Lưu bài Bỏ lưu bài

Ngày nay, nhiều làng nghề truyền thống có nguy cơ bị mai một, nhưng những nghệ nhân làng nghề làm trống Đọi Tam vẫn quyết tâm gìn giữ, bảo tồn nghề truyền thống của cha ông. Không chỉ vậy, những người con tài hoa đó đang tự tin làm giàu trên chính quê hương mình.

Chuyện ít ai kể về những tỷ phú làng Đọi Tam - 2

Làng trống Đọi Tam (xã Tiên Sơn, huyện Duy Tiên, Hà Nam) nổi tiếng với nghề làm trống đã có từ rất lâu. Gia phả hàng nghìn năm qua của các dòng họ đều ghi rõ làng có nghề làm trống cha truyền con nối. Đời nào cũng có những thợ Cả nổi danh, mang trống Đọi Tam đi khắp các vùng miền.

Hiện nay, xóm Đọi Tam có 710 hộ thì có gần 600 thợ làm trống lành nghề, trong đó có những cơ sở làm ăn quy mô lớn tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân trong làng. Thu nhập từ nghề làm trống chiếm 60% tổng thu của thôn.

Theo chia sẻ của người dân, làng trống Đọi Tam có tục lệ cha truyền con nối. Con trai trong làng thường sẽ biết làm trống từ lúc còn 12, 13 tuổi và khi lên 14,15 tuổi thì sẽ được theo cha đi khắp các tỉnh thành trong cả nước để làm trống.

Chuyện ít ai kể về những tỷ phú làng Đọi Tam - 3

“Nghe tiếng trống Đọi Tam như nghe thấy tiếng đập của trái tim mình. Nghề làm trống đã thấm vào từng mạch máu, thớ thịt của tôi rồi”, nghệ nhân Phạm Chí Khang, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và kinh doanh trống Đọi Tam chia sẻ.

Cũng nhờ truyền thống tốt đẹp này, làng nghề trống Đọi Tam đời nào cũng có những nghệ nhân xuất sắc. Nếu có dịp ghé thăm làng trống, có lẽ người trong làng trên xóm dưới đều biết đến tên tuổi những nghệ nhân nổi tiếng, như ông Phạm Chí Khang, ông Lê Ngọc Tố, ông Lê Ngọc Hùng,... Đây là những cơ sở lớn nhất nhì ở Đọi Tam, cả năm sản xuất đến cả nghìn quả trống và các sản phẩm khác.

Đều là những người thợ lâu năm, nhưng dường như mỗi người đã tìm cho mình thế mạnh riêng. Nếu như cơ sở nghệ nhân Phạm Chí Khang chuyên làm trống, thì những người thợ thế hệ sau đã tìm cho mình những hướng đi mới. Cơ sở của ông Lê Ngọc Tố chuyên sản xuất bồn tắm, còn với ông Lê Ngọc Hùng thì sản xuất bình ngâm rượu. Nhờ sản xuất lâu năm nên những sản phẩm này đã trở thành thương hiệu gắn liền với tên tuổi mỗi người thợ.

Chuyện ít ai kể về những tỷ phú làng Đọi Tam - 4

Với bản tính năng động, nhạy bén, người thợ làng nghề trống Đọi Tam luôn luôn tìm tòi và sáng tạo, các sản phẩm luôn đáp ứng được thị hiếu, thẩm mỹ của người sử dụng. Đó là sự đa dạng hoá các sản phẩm, sáng tạo nhiều chủng loại, kiểu dáng trống mới. Từ đó, nghề làm trống đã mang lại lợi ích về kinh tế, nhiều người thợ đã làm giàu trên chính mảnh đất quê hương chiêm trũng bằng chính bàn tay khối óc của mình.

Chuyện ít ai kể về những tỷ phú làng Đọi Tam - 5

Ở cái tuổi ngoại ngũ tuần, thân hình cao lớn và đôi mắt tinh anh, ông Hùng có cái tướng tá của người làm kinh tế thị trường hơn của một nghệ nhân truyền thống. Ngày nhỏ, cũng như bao lớp trai đinh trong làng 12, 13 tuổi anh em ông đã thuộc nằm lòng những công thức bí truyền của nghề trống và theo cha rong ruổi đi khắp các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ cho tới miền núi và vào trong miền trung, Tây Nguyên bưng trống.

“Đây là cái nghiệp mà cha ông mình đã gắn bó cả đời. Đến đời tôi, nhà có bốn anh em trai, nhưng chỉ còn mình tôi là đủ duyên đeo đuổi nghề làm trống truyền thống của cha ông. Ngày xưa tôi làm trống giỏi lắm, ít ai trong làng theo kịp tôi.” – ông Hùng chia sẻ.

Không chỉ làm nghề, cơ sở sản xuất trống, xưởng của ông Hùng còn dày công dạy và truyền nghề cho nhiều thế hệ trẻ trong làng.

Chuyện ít ai kể về những tỷ phú làng Đọi Tam - 6

Đối với ông Hùng, điều quan trọng nhất không phải là danh tiếng mà là cái tâm của người thợ. Người thợ làm nghề không chỉ cần sự tâm huyết, sáng tạo, tìm tòi, khai thác cái mới, mà còn luôn có ý thức giữ gìn, “thắp lửa” cho thế hệ sau. Đó mới là người thợ giỏi “giữ lửa và truyền lửa.”

Hiện, cơ sở của ông Hùng đảm bảo công việc cho 14 thợ làm quanh năm với thu nhập từ 11 – 16 triệu/tháng. Cuối năm, khi lượng công việc nhiều hơn thì cơ sở thuê thêm nhân công thời vụ.

Chuyện ít ai kể về những tỷ phú làng Đọi Tam - 7

Kinh tế ngày càng phát triển, kéo theo nhu cầu đa dạng của mẫu mã sản phẩm càng nhiều. Nên việc “chuyển đổi mặt hàng” để đáp ứng nhu cầu của thị trường là điều tất yếu, vừa để giữ chân công nhân, vừa lấy sản phẩm hiện đại “nuôi” sản phẩm truyền thống của làng.

Năm 2011, khi thị trường trống đã bão hòa, ông Hùng mày mò tìm hướng đi mới cho làng nghề trống Đọi bằng cách nghiên cứu sản xuất ra những mặt hàng dân dụng đáp ứng nhu cầu thị trường.

Chuyện ít ai kể về những tỷ phú làng Đọi Tam - 8

Lúc đầu, ông Hùng làm chậu ngâm chân và bồn tắm. Ông kể: “Xuất phát từ việc… xem phim cổ trang, thấy có những chậu ngâm chân, bồn tắm gỗ, cũng vì “ngứa nghề”, “tức nghề” mà làm thử. Chỉ dám làm thử thôi vì tôi nghĩ những món đồ đó dành cho tầng lớp quý tộc, thượng lưu xưa hoặc đại gia thời mới chứ thường dân đâu mấy ai “dám” dùng”.

Khi ghép chậu ngâm chân, bồn tắm xong ông thử đưa đi… hội chợ, chẳng ngờ khách bắt đầu mua rồi dần dần trở thành hai sản phẩm phổ biến đến cả “thường dân” như ngày hôm nay.

Chuyện ít ai kể về những tỷ phú làng Đọi Tam - 9

Không dừng lại ở đó, ông tiếp tục mày mò cho ra đời những thùng đựng rượu gỗ sồi. Đây là sản phẩm được rất nhiều người ưa chuộng hiện nay. Thùng rượu gỗ sồi không chỉ để đựng, ngâm rượu mà nó còn là vật dụng để trang trí trong nhà.

Lúc đầu bình rượu được ông làm bằng gỗ mít, tuy nhiên loại gỗ này không phù hợp nên bình chỉ có tác dụng trang trí. Sau này xem trên các phương tiện thông tin thì thấy có nói đến gỗ sồi, khi bỏ rượu trắng vào, để ít nhất là ba tháng thì màu của rượu sẽ chuyển sang màu ngà ngà, mà lại có vị ngọt ngọt, chan chát giống rượu booc-đô của Pháp. Thế là ông làm bình rượu bằng gỗ sồi.

Để ghép các thanh gỗ, thời gian đầu ông gắn bằng keo, kín, khít nhưng khi ngâm rượu hoá chất trong keo phai ra, nên bình không dùng được. Sau quãng thời gian 2 -3 năm mày mò, ông mới cho ra đời được loại bình rượu hoàn chỉnh, không dùng keo gắn mà rượu đổ vào vẫn không chảy, bảo đảm an toàn như ngày hôm nay.

Chuyện ít ai kể về những tỷ phú làng Đọi Tam - 10

Ông Hùng giải thích: “Gỗ sồi có một mặt dẫn nước, một mặt ngăn nước, nên nếu không nắm rõ, để mặt dẫn nước vào trong là rượu tự ngấm theo thớ gỗ ra ngoài. Các thanh gỗ xẻ dọc, ghép lại thành hình trụ rồi đốt lửa bên trong để tăng độ thơm của gỗ, đồng thời cho gỗ dẻo ra. Lúc đó công đoạn gò cong thanh gỗ sẽ dễ dàng hơn. Cuối cùng là đưa vào ép bằng máy ép thuỷ lực, bảo đảm độ khít đến tuyệt đối mà hoàn toàn không có một chút keo nào”. Và từ năm 2016 đến nay, bình rượu gỗ sồi là mặt hàng bán chạy nhất, thậm chí thường xuyên cháy hàng của Đọi Tam.

Cái hay của làng Đọi Tam là công thức để làm các sản phẩm khác như chậu, bồn tắm, bình ngâm rượu, cũng đều từ công thức làm trống mà ra. Trống thì ghép bằng gỗ mít, nhưng ba mặt hàng chủ lực của Đọi Tam hiện nay là chậu ngâm chân, bồn tắm thì ghép bằng gỗ thông, còn bình rượu thì ghép bằng gỗ sồi nhập khẩu. Như thế vừa áp dụng được kỹ thuật, công thức gốc của nghề làm trống, vừa đáp ứng được thị hiếu, nhu cầu của thị trường.

Chuyện ít ai kể về những tỷ phú làng Đọi Tam - 11

Nghệ nhân Lê Ngọc Hùng chia sẻ: “Gỗ được nhập hoàn toàn từ nước ngoài, đặc biệt là những nước xứ lạnh như Mỹ, Nga, Pháp, Đức…Việc lựa chọn gỗ ảnh hưởng rất nhiều tới việc làm ra những bình rượu sồi chất lượng và thu hút khách hàng. Trống được ghép bằng gỗ mít; chậu ngâm chân, bồn tắm ghép bằng gỗ thông; còn bình rượu thì ghép bằng gỗ sồi. Các khâu làm để tạo ra một sản phẩm cũng vô cùng tỉ mỉ”.

Tiếng lành đồn xa, sản phẩm bình ngâm rượu của ông Hùng khi ra thị trường được đánh giá cao. Nhiều khách hàng từ Tp HCM, thậm chí miền Tây cũng tìm tới cơ sở của ông Hùng đặt những đơn hàng tới 500 – 600 triệu đồng. Trung bình mỗi năm cơ sở đạt doanh thu từ 12 - 15 tỷ đồng.

Đã là người làng trống Đọi Tam thì gia đình nào cũng đều biết nghề. Những năm gần đây, nghề làm trống đã đem đến cho làng một sự thay đổi lớn. Cùng với việc lưu giữ nghề truyền thống, việc nắm bắt kịp thời nhu cầu xã hội và áp dụng vào từng sản phẩm đã giúp đời sống nhân dân ngày càng phát triển. Nghề làm trống vừa giúp mang lại hiệu quả kinh tế vừa giúp lưu giữ nghề truyền thống cha ông để lại.

 

Bài viết: Hồng Hương

Thiết kế: Nãm Trung Nguyên

Thứ Ba, ngày 01/02/2022 05:00 AM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Hồng Hương - Trung Nam ([Tên nguồn])