Nở rộ dịch vụ đổi tiền mới giá cao

Tiền mới, tiền nguyên sêri đủ mệnh giá vẫn xuất hiện nhiều trên thị trường dù Ngân hàng Nhà nước khẳng định tết năm nay không in thêm tiền mệnh giá nhỏ.

Năm nào cũng vậy, càng gần đến tết Nguyên đán nhu cầu đổi tiền mới để lì xì, đi chùa… lại tăng cao. Chính vì vậy, dịch vụ đổi tiền mới lại nở rộ.

NHNN cho hay những năm gần đây cơ quan này đã hạn chế in tiền mới, tiền mệnh giá nhỏ dịp tết. Ảnh: TL

NHNN cho hay những năm gần đây cơ quan này đã hạn chế in tiền mới, tiền mệnh giá nhỏ dịp tết. Ảnh: TL

Loạn phí đổi tiền mới

Hiện nay, khách hàng có nhu cầu đổi tiền mới tại các ngân hàng (NH) rất khó khăn. Lý do: khách hàng có nhu cầu đổi tiền mới nhiều (để lì xì) trong khi nguồn tiền mới tại các NH hạn chế, chủ yếu phục vụ cho việc lưu thông. Ngược lại, trên các trang web và mạng xã hội lại tràn ngập shop đổi tiền mới với đủ mệnh giá khác nhau, nhiều nhất là mệnh giá từ 1.000 đến 20.000 đồng.

Mức phí đổi tiền mới cũng chênh lệch nhau rất lớn, mỗi nơi mỗi kiểu. Có shop phí rất mềm, có shop lại hét giá trên trời. Anh Tuấn Thành, người cung cấp dịch vụ đổi tiền mới lì xì mùa tết ở Bình Dương, chia sẻ: Không có mức phí chung cho một loại mệnh giá mà mỗi nơi có một mức phí khác nhau. Đơn cử, cùng mệnh giá tiền 5.000 đồng nguyên cọc, nguyên kiện, nếu lấy sỉ với số lượng lớn từ 200 triệu đồng trở lên thì mức phí 2,2%-2,5% nhưng nếu lấy khoảng 100 triệu đồng, phí là 5%-7%.

Đối với mức phí đổi lẻ, số lượng ít thì gần như không có giới hạn. Chẳng hạn với loại tiền mệnh giá 10.000 và 20.000 đồng, phí khoảng 8%, thậm chí có nơi chỉ 5%.

Tiền mệnh giá càng thấp, phí đổi càng cao. Chẳng hạn, với mệnh giá 1.000 đồng, có nơi đổi với phí 15%, có nơi hét 45%. Chẳng hạn đổi 1 triệu đồng tiền mệnh giá 1.000 đồng loại nguyên sêri, khách hàng phải trả 1.450.000 đồng.

Mức phí cao nhất phải kể tới mệnh giá 500 đồng. Nếu là hàng lướt, tức hàng đã xài rồi nhưng còn mới tới 99%, mức phí bèo nhất cũng lên tới 200%. Trong trường hợp tiền mệnh giá 500 đồng mới còn nguyên sêri, phí đổi lên tới 440%.

Với mức phí này, đổi 50.000 đồng tiền mệnh giá 500 đồng loại nguyên sêri, khách hàng sẽ phải trả 220.000 đồng. “Mặc dù mức phí cao nhưng loại tiền mệnh giá nhỏ lại hiếm” - anh Tuấn Thành nói.

Trong vai khách hàng, chúng tôi thắc mắc: Dịp tết năm nay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không in thêm tiền mới mệnh giá nhỏ, vậy lấy đâu nguồn tiền mới? Trả lời câu hỏi này, một số người làm dịch vụ đổi tiền né tránh mà chỉ cam kết: “Anh chị cứ yên tâm vì đây là tiền mới thật 100% chứ không phải tiền giả”.

Tuy vậy, anh Tân, người cung cấp dịch vụ đổi tiền lì xì ở khu vực quận 2, TP.HCM, tiết lộ: Nguồn tiền mới mệnh giá nhỏ đã được những người làm dịch vụ này thu gom và tích lũy trong nhiều năm nay hoặc từ các đợt phát hành trong năm 2020.

“Để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện và xử phạt, những người làm dịch vụ đổi tiền thường chỉ giao dịch với các mối quen hoặc thông qua người quen biết giới thiệu” - anh Tân cho biết thêm.

NHNN cho hay sau tám năm liên tiếp thực hiện chủ trương không đưa tiền mới mệnh giá nhỏ ra lưu thông trong dịp tết Nguyên đán đã giúp tiết kiệm hơn 3.500 tỉ đồng cho ngân sách nhà nước. Nguyên nhân là nhờ giảm chi phí in, vận chuyển, bảo quản, đóng gói, phân loại, kiểm đếm…   

Coi chừng sập bẫy tiền giả

Ông Minh Tiến (quận Tân Bình, TP.HCM) cho hay ông có nhu cầu đổi tiền mới để lì xì cho người thân, con cháu trong dịp tết vì đây là truyền thống của gia đình. Tuy nhiên, ông cho rằng phí đổi tiền mới quá cao và lo ngại đổi nhầm tiền giả.

“Tôi đổi 2 triệu đồng tiền cũ để lấy tiền mới với mức phí 15% nhưng cứ lo ngay ngáy, không biết đó là tiền thật hay giả. Nếu chẳng may đổi trúng tiền giả thì tiền mất tật mang, lại còn mang tiếng… lì xì tiền giả” - ông Tiến lo lắng.

Liên quan đến vấn đề này, một số chuyên gia cũng cảnh báo người dân cần cảnh giác về nạn lừa đảo, nạn tiền giả, nhất là khi đổi tiền qua mạng xã hội. Bởi khi đổi qua mạng, người đổi tiền thường không biết đối tượng đổi tiền là ai, thậm chí không có địa chỉ rõ ràng nên rủi ro rất lớn. Hơn nữa, ngay cả khi bị lừa, người dân cũng không biết kiện cáo ai, không được bồi thường vì đây là hoạt động không được phép.

Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM Nguyễn Hoàng Minh cho biết: Tết năm nay NHNN tiếp tục siết chặt chuyện đổi tiền lẻ và không in thêm tiền mới mệnh giá nhỏ. Như vậy, đây là năm thứ tám liên tiếp NHNN không phát hành tiền lẻ mới vào dịp tết. Tuy nhiên, các loại tiền mệnh giá nhỏ đã qua lưu thông vẫn đủ cung ứng để phục vụ nền kinh tế.

Bên cạnh đó, NHNN chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, xử lý đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ đổi tiền hưởng chênh lệch.

“Theo quy định, hành vi đổi tiền mới loại mệnh giá nhỏ, lẻ để hưởng chênh lệch, ăn phí là hành vi trái pháp luật. Nghị định 96/2014 quy định rõ phạt tiền 20-40 triệu đồng đối với hành vi thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật” - ông Minh nhấn mạnh.•

Cung ứng đủ tiền mặt cho nền kinh tế

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định dịp tết Nguyên đán Tân Sửu tiếp tục không in tiền lẻ mới.

Ông cũng cho rằng việc người dân sử dụng tiền lẻ mới vào dịp tết Nguyên đán hằng năm đi lễ đền, chùa là thói quen từ rất lâu. Tuy nhiên, NHNN sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan để tuyên truyền cho người dân hiểu đúng về vai trò của tiền mệnh giá nhỏ.

“Người dân đi lễ đền, chùa hay tham dự những sự kiện có yếu tố tâm linh thì không nên đặt nặng vấn đề tiền bạc” - ông Tú nói.

Lãnh đạo NHNN cũng thông tin cơ quan này sẽ điều hòa và cung ứng đủ tiền mặt cho nền kinh tế. Qua đó bảo đảm nhu cầu thanh toán, vốn tín dụng phục vụ dịp cuối và đầu năm.  

Nguồn: [Link nguồn]

Chiêu trò lừa đảo cũ rích vẫn có người trúng “bẫy”, tiền trong tài khoản bỗng “bốc hơi” hết sạch

Chiêu trò này đã xuất hiện từ rất nhiều năm qua nhưng không ít người vẫn không cảnh giác, để bị lừa mất hết tiền...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THÙY LINH ([Tên nguồn])
Mở cửa thấy Tết Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN