại chưa được tháo gỡ (Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại ngân hàng An Bình). Ảnh: Lã Anh

Đi cùng với lợi nhuận, nợ xấu tại nhiều ngân hàng cũng tăng mạnh theo. Đáng chú ý, tổng mức nợ xấu dù vẫn ở mức dưới 3% như quy định của Ngân hàng Nhà nước nhưng nhóm có khả năng mất vốn lại cao.

Nợ xấu cả ngân hàng lớn lẫn nhỏ đều tăng

Kết thúc quý 3 năm nay, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) đón thông tin tích cực khi lợi nhuận lũy kế từ đầu năm tăng hơn 33% lên 773,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong khi quy mô tín dụng giảm nhẹ thì chất lượng nợ lại đáng lo ngại. Nợ đủ chuẩn (nhóm 1) và nợ cần chú ý (nhóm 2) của ngân hàng giảm nhưng nợ ba nhóm còn lại tăng rất mạnh: Nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) tăng hơn 250% lần, nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng 26,3%, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng 56%.

Đến ngày 30/9, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng (thị trường 1) của ABBank tăng vọt lên 3,39%, so với con số đầu năm chỉ 1,89%; tỷ lệ nợ xấu trên tổng tín dụng cũng tăng lên 2,78%.

Tính đến cuối tháng 9, nợ xấu của Ngân hàng MTCP Nam Á (NamABank) cũng tăng tới 91% so với đầu năm lên 1.496 tỷ đồng dù lợi nhuận của ngân hàng cũng tăng nhẹ. Tương tự như ABBank, nợ xấu của ngân hàng này chủ yếu tăng cao ở nhóm 3 và nhóm 4; khiến tổng dư nợ cho vay tăng từ 1,54% lên 2,37%.

Một trường hợp đáng chú ý khác là Ngân hàng MTCP Quân đội (MBBank), so với đầu năm, tổng nợ xấu tới ngày 30/9 tăng tới 29% lên 3.703 tỷ đồng. Trong đó, riêng nợ nhóm 5 tăng mạnh 40% lên 1.348 tỷ đồng.

Không chỉ ở các ngân hàng TMCP ngoài quốc doanh, ngân hàng MTCP quốc doanh lớn cũng gặp phải tình trạng tương tự. Tại ngày 30/9, nợ xấu nội bảng của BIDV là 22.436 tỷ đồng, tăng 19,3% so với đầu năm nay. Trong khi, nợ nhóm 3 và nhóm 4 giảm thì nợ nhóm 5 của BIDV lại tăng rất mạnh 70% so với hồi đầu năm lên 12.194 tỷ đồng. Điều này đã đẩy tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của BIDV tăng từ 1,9% hồi đầu năm nay lên 2,09% khi kết thúc quý 3.

Hay tại ngân hàng đang giữ vị trí số 1 về lợi nhuận là Vietcombank thì sự chuyển biến về chất lượng nợ cũng không lạc quan. Đến ngày 30/9 quy mô tín dụng của Vietcombank tăng 12% và nợ ở tất cả các nhóm cũng tăng theo. Trong đó, nợ nhóm 3 tăng 324,9%, nhóm 4 tăng 31%, nợ nhóm 5 chỉ tăng nhẹ 1,9% lên 4.860 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của Vietcombank tăng từ mức dưới 1% hồi đầu năm lên 1,07% cuối tháng 9/2019.

“Cho đến thời điểm hiện tại, ngân hàng cho vay dự án BOT đạt 110.000 tỷ đồng, thì đến 1/2 là doanh thu không đạt như dự kiến. Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều văn bản gửi Bộ GTVT, các địa phương và Chính phủ với mong muốn tháo gỡ khó khăn cho các dự án.

Tuy nhiên, đến nay vấn đề vẫn không xử lý được dứt điểm. Vì vậy, việc cần làm hiện nay là tháo gỡ khó khăn của các dự án BOT hiện tại để khơi thông tín dụng cho các dự án về sau. Nếu không làm được nợ xấu sẽ ngày càng tăng cao, khó có vốn cho các dự án BOT mới.

Bà Nguyễn Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước”

Đừng để xử lý 1 đồng mà phát sinh 2 đồng nợ xấu

Nợ xấu tăng đã khiến khoản trích lập dự phòng cụ thể của Vietcombank cho các khoản vay của khách hàng tăng 49%. Tại BDV, khoản trích lập dự phòng cụ thể cho các khoản vay tại thời điểm ngày 30/9 cũng tăng tới 82% so với đầu năm nay.

Tại MBBank, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng mạnh 59%. Xét về cơ cấu khoản vay, bên cạnh cho vay tổ chức thì các khoản cho vay cá nhân của MBBank tăng tới 19% và chiếm hơn 40% tổng dư nợ. Ba nhóm tín dụng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu cho vay của MBBank là cho vay hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình, sản xuất và dịch vụ tiêu dùng (chiếm 31,7% dư nợ), cho vay nhóm bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy và xe có động cơ khác (22,8%) và cho vay nhóm công nghiệp chế biến chế tạo (16%).

Theo ông Phạm Quang Dũng Tổng giám đốc Vietcombank, Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu đưa ra rất rõ nguyên tắc quyền ưu tiên thanh toán nghĩa vụ nợ có bảo đảm của tổ chức tín dụng khi có tài sản đảm bảo liên quan đến các vụ án.

Tuy nhiên, tới nay chưa có hướng dẫn cụ thể của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính dẫn đến thực tế một số chi cục thuế địa phương vẫn yêu cầu doanh nghiệp hoàn thiện tất cả các nghĩa vụ thuế trước khi hoàn thiện các thủ tục liên quan đến chuyển quyền sử dụng đất, chuyển quyền sở hữu tài sản. “Đây cũng chính là vướng mắc trong thực tế xử lý các khoản nợ xấu”, ông Dũng nhấn mạnh.

Chỉ đạo về nợ xấu ngành ngân hàng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đề nghị ngành ngân hàng nâng cao chất lượng tín dụng, đồng thời xem lại cơ cấu tín dụng và phải có chế độ tự kiểm soát rủi ro, kiểm soát nội bộ nhất là với lĩnh vực rủi ro là bất động sản, chứng khoán và BOT.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xây dựng cơ chế cảnh báo sớm, yêu cầu thanh tra tài chính phải có chế độ báo cáo và xử lý nghiêm các tổ chức vi phạm. “Để không phát sinh nợ xấu mới. Nếu xử lý 1 đồng mà phát sinh 2 đồng thì không bao giờ đạt mục tiêu”, Phó Thủ tướng nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Thu nhập tăng vọt tại các ngân hàng: Có nơi đang trả gần 1 lượng vàng/tháng

Hầu hết các ngân hàng đều tăng mạnh chi trả thu nhập cho nhân viên trong các tháng gần đây. Ngân hàng trả lương cao đầu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cao Sơn ([Tên nguồn])
Ngân hàng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN