Nở rộ ứng dụng cho vay tiền online lãi suất ''cắt cổ''
Lợi dụng nhu cầu vay tiền tăng cao của người dân khi thu nhập giảm sút, hàng loạt ứng dụng, website cho vay tiền trực tuyến liên tục nở rộ trong thời gian gần đây. Với những mỹ từ quảng cáo không cần chứng minh thu nhập, tốc độ giải ngân “thần tốc”, nhiều người dân đã sập bẫy tín dụng đen với lãi suất cắt cổ.
“Khủng bố” cả ngày lẫn đêm
Chia sẻ với PV Tiền Phong, chị Nguyễn Hồng Vân (35 tuổi, công nhân khu công nghiệp (KCN) Yên Phong, Bắc Ninh) cho biết, trong mấy tháng trở lại đây, công ty liên tục cắt giảm việc làm nên thu nhập giảm sút. Mọi chi phí sinh hoạt của gia đình đều trông chờ vào khoản lương hơn 6 triệu đồng của chị.
“Gia đình nuôi 2 con nhỏ nên thu nhập hầu như không đủ tiêu. Tháng nào cũng thiếu ngược thiếu xuôi. Tháng trước, do con ốm phải chi nhiều tiền thuốc. Tôi hỏi mượn bạn bè nhưng ai cũng khó nên không vay được tiền. Nghe bạn giới thiệu, có ứng dụng chỉ cần chụp căn cước công dân và điền thông tin cá nhân là được vay nên tôi đã thử xem thế nào. Khi gửi hồ sơ để vay 4 triệu đồng, tôi được duyệt ngay và chỉ trong vòng 1 phút, tiền đổ về tài khoản”, chị Vân chia sẻ.
Những tưởng có thêm khoản tiền vay từ ứng dụng Money Veo sẽ giúp chị giảm bớt áp lực trước mắt. Tuy nhiên, chỉ sau 10 ngày, chị Vân liên tục nhận được hàng loạt cuộc gọi thông báo đóng tiền.
“Các nhân viên nói số tiền phải đóng là 5,22 triệu đồng. Tôi nói lãi suất hơn 30,5%/10 ngày là quá cao nhưng họ bảo khi đăng ký đã chấp nhận các điều khoản vay nên phải đóng đủ”, chị Vân nói.
Những ngày sau đó, chưa kịp đóng tiền nên chị nhận được hơn 40 cuộc điện thoại mỗi ngày. Nhiều cuộc gọi còn diễn ra lúc 1-2 giờ sáng khiến chị mất ăn, mất ngủ. Thậm chí có nhân viên còn đe dọa khiến cuộc sống của chị bị đảo lộn hoàn toàn.
Rơi vào tình trạng tương tự, anh Lê Văn Đồng (công nhân KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội) cho biết, đang rất căng thẳng vì các cuộc “săn lùng” của nhân viên đòi nợ. Theo anh Đồng, tháng 3/2023, anh có vay qua một ứng dụng với số tiền 3 triệu đồng. Sau khi trả đủ, anh Đồng được nâng hạn mức vay lên 5 triệu đồng rồi lên 10 triệu đồng.
Nhiều người vay qua app liên tục bị nhắn tin đe dọa
“Khi vay 10 triệu tôi chưa kịp trả đúng hạn, lập tức số tiền lãi và tiền phạt tăng cao theo cấp số nhân. Họ buộc tôi phải đi vay các ứng dụng khác để trả cho khoản vay trước. Chỉ sau hơn 1 tháng số tiền nợ lên đến 50 triệu đồng”, anh Đồng nói.
Đường dây cầm đầu là người nước ngoài
Công an TP.HCM cho biết, vừa qua, các đơn vị Công an thành phố xác minh thu thập tài liệu, xác định hơn 32 ứng dụng cho vay tiền online hoạt động với phương thức, thủ đoạn đòi nợ tương tự. Theo Công an TP.HCM, người đứng đầu các ứng dụng, website này đều là người nước ngoài. Họ cùng lúc tạo ra nhiều ứng dụng cho vay và thuê người Việt Nam làm giám đốc điều hành. Hoạt động của những tổ chức này rất chuyên nghiệp, bài bản, đầy đủ các bộ phận như thẩm định vay, quản lý hệ thống, nhắc nợ và thu nợ đúng hạn; quản lý nhân viên đòi nợ.
Quá trình thu thập thông tin tài liệu xác minh, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam 11 bị can. Hiện, đơn vị tiếp tục đấu tranh mở rộng, truy xét bắt giữ các đối tượng giúp sức hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và cưỡng đoạt tài sản.
Lúc này các đối tượng gọi điện khủng bố cả ngày lẫn đêm. Do khi đăng ký các ứng dụng yêu cầu truy cập vào danh bạ nên các đối tượng chuyển sang gọi cả bạn bè và người thân. “Những người này còn cắt hình ảnh của tôi và gia đình đưa lên các trang mạng bôi nhọ. Trong 1 tuần trở lại đây, tôi phải đi chạy vạy khắp nơi để trả hết nợ, chứ áp lực không chịu nổi”, anh chia sẻ.
Mới đây, bà T.T.N.B ở TP. Biên Hòa phát hiện cô con gái duy nhất, mới 23 tuổi đã tự tử tại phòng ngủ. Trong bức thư tuyệt mệnh để lại, cô gái cho biết mình đã vay tín dụng đen qua ứng dụng (app) cho vay. Cô đã mắc nợ và không có khả năng trả nợ nên bị đe dọa liên tục phải tìm đến cái chết để được giải thoát.
Đáng nói hơn sau khi cô qua đời, mẹ của cô liên tục bị những người làm việc cho các app gọi điện khủng bố, yêu cầu trả nợ. Mỗi ngày đến gần trăm cuộc điện thoại chửi bới, hù dọa, lăng mạ.
Hàng chục nghìn người sập bẫy
Theo khảo sát của PV Tiền Phong, hiện chỉ cần tìm kiếm trên Google và các mạng xã hội, hàng loạt website và ứng dụng cho vay tiền hiện ra như: Dong247, Takomo, Vamo, MoneyCat, Money Veo, DoctorDong, CashBerry…
Khách hàng có nhu cầu vay tiền chỉ cần thông qua vài thao tác đơn giản trên điện thoại, cung cấp một số thông tin cá nhân như: tên tuổi, ngày tháng năm sinh, nơi ở, số điện thoại, thu nhập hiện tại, ảnh căn cước công dân mặt trước - sau, ảnh chân dung người vay. Thủ tục xét duyệt hồ sơ cho vay diễn ra nhanh gọn, chỉ vài phút sau khi hồ sơ hoàn tất, tiền vay lập tức được giải ngân vào số tài khoản ngân hàng. Số tiền các ứng dụng này cho vay dao động từ 1-20 triệu đồng.
Điều đáng nói, lãi suất của các ứng dụng này cao ngất ngưởng, nhiều ứng dụng lên tới 720%/năm. Đặc biệt, có ứng dụng trá hình dưới dạng các chi phí như tư vấn, dịch vụ, bảo hiểm…nên tính ra số tiền phải trả có thể lên tới cả chục lần khoản vay.
Đặc biệt, nếu vay qua ứng dụng, người dân sẽ phải mở quyền truy cập về các thông tin cá nhân như danh bạ, tin nhắn. Còn vay qua website, người dân sẽ phải để lại đường dẫn tới trang cá nhân Facebook, Zalo nên khi đến hạn không thanh toán, nhóm đòi nợ sẽ truy cập theo danh bạ, lấy số điện thoại gọi điện khủng bố người thân, bạn bè, ép người vay trả tiền. Nhiều trường hợp còn bị dọa tung ảnh cá nhân, tin nhắn hội thoại lên mạng xã hội để đe dọa, bêu xấu.
Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an cảnh báo, thời gian gần đây đơn vị này nhận được hàng loạt phản ánh và đơn tố giác của người dân về tình trạng cho vay nặng lãi và lừa đảo qua các ứng dụng cho vay trực tuyến. Đặc biệt, các đối tượng còn mạo danh một số ngân hàng và các công ty tài chính có thật tại Việt Nam để tạo lập website, ứng dụng, chạy quảng cáo thông qua các nền tảng mạng xã hội, chào mời cho vay tín chấp. Tuy nhiên, bản chất của những ứng dụng này là cho vay nặng lãi, tín dụng đen... khiến hàng chục nghìn người sập bẫy.
Bộ Công an khuyến cáo khi có nhu cầu vay tiền, người cần liên hệ trực tiếp với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng để được tư vấn, hướng dẫn làm thủ tục vay vốn, đồng thời không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân khi chưa xác định chính xác website, ứng dụng và danh tính tư vấn viên.
Các ngân hàng khuyến cáo khách hàng không chuyển tiền theo chỉ định của đối tượng lừa đảo khi không có mối quan hệ, giao dịch tài chính liên quan...
Nguồn: [Link nguồn]